logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Bật Khóc Ở H Mart: Sẽ không còn ai giống mẹ, trong cuộc đời này

“Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart.”

Ngay câu mở đầu của hồi ký, Michelle Zauner đã khiến mình sững sờ khi trực tiếp đề cập đến một trong những nỗi đau lớn nhất đời người: nỗi đau mất mẹ. Cái câu ấy, “Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart”, chẳng khác nào một bóng tối u buồn giăng mắc trên những trang giấy, bởi mình biết rằng những phần tiếp sau, bản thân sẽ phải đối mặt với nỗi đau khôn cùng của tác giả. 

Khi Zauner hai mươi lăm tuổi, mẹ cô bị chẩn đoán mắc ung thư. Bật Khóc Ở H Mart là cuốn hồi ký ghi lại quãng thời gian ám ảnh và dữ dội ấy. Đan xen giữa những ký ức trong quá khứ và hoạt cảnh của hiện tại là những yêu thương và mâu thuẫn giữa hai mẹ con, nỗ lực hàn gắn những vết nứt bởi khoảng cách thế hệ và khủng hoảng nguồn cội. 

Michelle Zauner và bà Chongmi - mẹ cô, là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Bà Chongmi là một người phụ nữ Hàn Quốc truyền thống. Bà bị ám ảnh với cái đẹp và sự hoàn hảo, vô cùng tận tâm trong việc chăm lo cho gia đình. Còn Zauner thời thiếu nữ là một cô con gái nổi loạn, thường mâu thuẫn với mẹ và cảm thấy bà không bao giờ có thể hiểu được cô. Mẹ hi vọng cô sẽ có một cuộc sống ổn định và tương lai tươi sáng, còn cô lại sử dụng cơ hội vào đại học của mình để đi đến một nơi cách bà càng xa càng tốt. Thay vì trở thành người như bà kì vọng, cô rót hết thời gian và nhiệt huyết vào ban nhạc của mình, nếm trải cuộc sống khổ sở trong căn hộ chật chội, bẩn thỉu vì không có thời gian lau dọn và chăm chút. Cô chỉ trở về nhà khi hay tin mẹ bệnh, và nhanh chóng hối hận vì đã không ở bên bà nhiều hơn có thể.

Những trang viết về quãng thời gian bà Chongmi và cả gia đình Zauner chiến đấu với căn bệnh ung thư là những trang viết đầy ám ảnh, và những ngày đọc cuốn sách này là những ngày ngực mình trĩu nặng. Ngay cả khi đang tạm rời khỏi nó và đi làm việc khác, nhưng chỉ cần chớm nghĩ tới thôi, là mình đã lại cảm thấy buồn. Có những nỗi đau ta chưa từng nếm trải, nhưng khi đối mặt với nó một cách gián tiếp qua trải nghiệm của người khác, ta lại cảm thấy hoảng sợ và đồng cảm lạ lùng. Bởi rằng ai cũng sẽ phải trải qua nỗi đau ấy, mất mát ấy. Ai cũng sẽ có ngày phải nói lời từ biệt với những người mà mình hết sức thương yêu.

Trong những tháng ngày sát cánh bên mẹ, chứng kiến bà đau đớn vì hoá trị và cơ thể tiều tuỵ dần, Zauner mong vô cùng những đau đớn ấy của mẹ có thể truyền sang cô. Y như cái lúc mà bà mua cho Zauner một đôi giày mới, nhưng lại lén cô “đi” trước một tuần, ngày ngày dành ra một tiếng, dùng chân mình mài nhẵn các cạnh cứng và ráp để cô có thể đi nó một cách thoải mái. Mình xúc động biết bao khi đọc những đoạn hồi ký ấy. Và cả đoạn Zauner cố gắng tổ chức hôn lễ nhanh nhất có thể để mẹ được nhìn thấy cô mặc áo cưới nữa. Chỉ khi biết một người sắp rời xa, ta mới hốt hoảng nhận ra thời gian mình dành cho nhau ít ỏi đến nhường nào, và sau đó, chỉ có thể nỗ lực bù đắp trong đau khổ. 

Michelle Zauner mang trong mình hai dòng máu Mỹ-Hàn. Thuở thiếu thời, sống trong môi trường giáo dục phương Tây, cô từng khao khát xoá nhoà đặc điểm phương Đông trong nhân dạng của mình để có thể hoàn toàn trở thành một người Mỹ, nhưng trong những năm tháng cuối cùng bên mẹ, cô khao khát tìm về những đặc điểm mà mình từng chối bỏ ấy hơn bao giờ hết. Bởi tại chỉ khi ấy, cô mới cảm giác rằng mình đã trở về với khởi nguồn và bước vào thế giới của mẹ - một người phụ nữ luôn hoài nhớ cố hương. Zauner bật khóc ở H Mart, bởi đó là nơi mà cô có thể tìm thấy những nguyên liệu nấu món Hàn Quốc mà mẹ từng dùng, nhớ về hương vị của những món bà từng làm và những tháng ngày quá vãng. Cô nếm được vị của những ký ức xa xưa sẽ không bao giờ trở lại. Nếu nhân vật Marcel của Marcel Proust tìm về quá khứ qua hình ảnh và hương vị của chiếc bánh madeleine, thì nỗi nhớ và khổ đau của Michelle Zauner được khơi dậy trong không gian đậm chất Á Đông của H Mart. Mẹ là một phần quê hương. Zauner khóc vì cô biết mình sẽ không bao giờ còn cơ hội ghé thăm miền thương đã mất ấy nữa. Từ đây, cô mất đi vĩnh viễn một chốn về.

Bật Khóc Ở H Mart là một cuốn sách rất đẹp, tất cả những người hiện diện trong tác phẩm này đều đáng quý và đáng trân trọng, thế nhưng mình nghĩ sẽ không đọc lại nó lần hai. Bởi với mình, nỗi đau và sự mất mát của hồi ký không chỉ khiến mình buồn bã, mà cũng vô cùng kinh sợ. Vì mình biết, trong khi mình đang trưởng thành, cha mẹ cũng đang già đi. Bật Khóc Ở H Mart gợi cho mình về một viễn cảnh chia xa mà mình vẫn luôn né tránh ngay cả trong suy nghĩ. Mình hiểu rằng một lúc nào đó trong tương lai, bản thân cũng sẽ phải đối mặt với nỗi đau tương tự như Zauner. 

Có những nỗi đau mà mình không biết làm sao mà người ta có thể sống cùng, chấp nhận, và vượt qua nó. Còn mình, mình nghĩ bản thân sẽ mãi mãi không thể sẵn sàng cho nỗi đau ấy được.

Đánh giá: 5/5

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)