
Độc đáo mô hình trồng cây trên đá tiêu thụ ít năng lượng
Trồng rau từ đá, một ý tưởng thoạt nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng lại giúp quá trình trồng trọt tiêu thụ ít nhiệt, nước, với sản lượng thu hoạch tăng gấp nhiều lần. Những viên đá này có đặc tính gì đặc biệt?
Chị Phạm Thị Hường, chủ một trang trại tại Đà Lạt đang phát triển mô hình trang trại thẳng đứng ứng dụng công nghệ mới từ startup nông nghiệp Orlar. Được biết vào năm 2019, khi đại dịch xảy ra, chị Hường đã từ bỏ công việc trồng cà phê “vất vả và không ổn định” và phát triển công nghệ trồng cây mới này.
Điều làm nên sự khác biệt trong mô hình canh tác này nằm ở những viên đá (được đặt tên là Orlarock) ẩn mình bên trong các cổ trụ màu trắng được xếp chồng lên nhau. Loại đá “bí mật” này được hình thành từ hỗn hợp các chất dinh dưỡng với kích thước phù hợp nhằm tối ưu hóa độ dẫn thủy lực (tốc độ nước có thể di chuyển xuyên qua một môi trường trung gian có tính thấm), khả năng thoát hơi nước và trao đổi khí. Chưa hết, các chuyên gia còn bổ sung vào đá hàng nghìn tỷ vi khuẩn từ 81 loài khác nhau, với mục đích tạo thành màng sinh học.
Với cách thức trồng theo chiều dọc, hoa quả sẽ không bị dập nát và còn ngăn ngừa úng nước. Hệ thống sẽ nhỏ từ từ từng giọt nước vào cột trắng, tại mỗi tầng đá sẽ chỉ giữ một lượng nước đủ để cây sinh trưởng. Các lỗ thông hơi được thiết kế đặc biệt cho phép khí thoát ra tối đa. Với phân bón, các chuyên gia của Orlar nhập khẩu phân bón của Úc, chứa hỗn hợp các hợp chất hữu cơ than thiện với môi trường như chiết xuất từ rong biển, axit humic, fulvic, axit amin và enzym.
Ý tưởng trồng cây trên đá được phát triển bởi chuyên gia Lyndal Hugo, người từng đảm nhận công việc kế toán môi trường cho các công ty nông nghiệp lớn ở Úc và Trung Quốc. Từ những trải nghiệm trong cuộc sống, bà bất ngờ phát hiện ra một loại đá đặc biệt – khởi nguồn của Orlarock (Cho đến hiện tại, loại đá này vẫn còn là một bí mật).
Với vốn hiểu biết về khai thác mỏ và nông nghiệp, bà đã nhận ra tảng đá này có những đặc tính độc đáo phù hợp cho việc thúc đẩy tương tác của vi khuẩn và bề mặt rắn thông qua các thí nghiệm vi sinh và hóa học phức tạp. Và như cách bà ví von trên tạp chí The Sydney Morning Herald, nó sẽ là “ngôi nhà cho vi khuẩn” và lý tưởng cho những dự án đầy hứa hẹn có thể “giảm thiểu nhu cầu về hóa chất, năng lượng, nước và đất”.
Trên thực tế, hầu hết các trang trại trong nhà hiện đều tiêu thụ một nguồn năng lượng khổng lồ. Trong một nghiên cứu vào năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore đã chỉ ra một trang trại trồng dâu tây theo mô hình thẳng đứng tại Nga tiêu hao nhiều điện hơn 3.000% so với một trang trại trồng dâu tây truyền thống của Chile. Điều này khá dễ hiểu bởi nông nghiệp trong nhà thường đòi hỏi đầu vào năng lượng rất lớn để kiểm soát nhiệt độ và mức chiếu sáng. Ngược lại, loại đá mà công ty của Hugo đang sử dụng hoạt động giống như pin nhiệt, có thể lưu trữ nhiệt và giảm thiểu nhu cầu sử dụng nguồn điện bên ngoài.
Nói về quyết định chọn Việt Nam là nơi phát triển tiếp theo của dự án, bà TS. Hugo cho biết: “Tôi biết rằng Việt Nam là quốc gia đang có nhu cầu lớn về thực phẩm sạch. Chúng tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở nơi khác, nhưng chúng tôi không thể tạo ra những giá trị lâu dài giống như chúng tôi đang có ở đây”.
Sau khi chuyển đến Việt Nam vào năm 2017, Orlar đã xây dựng trang trại đầu tiên của họ tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nhưng rồi sau đó họ đã chuyển địa điểm đến một con đồi gần thành phố Đà Lạt, cách đó hơn 200 km. Công ty đã bổ sung thêm 4000 cột trụ trắng và bắt đầu bán sản phẩm của mình. Hiện những cột trụ trồng rau quả liên tục tăng lên, công ty cũng hoàn thành quá trình xây dựng trang trại thứ tư.
- 0
- 0Bình luận