logo-maybe-vn
Mở app

List phim hay chuyển thể từ tác phẩm văn học Việt Nam

Nền văn học nước mình có rất nhiều tác phẩm hay, ẩn chứa giá trị nghệ thuật lớn lao và truyền tải những thông điệp nhân văn sâu sắc. Có những tác phẩm đã trở thành kinh điển, đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy, truyền đạt cho biết bao thế hệ học sinh. Và rất nhiều áng văn chương đã được khắc họa đầy sống động, chân thực trên màn ảnh.

Chúng ta cùng điểm qua những bộ phim chuyển thể từ văn học Việt Nam. Có phim đã chiếu cách đây lâu lắm rồi, từ thế kỷ trước lúc màn ảnh chỉ có hai màu đen và trắng, có phim thì phát sóng ở thời đại này với nội dung, bối cảnh có nhiều cải biên, đổi mới hơn.

Vợ chồng A Phủ (1961)

Bộ phim này được chính tác giả của nguyên tác là nhà văn Tô Hoài viết kịch bản vì vậy nội dung rất sát và truyền tải trọn vẹn “cái hồn” của câu chuyện gốc. Phim kể về cuộc đời của Mị và A Phủ. Từ lúc hai người chịu biết bao đau khổ tủi nhục tại nhà thống lí Pá Tra cho đến khi dũng cảm cùng nhau bỏ trốn và đi theo cách mạng, theo tiếng gọi của tự do và lý tưởng cách mạng.

Phim rất đẹp với khung cảnh miền Tây Bắc thơ mộng, hữu tình, núi non hùng vĩ hài hòa trong phần âm nhạc du dương với tiếng sáo trong trẻo cùng ca khúc Bài ca trên núi của nghệ sĩ Kiều Hưng. Bên cạnh đó, dàn diễn viên của phim ai cũng diễn xuất sắc, lột tả hoàn hảo hình tượng của mỗi nhân vật. Hai diễn viên chính là Trần Phương vai A Phủ và Đức Hoàn vai Mị đã diễn tả được “cái hồn” của nhân vật. Hai cô chú đã thành công đưa Mị và A Phủ lên màn ảnh.

Chị Dậu (1980)

Muốn biết rõ cái nghèo, cái khổ của người dân Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945 như thế nào thì bạn hãy xem bộ phim này. Phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, do Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa đạo diễn và diễn viên Lê Vân đóng chính, vai chị Dậu.

Phim kể về tình cảnh khốn khổ của gia đình chị Dậu, những người nông dân hiền lành chất phát bị đàn áp bởi sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến xưa. Cái khổ của chị khiến người xem phải rơi nước mắt, ám ảnh, nhất là cảnh bán con, mẹ con phải chia lìa vì sự áp bức tàn nhẫn của những kẻ cường quyền, tàn ác.

Làng Vũ Đại Ngày Ấy (1982)

Ngoài Chị Dậu thì đạo diễn Phạm Văn Khoa còn có một tác phẩm điện ảnh kinh điển nữa, đó là Làng Vũ Đại Ngày Ấy. Phim chiếu vào năm 1982 với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao là: Lão Hạc, Chí Phèo và Sống Mòn.

Bộ phim khắc họa chân thực cuộc sống nông thôn trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa xưa trước Cách mạng Tháng tám. Sự nghèo khổ của người dân được lột tả rất chân thực, cảm động.

Phim được dẫn dắt theo sự chứng kiến của nhân vật Thứ (Hữu Mười) - một trí thức trở lại làng quê mình đã sinh ra và trông thấy biết bao bi kịch của những mảnh đời bất hạnh. Anh cảm nhận được nỗi đau, sự túng quẫn khốn khổ của Lão Hạc (nhà văn Kim Lân đóng), Thị Nở ( Đức Lưu) hay Chí Phèo ( Bùi Cường). Họ đã bị xã hội đương thời đàn áp, đẩy vào nghịch cảnh.

Đất phương Nam (1997)

Câu chuyện của An được chuyển thể từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Bộ phim này đã gắn liền với tuổi thơ của thế hệ khán giả 8X, 9X. Ngày ấy, khi xem mà mình đã bật khóc, thương thay cho số phận của những nhân vật trong phim.

Phim miêu tả cuộc sống của người dân trong thời loạn lạc tại vùng Nam Bộ khi thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. Nhân vật chính là cậu bé An, sau khi mẹ mất cậu đã lên đường đi tìm cha. Trong hành trình này, cậu đã chứng kiến sự đau khổ, lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của địa chủ và thực dân và sống trong tình yêu thương đùm bạc của đồng bào. Gặp gỡ những người tốt, cho cậu cảm nhận sự ấm áp của sự yêu thương, giúp đỡ trong nghịch cảnh giữa những người lạ mà thành quen.

Sóng ở đáy sông (2000)

Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lê Lựu, kể về cuộc đời đầy thăng trầm của anh Núi (Xuân Bắc). Đời anh đã trải qua nhiều biến cố, sinh ra và lớn lên trong sự ghẻ lạnh của người cha, đến lúc trưởng thành thì phải vất vả kiếm sống mưu sinh, học cách tự lập, bước vào đời. Anh Núi tưởng rằng sẽ ổn định, bình yên làm ăn nhưng lại gặp chị Mây và anh lại tiếp tục trải qua muôn vàn sóng gió, một mình nuôi con đầy khổ sở. Sau cùng thì trải qua biết bao thử thách thì đời anh cũng được bình yên.

Kính vạn hoa (2004)

  Bộ phim này được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, được phát sóng trên HTV9.Nội dung xoay quanh cuộc sống thú vị của nhóm bạn ba người là: Quý ròm, Tiểu Long và Hạnh. Ba người có tính cách khác biệt nhưng lại vô cùng thân thiết và cùng nhau trải qua những kỷ niệm đáng nhớ về thời học trò tinh nghịch, lắm mộng mơ cùng những rắc rối đáng yêu.

Chuyện của Pao (2006)

  Kịch bản phim chuyển thể từ truyện ngắn "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá" của Đỗ Bích Thủy. Truyện ngắn được nhà văn sáng tác dựa trên những số phận có thật.Nội dung phim kể về cô gái người H'Mông tên Pao, về hành trình lật mở quá khứ đầy những bí mật đau thương của gia đình nàng nơi núi rừng Tây Bắc.Tác phẩm điện ảnh này rất đời và nên thơ, thấm đẫm tính nhân văn cùng giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Cánh đồng bất tận (2010)

  Phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.Đẹp, hiện thực và ám ảnh là những gì ẩn chứa trong bộ phim với câu chuyện về những con người nơi mảnh đất Nam Bộ. Phim kể về diễn tả những suy nghĩ, đau khổ của gia đình ông Út Võ. Ông sống cùng hai người con Nương và Điền, sau đó họ cưu mang cô gái điếm bị đánh đuổi khỏi làng là Sương. Tưởng rằng họ có thể nương tựa lẫn nhau để tạo thành một gia đình nhưng không thể bởi vì những mặc cảm, trái ngang của mỗi người.

  Thiên mệnh anh hùng (2012)

Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn, đạo diễn bởi Victor Vũ. Phim có bối cảnh cổ trang, kể về thời sau vụ thảm án Lệ Chi Viên, gia tộc của Nguyễn Trãi chỉ còn một người may mắn sống sót là Nguyên Vũ - chàng trai văn võ song toàn. Chàng đã lên đường để tìm bức huyết thư cho biết sự thật đằng sau vụ án Lệ Chi Viên.

Trò đời (2013)

Đây là phim truyền hình do VTV sản xuất, với kịch bản chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng là: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy Tây. Phim đã tái hiện chân thực xã hội Việt Nam những năm 1930-1940 của thế kỷ trước với thời đại thuộc địa nửa phong kiến, dở Tây dở Ta.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015)

Bình yên, thơ mộng với những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Đây là bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, do Victor Vũ đạo diễn.

Phim là những câu chuyện đong đầy ký ức hoài niệm về quê hương, thời niên thiếu của lũ trẻ miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó, có Thiều, Tường và Mận cùng những kỷ niệm đẹp đẽ nơi vùng quê thanh bình, cùng những bài học cuộc sống về tình làng nghĩa xóm, về tình thân, tình bạn.

Lặng yên dưới vực sâu (2017)

Bộ phim truyền hình chiếu trên VTV3 này được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đỗ Bích Thủy. Phim lấy bối cảnh thơ mộng, hùng vĩ tại vùng Tây Bắc, miêu tả về cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, tập trung miêu tả về mối tình đầy ngang trái của Vừ (Đình Tú) và Súa (Phương Oanh).

Mắt Biếc (2019)

  Tiếp tục là sự kết hợp của Victor Vũ và Nguyễn Nhật Ánh, lần này là tác phẩm Mắt Biếc, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, phát sóng năm 2019 và trở nên ăn khách, thu về doanh thu khủng.Phim khắc họa nên mối tình đơn phương của Ngạn và Hà Lan. Chàng trai Ngạn đem lòng tương tư cô gái Hà Lan xinh đẹp, có đôi mắt hút hồn nhưng nàng lại chạy theo tiếng gọi ái tình với Dũng - gã trai đào hoa.Thời gian trôi đi, Ngạn giờ đã thành thầy giáo của làng Đo Đo còn Hà Lan đã làm mẹ đơn thân có cô con gái tên là Trà Long. Ngạn vẫn giữ mãi mối tình đơn phương với Hà Lan trong khi Trà Long lại đem lòng yêu anh. Trước tình cảnh éo le này, Ngạn đã quyết định bỏ đi thật xa.  

  • 0
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)