logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Nắng Trong Vườn - Chút nắng hồng ôm trọn những ngày giá băng

“Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng ....mê mẩn trước sự bóng bẩy. Nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng." 

(Nguyễn Ngọc Tư) 

Như tiêu đề trên bìa áo, tổng thể Nắng Trong Vườn là một cuốn sách ấm áp, rực rỡ tựa ánh nắng xuân. Lúc sinh thời, các tác phẩm của Thạch Lam được chia thành hai tông màu rõ rệt: hoặc lạnh, hoặc ấm. Tông lạnh thì có Gió Đầu Mùa, có Sợi Tóc. Còn tông ấm, dĩ nhiên phải nhắc ngay đến Ngày MớiNắng Trong Vườn. Điều thú vị là Thạch Lam ra mắt tập Nắng Trong Vườn vào năm 1938, chỉ một năm sau tác phẩm đầu tay Gió Đầu Mùa, như thể ông chủ ý viết tập truyện để xoa dịu cái lạnh đã cắt da thấu thịt những phận người bần hàn trong Gió Đầu Mùa vậy.

Bạn có thắc mắc tại sao Thạch Lam lại đặt tên sách là Nắng Trong Vườn không? Ban đầu, tôi cũng không hiểu đâu, trong đầu tôi chỉ mường tượng đến một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ loáng thoáng chút nỗi buồn nhẹ tênh. Nhưng, có những điều chỉ đến vào thời điểm của nó, và rồi tôi cũng nhận ra, khu vườn đó chính là ẩn ý về một chốn bình yên vô cùng mà tôi đã luôn khắc khoải kiếm tìm trong cuộc sống bộn bề, để rũ bỏ đi những bụi bặm, phiền não mà sống thật với chính mình. Những con người trong 12 truyện ngắn của Nắng Trong Vườn cũng vậy, họ sống một cuộc đời dường như cứ ảm đạm, tẻ nhạt, và chậm rãi mà trôi đi từng ngày. Thế nhưng ẩn sau bề ngoài tầm thường ấy thực ra lại chất chứa những cảm thụ sâu sắc, những tình cảm mãnh liệt đang chờ đợi để được tuôn ra, được xé nát lồng ngực tù túng mà tung hứng vào đời. 

Dàn nhân vật trong tập truyện hầu hết đều là những thiếu nữ đương xuân. Họ có sức trẻ căng tràn, có nhiệt huyết trào dâng, luôn sống hết mình vì tuổi trẻ phơi phới. Trong tình yêu, họ chủ động, bạo dạn. Trong cuộc sống, họ rắn rỏi, luôn khát khao giải phóng bản ngã khỏi lề thói cổ hủ cứng nhắc. Trong giai đoạn thập niên 30 của thế kỉ trước, khi xã hội vẫn còn bị ràng buộc bởi nhiều lễ giáo lạc hậu mà lại xuất hiện những nữ cường như vậy quả thực hiếm, và Thạch Lam là người đã biến cái “hiếm” đó trở thành những điều hiển nhiên của thời đại mới. Ông dám cất lên tiếng lòng thay lớp trẻ, nói hộ cho những cô cậu thanh niên vẫn bị coi là lăng loàn, đĩ điếm trong thời đại cổ hủ còn coi tình yêu lứa đôi là điều cấm kỵ. Dưới ngòi bút của ông, những cặp đôi trẻ cứ vô tư mà đến với nhau, tình tứ với nhau, ân ái với nhau một cách chân thành và mộc mạc, mặc thói đời luôn vô tình với họ. Sau tất cả, tình yêu luôn hiện diện như sự gắn kết giữa những trái tim, nó đại diện cho tuổi trẻ và hy vọng, cho hiện tại và tương lai, cho mộng ảo và hiện thực, và cũng có cả sự tiếc nuối và hoài nhớ thanh xuân đang chảy trong tim. 

Nắng Trong Vườn đại biểu cho phong cách “truyện không có chuyện” nổi tiếng của Thạch Lam, xuyên suốt tập truyện ta thấy rặt chỉ toàn những cảm giác, ngộ nhận, những rung động mơ hồ mong manh đang lâng lâng xao xuyến trong lòng, đang cố làm ta rưng rưng con mắt vì những tình cảm rất đỗi riêng tư. Và, phải đọc thật kỹ, đọc nghiền ngẫm ngấu nghiến từng câu từng chữ mới thấy văn Thạch Lam mềm như thơ, không khệ nệ câu từ, càng không phức tạp trong cốt truyện, mà chỉ đơn thuần là viết về con người, về cảm xúc và cuộc đời. Nhưng ngòi bút Thạch Lam đã tôi luyện cái đẹp trong sự giản đơn đấy đến đỉnh cao, khiến người đọc xong thì khó dứt ra được, người chưa đọc mà chỉ nghe danh thôi cũng thấy háo hức, thấp thỏm một cách lạ thường.

Gấp lại Nắng Trong Vườn, bất giác tôi có chút chạnh lòng, giống như những câu chuyện trong đó không phải là văn chương đơn thuần nữa mà còn là những câu chuyện mình cùng bạn bè mình hồi xưa vẫn hay hàn huyên tâm sự bên tách cà phê trong những buổi chiều nhạt nhòa nắng. Thuở đó, chúng tôi - những đứa học sinh đương tuổi vô lo vô nghĩ cùng ngồi với nhau, kể cho nhau những câu chuyện ở dĩ vãng, ở những năm tháng có nhau và xa nhau. Những chuyện tình yêu, cuộc sống, đời tư và tương lai. Giờ đây nhìn lại, thấy những ngây ngô ấy đã qua, thấy những niềm vui đã phai, những nỗi buồn bước lạc, những biến cố xảy ra vẫn đang hiện hữu, khắc ghi trong từng ánh nhìn, từng cử chỉ, từng giọng nói. Tất cả đang hiện diện quanh đây, ẩn hiện trong ký ức mơ hồ, nhấp nhô trên từng dòng chữ, như một tiếng vọng thì thầm về quá khứ lai vãng. 

“Vừa xuống thuyền, Hậu đã ôm quàng lấy vai tôi, ngập ngừng nói những lời ân ái. Tôi thấy tấm thân trẻ và dẻo dai của Hậu quấn lấy tôi như một dây leo. Chúng tôi hòa hơi thở với nhau, tóc nàng bỗng buông xõa trên người tôi, thoảng ra một thứ hương ngát dịu và đầm ấm”. 

 (Nắng Trong Vườn) 

Và rồi, tôi chợt hiểu ra tại sao từ xưa đến nay lại có nhiều người yêu văn Thạch Lam đến vậy, bao gồm cả tôi. Dẫu cho thời đại đã đổi thay, dẫu Thạch Lam giờ đã thành người thiên cổ, thì sách của ông vẫn được tìm đọc, được tái bản đều đều với số lượng kỉ lục. Sở dĩ được vậy là vì di sản ông để lại không nằm ở văn phong hay ngôn từ, ở giọng điệu hay chất văn, mà đó đơn giản chỉ là những bài học cuộc sống đơn thuần của người nghệ sĩ luôn thành thực với cuộc đời, với lịch sử.

Khép lại bài viết này, tôi muốn cầu cho tất cả chúng ta, cuối cùng sẽ như những nhân vật trong tập truyện này, đều sẽ tìm thấy được một bến bờ an yên trong trái tim mình giữa dòng đời hối hả này.

ĐÁNH GIÁ: 4/5 

19/7/2020

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)