logo-maybe-vn
Mở app
Lexi Han
Lexi Han2 năm trước
Fashion

Paco Rabanne - “Người thợ kim loại” của làng thời trang

Paco Rabanne là huyền thoại của thời trang tái chế và thiên tài trong cách sử dụng các chất liệu lạ thường trong thiết kế. Ông tên thật là Francisco Rabaneda Cuervo, sinh năm 1934 tại Tây Ban Nha. Mẹ của Paco Rabanne là thợ may chính tại xưởng couture đầu tiên của Balenciaga tại Tây Ban Nha. Khi Nội chiến Tây Ban Nha xảy ra, mẹ đưa ông rời sang Pháp. Tại đây, ông theo học ngành kiến trúc tại Ecole des Beaux Arts và tốt nghiệp vào năm 1964. 

Ngay từ khi còn đi học, Paco đã bộc lộ tài năng thiên phú về nghệ thuật và kỹ năng vẽ đã giúp ông bước vào thế giới thời trang ngay từ năm 1955. Để trang trải cho việc học kiến trúc, ông thường xuyên lên bản sketch túi xách cho Roger Model và giày cho Charles Jourdan. Có thể bạn chưa biết, Paco không phải là cái “nghệ danh” đầu tiên của ông! Để nói chính xác hơn, vào năm 1959, tờ Women's Wear Daily xuất bản 7 bản phác thảo những chiếc váy có ký hiệu "Franck Rabanne." Ông chọn cái tên "Franck" vì số chữ cái tổng cộng là 13, một con số may mắn mà ông rất thích. Mãi cho đến 1965, ông mới đổi sang tên Paco. Những chiếc váy mà Paco vẽ nên đều mang đậm dấu ấn của Balenciaga. Điều này có thể lí giải bởi ông đã bị ảnh hưởng gián tiếp qua tủ đồ của mẹ mình. Ngoài ra, ông còn cùng gia đình sản xuất thủ công những chiếc cúc và hàng thêu khác lạ cho các nhà mốt thời trang cao cấp. Khách hàng của ông vào thời điểm bấy giờ có thể kể đến như Nina Ricci, Cristóbal Balenciaga, Maggy Rouff, Philippe Venet, Pierre Cardin và Hubert de Givenchy. 

Năm 1965, bộ sưu tập trang sức quá khổ, với nhiều dạng hình học khác nhau cùng màu sắc tươi sáng đã mang lại cho Paco thành công lớn về mặt thương mại và truyền thông. Nó cũng trở thành nét đặc trưng trong phong cách thiết kế của Paco Rabanne: sử dụng các vật liệu cứng có thể phân chia, gắn với nhau bằng các vòng kim loại hoặc đinh tán. 

Khi ra mắt thương hiệu cùng tên vào năm 1966, ông đã mang tới bộ sưu tập “Manifesto: 12 unwearable dresses in contemporary materials.” (tạm dịch: “Tuyên ngôn: 12 chiếc váy không thể mặc được bằng chất liệu đương đại”). Sử dụng các vật liệu lạ như giấy, kim loại… bộ sưu tập đã đem đến một cú sốc cho cả làng thời trang lúc bấy giờ và đưa tên tuổi của Paco Rabanne “một bước lên mây”. 

Noi gương các hoạ sĩ đương đại, những người đã từ bỏ hoạ cụ truyền thống là sơn và vải, Paco Rabanne đã chọn thử nghiệm thời trang dựa trên một thách thức có hệ thống đối với nghệ thuật cắt và may. Ông loại bỏ hoàn toàn các kỹ thuật truyền thống trong thời trang cao cấp để ủng hộ việc khám phá các chất liệu khác thường cùng phương pháp lắp ráp. Việc Rabanne đưa kim loại vào thời trang để tạo dấu ấn riêng đã khiến Coco Chanel gọi vui ông là "người thợ kim loại". Trong vài năm tiếp theo, ông tiếp tục đưa những chất liệu mới như nhựa đúc, kim loại rèn, nhôm và lông thú dệt kim vào thời trang. 

Những sáng tạo đáng chú ý nhất của Rabanne có thể kể đến như chiếc váy bằng giấy nằm trong các bộ sưu tập của ông từ năm 1967, 1988 và 1992; quần áo đúc bằng quy trình Giffo, kỹ thuật được cấp bằng sáng chế. Trong đó tất cả các bộ phận riêng lẻ, bao gồm các nút và túi, được đúc trong một khối duy nhất (1968); thiết kế làm từ lông thú dệt kim (1967); và một số thiết kế làm hoàn toàn bằng nút (1970), gỗ (1977), dừa (1993), hoặc đĩa laser (1988). Không phải ngẫu nhiên, những thử nghiệm này đều được phát triển theo một quan điểm nghệ thuật và tư tưởng chặt chẽ.

Sự sáng tạo vượt bậc và sự “kì quặc” trong các thiết kế của Paco Rabanne đã được công nhận trong giới nghệ thuật tiên phong. Chủ phòng tranh Iris Clert đã trưng bày những tác phẩm của Paco Rabanne vào năm 1966 cùng với những tác phẩm của những nghệ sĩ khác mà bà ủng hộ, như Lucio Fontana. Hoạ sĩ Salvador Dalí gọi người đồng hương trẻ tuổi của mình là thiên tài thứ hai của Tây Ban Nha. Các thiết kế của Paco Rabanne cũng thu hút các biểu tượng của thập niên 1960 như Brigitte Bardot và Françoise Hardy. Cũng chính trong thời kỳ này, những bộ váy của ông thường xuyên được sử dụng trong phim ảnh: thật kỳ dị mà lại rất thu hút.

Trong chặng đường làm thời trang của mình, Paco đã giải phóng nghệ thuật thiết kế quần áo khỏi giới hạn thực dụng đến nghiêm ngặt của nó. Chính điều này đã truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà thiết kế trẻ của sau này!

  • 3
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Lexi Han
Lexi Han2 năm trước
Fashion

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)