logo-maybe-vn
Mở app
Trần Ái Vi
Trần Ái Vi2 năm trước
Reading

Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer: Truyện thiếu nhi dành cho người lớn

Nếu có cuốn sách nào vừa nhẹ nhàng lại vừa sâu sắc, tôi chắc chắn sẽ đề cử Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer, một tác phẩm đến từ cây bút khôi hài - Mark Twain.

Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens, ông sinh năm 1835 tại Florida thuộc tiểu bang Missouri, nước Mỹ. Nhà văn có tuổi thơ cơ cực và phải bỏ học gồng gánh cả gia đình từ rất sớm. Bước vào con đường văn chương khi đã có nhiều trải nghiệm từ trường đời, những tác phẩm của ông thường lột tả những khía cạnh của cuộc sống một cách hài hước mà cũng đầy châm biếm sâu cay.

Bên cạnh Cuộc Sống Trên Sông Mississippi, Những Cuộc Phiêu Lưu Của Huckleberry Finn, Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer cũng gây được tiếng vang lớn trên văn đàn nước Mỹ và là một trong những tác phẩm xuất sắc của Mark Twain.

Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh những năm bốn mươi của thế kỉ mười chín, xoay quanh cậu bé Tom Sawyer. Cậu sống với người cô Polly và em cùng cha khác mẹ trong một khu phố ven sông Mississippi. Chính tính cách tinh nghịch, hiếu kỳ và thích khám phá của Tom là nguồn cơn của những rắc rối cậu gặp phải trong cuộc sống thường ngày.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cuốn sách có lẽ là sự gần gũi thân thuộc. Chẳng cần sự cầu kỳ trong câu chữ hay cốt truyện, tác giả đã khắc họa tuổi thơ của Tom một cách thật gần gũi, khiến tôi không khỏi thấy được bản thân trong từng trang sách.

Và bằng lối kể chuyện hóm hỉnh, thông minh, Mark Twain đưa tôi đi từ những bất ngờ này đến bất ngờ khác khi những việc tưởng chừng như vô hại như bày trò trêu chọc bạn bè hay cãi lời cô Polly cũng đưa Tom bước vào những cuộc phiêu lưu vô cùng kỳ thú.

Phải nói rằng Tom Sawyer là một trong những nhân vật tôi yêu thích nhất. Xuyên suốt tác phẩm, tôi không chỉ biết đến một Tom Sawyer tinh quái hay làm phiền lòng người lớn mà còn thấy những khía cạnh khác của cậu bé. Tuy kết quả của những việc cậu làm có đi sai mục đích ban đầu hay không muốn nói là “hậu quả”, ta vẫn thấy được mong ước cháy bỏng của cậu bé là sống một cuộc sống phi thường và huy hoàng. Không những có một thái độ sống tích cực, Tom còn là một cậu bé dũng cảm và giàu tình yêu thương. Thông qua những hành động nghĩa hiệp mà không phải đứa trẻ nào cũng dám làm như đứng ra nhận lỗi thay Becky Thatcher cho đến những việc người lớn cũng phải e dè như vạch tội Joe Da đỏ, ta phần nào cảm nhận được nét đẹp nhân văn trong nhân vật của Mark Twain.

Đây không phải là một cuốn sách phiêu lưu giả tưởng đơn thuần, nó còn khắc họa hiện thực xã hội Mỹ đương thời với nhiều nhức nhối. Thông qua giấc mơ của Tom, Mark Twain đã khắc họa niềm đam mê vàng bạc của người dân Mỹ đương thời khi việc săn tìm kho báu và phiêu lưu trở nên phổ biến, đặc biệt là ở miền viễn Tây. Một khía cạnh khác của giáo dục trẻ con và niềm tin vào nhà thờ cũng được tác giả khai thác. Và dù có nỗ lực vùng vẫy thoát ra những lề luật xã hội cũ nhiều khắt khe, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, cậu bé Tom vẫn mang một nỗi sợ hãi vô hình như bao người dân làng St. Peterburg.

Dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tác phẩm, đây là phân đoạn mà tôi tâm đắc và thấm thía nhất. Đó là trong một lần trốn học và đánh nhau, Tom phải “trả giá” bằng hình phạt là sơn hàng rào vào cuối tuần. Bằng trí thông minh lém lỉnh của mình, cậu đã nghĩ ra trò trao đổi kho báu, khiến lũ bạn tranh nhau làm công việc của mình. Bằng cách đó, cả Tom lẫn bản thân tôi ngộ ra một điều rằng khi một thứ càng khó đạt được, người ta càng khao khát nó nhiều hơn.

“Thế là, làm ra vẻ miễn cưỡng, Tom giao chổi sơn cho tên kia. Trong bụng, nó lấy làm vui sướng với tài khéo léo của mình! Nó chỉ còn chờ những nạn nhân khác, bọn này chẳng mấy chốc đến ngay. Tiền đấu giá tăng nhanh và như vậy trong khoảng chưa đầy hai tiếng đồng hồ, hàng rào được quét vôi trắng không sót chỗ nào cả, mặt trong vườn và mặt ngoài đường, còn Tom thì thu được một số hiện vật đáng kể: một chiếc diều còn sửa lại được, một con chuột cống chết buộc vào một sợi dây, mười hai viên bi, một đầu cắm còi, một chìa khóa, một cục phấn, một nút đậy bình nước, một vòng cổ chó hơi bị sứt móc, một cán dao, một vỏ cam còn nguyên vẹn và rất nhiều món khác vô cùng đáng giá.

Qua cách đùa vui và làm giàu như thế, Tom đã phát hiện ra một trong những quy luật lớn của tâm lý con người, ấy là để làm cho một người nào thèm muốn một vật thì chỉ cần đặt vật đó xa ngoài tầm tay, làm cho kẻ ấy khó với tới.”

Đây là một tác phẩm thiếu nhi xuất sắc, nhưng như đã nói ở tiêu đề, tôi cho rằng Những Cuộc Phiêu Lưu Của Tom Sawyer mang những ý nghĩa sâu sắc không chỉ dành cho con trẻ. Và chính nhà văn cũng đã từng nói “Tuy viết cuốn sách này cốt để mua vui cho thiếu nhi nhưng tôi cũng hi vọng không vì thế mà người lớn sẽ chê không đọc.” Quả thật, gần 150 năm ra mắt, những câu chuyện về cậu bé Tom Sawyer vẫn làm say mê nhiều lứa tuổi bạn đọc.

Đánh giá: 8,5/10

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
2
Trần Ái Vi
Trần Ái Vi2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)