BALMAIN - NHÀ MỐT CỦA TÍNH CÁCH MẠNG
Năm 1945, khi Paris vừa mới được giải phóng khỏi Đức Quốc xã cũng là lúc Pierre Balmain thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình ở độ tuổi 30 đầy tham vọng. Những tưởng rằng sau giải phóng, tương lai của Paris tốt đẹp hơn nhưng thành phố hoa lệ đã rơi vào hoàn cảnh đói kém theo đúng nghĩa đen. Đó là một thời kỳ rất khó khăn, bất ổn cùng những lo lắng ập đến với người dân.
Bất chấp những điều đó, Pierre Balmain cùng lòng nhiệt huyết, sự lạc quan và niềm tin vững vàng về những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đợi ở phía trước, đã cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên vào tháng 10/1945. Có thể bạn chưa biết, trước khi Christian Dior khiến thế giới thời trang “đổ gục” trước New Look, Balmain kể từ khi mới ra mắt đã được mệnh danh là “trung tâm của cuộc cách mạng hóa phong cách Pháp” nhờ vào bộ sưu tập này. Sự táo bạo pha lẫn nét nữ tính và góc nhìn khác biệt của Balmain đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang. Điển hình như kiểu dáng váy hình chuông thắt eo giúp tôn lên đường cong hoàn hảo nhưng không quá cực đoan như New Look. Sau đó, thương hiệu Balmain đã chiếm một vị trí vững vàng trong danh sách những nhà mốt “phục hưng” ngành thời trang sau chiến tranh, giúp khẳng định rằng sau tất cả, Paris vẫn là một kinh đô thời trang.
Chỉ sau 2 năm, Balmain đã trở thành một đế chế thời trang có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, đi đầu trong xu hướng giải phóng mới của thời trang. Những ngôi sao như Marlene Dietrich, Katherine Hepburn, Ava Gardner và Brigitte Bardot đều rất ưa chuộng Balmain. Bên cạnh giới giải trí, thương hiệu cũng nhận được sự yêu thích từ giới chính khách như Nữ công tước xứ Windsor hay Nữ hoàng Sirikit của Thái Lan. Năm 1949 cũng là năm Balmain mở rộng đến New York và trong vòng hai năm sau đó, ông đã sản xuất các bộ sưu tập ready-to-wear dựa trên haute couture. Từ đó, thương hiệu ngày càng phát triển nhưng vẫn giữ vững DNA, mở rộng tầm ảnh hưởng khắp châu Âu và châu Mỹ.
Sau khi Pierre Balmain mất vì bệnh ung thư gan vào năm 1982, Balmain đã trải qua rất nhiều thế hệ giám đốc sáng tạo, và họ đã khéo léo lồng ghép bản sắc cá nhân của mình vào thương hiệu. Ban đầu, Balmain do Erik Mortensen điều hành mảng thiết kế. Được Vogue mô tả là “cánh tay phải của Pierre Balmain”, những nỗ lực của Mortensen đã được ghi nhận bằng hai lần giành được Golden Thimble cho các bộ sưu tập thời trang cao cấp của mình. Ông rời Balmain vào năm 1990.
Tiếp đến là nhà thiết kế Hervé Pierre đã đảm nhận vị trí giám đốc thời trang cao cấp và ready-to-wear trong hai năm, nhưng không đem lại được dấu ấn cũng như hiệu quả kinh doanh. Nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất trong quá trình tiếp quản Balmain là nhà thiết kế người Dominica Oscar de la Renta, người đã lãnh đạo nhà mốt từ năm 1993 - 2002. Ông đã mang đến gu thẩm mỹ thanh lịch của riêng mình thông qua bộ sưu tập thời trang haute couture đầu tay mang đậm chất nữ tính.
Sau sự rời đi của Oscar de la Renta, Balmain dần tuột dốc và gần như phá sản vào năm 2004. Năm 2005, Christophe Decarnin gia nhập nhà mốt nhưng lại ít quan tâm với thời trang haute couture, vốn là một truyền thống lâu đời tại Balmain. Anh tập trung hết sức vào dòng sản phẩm ready-to-wear và canh bạc này đã được đền đáp. Doanh thu thương hiệu tăng vọt và khách hàng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm của hãng. Tuy Decarnin đã đưa thương hiệu đi lên, nhưng lại khiến sự chú ý của giới mộ điệu xoay quanh anh nhiều hơn là về các bộ sưu tập.
Vào tháng 4/2011, anh được thay thế bởi Olivier Rousteing, người từng làm việc dưới trướng của Roberto Cavalli. Và đến lúc này, tính cách mạng của thương hiệu mới quay trở lại và “in đậm” hơn bao giờ hết. Chọn phong cách ‘Jolie Madame’ của Pierre Balmain làm trung tâm, cộng với việc giữ nguyên dáng hình của những chiếc áo khoác Balmain biểu tượng vào những năm 1940, Olivier đã thành công tái tạo thẩm mỹ thiết kế của Pierre Balmain cho người phụ nữ hiện đại. Anh đã giúp làm rõ rằng, di sản gần 80 năm tuổi độc đáo của Balmain luôn là yếu tố quan trọng trong các thiết kế hiện đại.
Hiện tại, Balmain đã trở lại làm một trong những thương hiệu được yêu thích và săn đón nhất trong thế giới thời trang. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, vị thế của thương hiệu vẫn được giữ vững trong lòng giới mộ điệu và không ngừng phát triển mạnh mẽ.
- 1
- 0Bình luận