Đạo diễn Lee Chang Dong – “Người làm vườn” tận tuỵ góp nhặt và vun vén những đau thương của thời cuộc
Nói đến các nhà làm phim đi đầu Làn sóng mới của điện ảnh Hàn thì không thể không nhắc tới Lee Chang Dong – vị đạo diễn bậc thầy về chủ nghĩa hiện sinh, dường như luôn bị ám ảnh bởi việc tìm hiểu thế giới hỗn loạn xung quanh và thử nghiệm các giới hạn của tinh thần con người. Từ những nhân vật mơ hồ về mặt đạo đức cho đến các câu chuyện đầy tuyệt vọng và đau thương, những thước phim của Lee thường bị che đậy bởi sự bí ẩn và luôn đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Theo một nghĩa nào đó, chính những chỗ trống để khán giả lấp đầy và diễn giải đã khiến trải nghiệm xem phim của ông có nét hấp dẫn rất riêng.
Phong cách độc đáo của vị đạo diễn có thể bắt nguồn từ quỹ đạo sự nghiệp khá thú vị. Lee tốt nghiệp chuyên ngành Văn học trước khi trở thành một tiểu thuyết gia thành công, với những bình luận chính trị xã hội sắc sảo mà sau này đều có mặt trong hầu hết các bộ phim của ông. Lần đầu tiên thử vận may trong lĩnh vực điện ảnh với vai trò là người viết kịch bản và trợ lý đạo diễn, trước khi giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc. Kể từ khi ra mắt với tư cách đạo diễn vào năm 1997, cho đến nay ông đã thực hiện chỉ sáu bộ phim. Nhưng tất cả đều là những cái nhìn tuyệt vời về sự đồng cảm, giận dữ lẫn nỗi đau buồn bị kìm nén. Có thể nói trọng tâm chính của ông luôn là “con người”, từ nền tảng tiểu thuyết gia tạo nên những câu chuyện điện ảnh sở hữu tiếng nói mạnh mẽ như bản cáo trạng đầy nhức nhối về một đất nước và xã hội với tất cả những hỗn loạn của nó. Vì vậy nếu bạn yêu thích dòng phim nghệ thuật của xứ kim chi, dành thời gian để thưởng thức tất cả bộ phim của Lee Chang Dong là hoàn toàn xứng đáng!
BURNING (2018)
Bộ phim mới nhất của Lee Chang Dong và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông khi gây bão tại nhiều liên hoan phim quốc tế danh giá, một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu với giới phê bình và khán giả phương Tây.
Câu chuyện bắt đầu với Jong Soo – một gã trai nghèo nuôi tham vọng trở thành nhà văn, đã kết nối lại với người bạn thời thơ ấu là Hae Mi sau khi tình cờ gặp nhau. Khi Hae Mi bày tỏ rằng cô sắp đi du lịch châu Phi, Jong Soo đã đồng ý chăm giúp con mèo ở nhà bằng cách đến cho nó ăn hàng ngày. Vậy mà lúc trở về, cô lại giới thiệu người bạn trai mới toanh, Ben, một người đàn ông bí ẩn với những sở thích kỳ lạ. Nửa sau của bộ phim là một đỉnh cao của cơn ác mộng, khi mọi nhân vật dường như đều ẩn chứa những kế hoạch và động cơ khó hiểu, và nơi mà tất cả ám ảnh, nghi ngờ và lừa dối dường như mờ đi cùng nhau.
Ngoài cốt truyện bề nổi, Lee thiết lập một xung đột xã hội rõ ràng giữa mối tình tay ba. Jong Soo đại diện cho tầng lớp thanh niên đang gặp khó khăn, bùng nổ với cơn thịnh nộ và bất mãn. Anh cảm thấy bị áp chế bởi Ben, một gã thuộc tầng lớp thượng lưu lôi cuốn và hấp dẫn, người theo đuổi lối sống phương Tây hóa và tinh vi. Ở giữa là cô gái, hiện thân của một cầu nối văn hóa giữa cả hai, một kẻ đào tẩu giữa những người ở đáy xã hội và bị thu hút vào thế giới hào nhoáng của gã bạn trai mới.
Bạn có thể xem và hiểu Burning theo bất cứ cách nào mà vẫn bị mê hoặc bởi cách xây dựng và những cao trào tuyệt vời, nhưng đây cũng là một bộ phim nhiều lớp mà bạn có thể thưởng thức bằng cách bóc tách từng biểu tượng sắc thái và phát triển theo cách diễn giải của riêng bạn. Đó là sự đánh giá chống lại chủ nghĩa tư bản và những lý tưởng phương Tây, một miêu tả u uất về sự phẫn nộ của nam giới hay tiếng kêu cứu tuyệt vọng của một thanh niên tàn tạ? Không có một đáp án chính xác tuyệt đối cho một tác phẩm đa tầng như vậy, như thể Burning là bộ phim được cố tình thiết kế để phá vỡ bất kỳ định kiến nào về chính nó.
POETRY (2010)
Poetry kể về một phụ nữ sáu mươi tuổi - Mija - người làm công việc dọn dẹp nhà cửa và gần đây đã được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, Mija là một công dân xuất sắc, luôn điềm đạm, quan tâm và chu đáo.
Mija đăng ký một lớp học thơ, nơi bà được khuyến khích “thực sự nhìn vào mọi thứ”. Việc tìm kiếm nguồn cảm hứng của bà bắt đầu một hành trình khám phá bản thân, nơi bà nhìn nhận lại mọi vẻ đẹp trong trần thế, hoan hỉ với mọi thứ dưới mọi hình dạng. Như mọi bộ phim của Lee, bi kịch vẫn tồn tại lẩn khuất đâu đó, và Mija phải chịu đựng sự nghi ngờ khủng khiếp từ đứa cháu khốn khổ của mình.
Nhưng trong Poetry hơn bao giờ hết, hy vọng, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đánh bại mọi vận rủi. Đây là một bộ phim mà Lee Chang Dong phản ánh về sự cần thiết của nghệ thuật, trong trường hợp của Mija, thơ ca như một phương tiện để thể hiện bản thân và đón nhận những niềm vui trong cuộc sống. Với một người có phần cứng rắn như Lee, bộ phim mang lại tia hy vọng về sự ngoan cố của con người để giải quyết mọi việc.
SECRET SUNSHINE (2007)
Con người được xây dựng để trở nên đồng lòng khi đối mặt với bi kịch, đôi khi bám vào thứ gọi là tôn giáo như một lá chắn chung chống lại mất mát và sự tầm thường không thể chịu đựng được của cuộc sống. Nhưng trong bối cảnh đó, Lee Chang Dong cho rằng một số cấu trúc xã hội của chúng ta có thể thối nát và mang tính cơ hội về mặt đạo đức đến mức nào.
Bộ phim đặt chúng ta vào vị trí của Shin Ae, một góa phụ đau buồn quyết định bắt đầu lại bằng cách chuyển đến quê hương của người chồng đã khuất cùng con trai. Khi cô ấy ổn định cuộc sống và làm quen với người dân địa phương, cô đã thu hút được rất nhiều sự chú ý như mục tin đồn nóng nhất trong thị trấn. Và như thể bi kịch của Shin Ae là chưa đủ, con trai cô bị bắt cóc để đòi tiền chuộc và ngay sau đó, cậu bé được tìm thấy đã chết.
Shin Ae đấu tranh để đối mặt với thực tế vô vọng của mình, thường xuyên nhìn lên bầu trời như để tìm kiếm bất kỳ tia hy vọng nào khi đối mặt với sự mất mát không thể tưởng tượng được này. Bị ép buộc bởi áp lực của bạn bè, cô bắt đầu tham dự các buổi họp nhà thờ địa phương, tạm thời tìm thấy niềm an ủi trong đức tin mới. Nhưng sự thoải mái đó nhanh chóng tan biến khi cô không ngừng đánh giá quá trình đau buồn của chính mình, với mọi chuyển động hoặc phản ứng nhỏ đều được phân tích cặn kẽ. Tại một thời điểm, Shin Ae bị chỉ trích vì không thể hiện đủ cảm xúc trong đám tang của con trai mình, như thể nỗi đau có thể được đong đếm bằng số lượng nước mắt rơi.
Cuối cùng, Lee Chang Dong cho thấy không có sự hỗ trợ hay câu chuyện tinh thần nào có thể thực sự xóa sạch sự thật trần trụi về cuộc sống, và chỉ bằng cách chấp nhận và đối mặt với nỗi đau, bạn mới có thể thực sự vượt qua nó.
PEPPERMINT CANDY (1999)
Peppermint Candy mở đầu với một gã đàn ông trung niên tự sát bằng cách lao vào đoàn tàu đang chạy tới. Một tích tắc trước khi anh ta làm như vậy, chúng ta cùng quay trở lại quá khứ của anh, hồi tưởng lại một số khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời chàng trai được hiển thị theo trình tự thời gian đảo ngược. Cấu trúc táo bạo này rõ ràng là một lựa chọn có chủ ý để dệt nên câu chuyện của một cá thể nhỏ bé giữa dòng chảy hung hăng của lịch sử đương đại Hàn Quốc.
Bằng cách quay ngược thời gian, Lee buộc chúng ta phải đưa ra phán đoán nhanh về nhân vật, và bức tranh chỉ thật sự hoàn thiện khi tiến đến cột mốc cuối cùng (cũng là khi trở về thời điểm nguyên thuỷ nhất của chàng trai). Cứ thế với mỗi đoạn hồi tưởng, chúng ta lại khám phá thêm về các yếu tố bên ngoài đã đẩy anh trở thành người đàn ông tuyệt vọng ở đường ray xe lửa, trùng khớp với một số sự kiện có liên quan nhất trong ký ức gần đây của Hàn Quốc, từ sự bùng nổ kinh tế những năm 80 và vụ thảm sát sinh viên Gwangju đến suy thoái khi bước sang thiên niên kỷ.
Vào cuối cuộc khám phá tâm lý ảm đạm này, đó có thể là lời phê phán cho nam tính độc hại, khuynh hướng tự hủy hoại bản thân hoặc bất kỳ tội lỗi nào không thể tha thứ của gã đàn ông. Nhưng như trường hợp của nhiều nhân vật của Lee, cho dù họ có đáng khinh đến mức nào đi nữa, thì luôn có một sợi dây liên hệ tương đối hoặc ít nhất, sự đồng cảm bi thảm đối với họ. Và đó là thành tựu của Peppermint Candy, bằng cách khám phá mối tương quan giữa bản thân và môi trường xung quanh, thừa nhận sự mong manh của cái tôi và cho thấy sự vụn vỡ được nuôi dưỡng bởi một môi trường áp bức dễ dàng như thế nào.
OASIS (2002)
Đề cập đến một đề tài nhạy cảm, trớ trêu thay Oasis dường như cũng là bộ phim thuần khiết nhất và dịu dàng nhất của Lee cho đến nay.
Câu chuyện mở ra với một thanh niên mắc chứng tâm thần nhẹ, người vừa mới ra tù vì tội ngộ sát. Ngay khi ra ngoài, anh quyết định hòa giải với gia đình của nạn nhân mà bằng cách đến thăm họ. Ở đó, anh tìm thấy một phụ nữ bị bại não phải ngồi xe lăn, những những người chăm sóc thì chỉ đang tìm cách vứt bỏ cô trong khi lại nhận lợi ích từ trợ cấp khuyết tật của cô.
Từ đây bắt đầu câu chuyện về tình yêu bị ngăn cấm giữa một cặp đôi lệch lạc, nơi cả bắt đầu bí mật gặp gỡ và dần tìm kiếm niềm an ủi trong sự tồn tại của nhau. Mối quan hệ của họ chỉ đơn giản bắt nguồn từ nhu cầu yêu và được yêu như tất cả những người bình thường khác, huống hồ cả hai đều bị người ruột thịt bỏ rơi khi một bên bị coi là cựu tội phạm vô dụng và bên còn lại là gánh nặng khó tránh khỏi. Những khuyết tật gắn kết cả hai nhưng cũng là trở ngại lớn nhất trong việc hoàn thiện mối quan hệ của họ.
Oasis là một bộ phim nhắn nhủ sự tự phản ánh về cách con người đối xử với nhau, thách thức chúng ta xem xét lại các quy ước xã hội và thành kiến của mình, và cuối cùng hy vọng vào sự bao dung và nhân hậu hơn giữa người với người.
GREEN FISH (1997)
Mặc dù Lee Chang Dong lúc này vẫn chưa tìm được chỗ đứng của mình, nhưng màn ra mắt vào năm 1997 đã phần nào phác hoạ một số phong cách đặc trưng của ông. Từ các nhân vật cưỡng bách và những mối quan hệ rối loạn cho đến cuộc chiến giữa quá khứ và hiện tại, Green Fish là một câu chuyện đủ lớp lang và cuốn hút của riêng nó.
Ở một vài khía cạnh, đây là một bộ phim nhân văn được ngụy trang thành một bộ phim xã hội đen gai góc, đặt chúng ta vào vị trí của một chàng trai trẻ gặp khó khăn, Makdong, người vừa mới xuất ngũ và đang đấu tranh để tái hòa nhập xã hội. Khi trở về quê hương của mình, anh phát hiện những đổi thay không thể nhận ra với mảnh đất mà anh đã rời đi nhiều năm về trước. Đó là một thế giới tăm tối, nghiệt ngã, đầy bất trắc và nguy hiểm, một thế giới nơi lòng tham và tiền bạc vượt xa lý tưởng.
Khi Makdong tuyệt vọng tìm kiếm một công việc và mục đích mới, anh rơi vào lưới các băng nhóm xã hội đen địa phương đang điều hành thị trấn. Góc thú vị nhất của bộ phim là cách Lee chuyển trọng tâm khỏi âm mưu tội ác phức tạp sang sự rối loạn cảm xúc nội tâm của Makdong. Mặc dù nhanh chóng tìm thấy niềm an ủi trong gia đình “đại diện” mới của mình, trái lại Makdong bắt đầu bỏ bê gia đình thực sự của mình. Thông qua sự sụp đổ của chàng trai, Lee phản ánh về tình trạng bất ổn đô thị ở một đất nước đang trong quá trình định hình lại chính nó, nơi mà sự tiến bộ và truyền thống đang loay hoay ở ngã ba đường. Tuy rằng không thực sự trau chuốt và hoàn chỉnh như những bộ phim sau đó, Green Fish vẫn là bước đệm vững chắc sẵn sàng cho một sự nghiệp rực rỡ.
- 0
- 0Bình luận