logo-maybe-vn
Mở app

Hóa Thân - Lời tố cáo xã hội ghẻ lạnh

Franz Kafka (1883 - 1924) là nhà văn gốc Do Thái sáng tác chủ yếu bằng tiếng Đức. Ông được giới phê bình đánh giá là một trong những tác giả có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Hóa Thân xuất bản năm 1915, là một tác phẩm tiêu biểu trong di sản sáng tác của Kafka, nói về sự xa cách giữa người với người trong xã hội hiện đại.

Nhân vật chính của Hóa Thân là Gregor, nhân viên tiếp thị của một hãng buôn. Nghề tiếp thị nhàm chán và vất vả khiến Gregor căm ghét, nhưng anh vẫn phải cố duy trì công việc này để chăm lo cho gia đình, một gia đình chẳng có ai ngoài anh là người kiếm tiền. Cha anh đã lớn tuổi, mẹ anh bị bệnh hen, còn cô em gái Grete của anh đã 17 tuổi nhưng khờ khạo.

Một buổi sáng thức dậy, Gregor thấy mình biến thành con bọ khổng lồ. Anh mất đi ngoại hình và giọng nói của một con người, nhưng những suy nghĩ và̀ ước vọng của anh vẫn còn nguyên. Sau khi hóa thành bọ, Gregor không còn khả năng lao động. Anh bị giam trong phòng để không ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình. Trong hình hài mới, Gregor có dịp phát hiện ra góc khuất của gia đình mình, điều mà trước kia anh không nhận ra do không có nhiều thời gian ở nhà.

Phản ứng của những người xung quanh Gregor khiến cho mình cảm thấy rùng mình. Đó là minh chứng cho sự vô cảm của xã hội đối với Gregor. Lão quản lý tỏ ra kinh tởm khi thấy anh. Cha anh xem anh như một nỗi nhục nhã của gia đình. Mẹ anh sợ hãi anh tột độ, không dám lại gần anh. Chỉ có cô em gái Grete quan tâm đến anh, nhưng dần dần cô xa lánh anh, không còn tin Gregor là con người nữa. Từ trụ cột chính của gia đình, Gregor trở thành kẻ thừa thãi. Mình cảm thấy xót xa cho Gregor vì anh phải hứng chịu những điều không xứng. Anh chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần khi bị chính gia đình mà anh hết mực yêu thương đối xử phũ phàng.

Điều đặc biệt trong tác phẩm này là tác giả đã khéo léo dẫn dắt để mình tiếp nhận việc hóa thân như một sự thật hiển nhiên, như thể tác giả muốn mình hòa vào sự thờ ơ của con người đối với bản thân và giữa con người với nhau. Các nhân vật, ngay cả Gregor, đều không quan tâm đến nguyên nhân vì sao Gregor hóa thành bọ, mà họ chỉ chú tâm tới chuyện kiếm tiền, cứ như thể việc hóa thân là một cái gì đó rất đỗi bình thường, một cơn đau bệnh mà ai cũng có thể gặp phải. Sau khi biến thành bọ, việc đầu tiên Gregor làm là xoay sở để đi làm kịp giờ. Gia đình của Gregor thì không quá kinh ngạc. Họ nhanh chóng tìm cách đối mặt với các vấn đề tài chính thay vì tìm cách giúp Gregor trở lại hình dạng người. Sự hóa thân của Gregor hóa ra là tấm gương phản chiếu sự hóa thân của gia đình anh, những kẻ sẵn sàng trở mặt chỉ sau một đêm.

Bao năm qua Gregor khổ cực bươn chải để thay bố mẹ trả nợ, tiết kiệm tiền cho em gái đi học ở nhạc viện, thế mà họ lại xem đó là nghĩa vụ đương nhiên của anh. “Những đồng tiền được đón nhận với lòng biết ơn và được ban phát với niềm vui sướng, nhưng nào còn nữa cái tình cảm nồng nhiệt đặc biệt trào dâng như hồi đầu.” Họ mang ơn anh, nhưng đó là chỉ khi anh kiếm được tiền. Khi anh biến thành bọ, mất khả năng lao động thì sự mang ơn của các thành viên trong gia đình cũng biến mất. Trong hình hài con bọ, Gregor nhận ra mình chỉ là một cỗ máy kiếm tiền đối với gia đình.

Câu chuyện của Gregor chưa bao giờ lỗi thời, bởi vì mình vẫn dễ dàng bắt gặp những mảnh đời giống anh trong xã hội hiện nay. Trước khi biến thành bọ, Gregor đã đánh mất “con người” của anh, sống một cuộc sống vật vờ, thiếu vắng sự quan tâm giữa người với người: “Chạy rông hết ngày này sang ngày khác, cứ phải liên tục di chuyển, cứ phải lo lắng chuyện đổi tàu, chuyển ga, ăn uống thất thường, gặp đâu ngủ đấy, lúc nào cũng phải làm quen với những kẻ tình cờ gặp gỡ để rồi không bao giờ thấy mặt lần thứ hai, không bao giờ trở thành bạn hữu thân tình.” Việc hoá thân giúp Gregor thoát khỏi công việc đáng ghét, nhưng hóa ra anh chẳng được tự do hoàn toàn. Gia đình đã thế chỗ cho công việc để cầm tù anh.

Gregor bị bó buộc vào nghề nghiệp và gia đình như một nghĩa vụ không thể tháo gỡ. Trong guồng quay do tiền bạc vận hành, xã hội trở nên vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Gregor ở giữa gia đình mà giống như ở thế giới nào xa lạ, dù anh đã cố gắng hòa nhập nhưng lại bị họ tuyệt giao, bị rũ bỏ sự hiện diện. Nỗi bất hạnh của Gregor là nỗi bất hạnh của những con người bị bỏ rơi trong mối quan hệ với cộng đồng, khiến cho họ tự thu mình lại.

Để nhấn mạnh cảm giác xa lạ, Gregor được đặt trong một không gian cách biệt với thế giới bên ngoài, kín mít, chật hẹp, tối tăm, mang không khí ủ dột. Đó chính là căn phòng của anh: “Nhưng căn phòng trống trải, cao vòi vọi mà anh đang nằm bẹp trên sàn lại khiến anh tràn ngập một nỗi sợ hãi không sao giải thích nổi vì đây chính là phòng riêng của anh suốt năm năm qua.” Không chỉ là xa lạ với cộng đồng, việc Gregor biến thành bọ còn có nghĩa là xa lạ với chính mình. Con bọ là hình ảnh ẩn dụ cho sự tha hóa về tính người, khi con người bị biến thành một cỗ máy bó buộc trong một số thao tác cụ thể nào đó. Gregor phiên bản bọ bị gắn chặt vào căn phòng là kết quả của Gregor phiên bản người bị gắn chặt vào cuộc mưu sinh. Anh không có thời gian để quan tâm tới những nhu cầu của bản thân, trở nên xa lạ với chính mình, để rồi đánh mất nhân dạng một cách vô thức.

Hóa Thân thể hiện sự đổ vỡ niềm tin của con người đối với các giá trị mà họ từng xem là thiêng liêng. Xã hội thật tàn nhẫn khi đã đẩy vô số cá nhân vào ách nô lệ của cuộc sống vật chất, để rồi khiến con người đánh mất nhân tính bên trong, bị biến dạng, hay nói cách khác là “hóa thân”. Tác phẩm khiến mình phải hoài nghi về sự tồn tại của con người trong thế giới đầy rẫy lo âu này.

Chấm điểm: 8/10.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)