logo-maybe-vn
Mở app

Lịch sử kỳ quái của những cuốn sách bọc da người

Trong thư viện Hough thuộc ĐH Harvard, có một quyển sách đã được xác nhận được bọc bằng da người. Quyển sách ấy nằm trong bộ sưu tập của John Stockton Hough, một bác sĩ sống vào TK19 có đam mê sưu tầm sách hiếm với gia tài lên đến 8,000 cuốn. 

Vào năm 2014 khi Harvard xác nhận thông tin đó, dân mạng ai nấy cũng ồ à mà không biết rằng, số lượng sách bọc da người trong lịch sử quả thật không hiếm. Thậm chí còn có thuật ngữ Anthropodermic Bibliopegy, chỉ kỹ nghệ bọc sách da người. Hiện người ta đã kiểm nghiệm được khoảng 18 cuốn thật sự bọc bằng da người trong số 50 cuốn nghi ngờ. Khả năng cao ngày xưa sách bọc da người còn nhiều hơn, chỉ là đã bị thất lạc, hư hỏng, hoặc chưa được phát hiện bởi da người qua xử lý cũng khá giống da loài khác.

Cuốn sách của Ludovic Bouland
Cuốn sách của Ludovic Bouland

Quyển sách trong thư viện Harvard tên là  "Des destinees de l'ame" (Hành Trình Linh Hồn) do bác sĩ Arsène Houssaye viết.Vị bác sĩ đã mang tặng cuốn sách cho một người bạn trong nghề khác là Ludovic Bouland. Về sau Bouland bọc cuốn sách lại bằng mảnh da lưng của một nữ bệnh nhân tâm thần, qua đời sau một cơn tai biến. Ông có ghi chú lại trong sách để lý giải hành động của mình, rằng “Nếu nhìn kỹ, các người sẽ thấy điểm khác biệt trong lỗ chân lông da. Một quyển sách chiêm nghiệm về linh hồn cần được bọc trong da người”: Tôi đã lấy miếng da này từ lưng một bệnh nhân nữ”. Tương quan khá hay đúng không? Dù sao thì con người chúng ta, khi còn sống cũng là những quyển sách bọc da với vô vàn những câu chuyện. Người thông thái còn được ví là quyển tự điển biết đi nữa. Nếu các nhà nghiên cứu mà có tìm được quyển bách khoa toàn thư nào được bọc bằng da của một học giả, khi ấy sẽ thật sự chấn động.

E hèm, quay lại chủ đề, thì hoạt động bọc sách bằng da người không phải điều gì quá hiếm hoi, mặc dù không đến mức tràn lan trong xã hội thời đó. Nhưng nó cũng không ghê rợn hay quái đản kiểu bác sĩ điên trốn dưới căn hầm mờ mịt, cắm cúi lóc da một bệnh nhân mới qua đời, với biểu cảm gương mặt bệnh hoạn. Không. Không hề. Những quyển sách bọc da người tìm thấy từ TK19 thường thuộc về một bác sĩ khả kính, sáng sủa nào đó và họ có ghi chú lại tên người mà họ đã lấy mảnh da. Tức đây là một việc đặc biệt, bắt nguồn từ ý định đặc biệt của bác sĩ.

Ví dụ, trường hợp bác sĩ kiêm nhà sưu tầm sách John Stockton Hough. Ông đã dùng da đùi của bệnh nhân Mary Lynch để bọc cho cuốn sách về giải phẫu cơ thể nữ. Cũng phải nói thêm, Mary Lynch là một góa phụ nghèo 28 tuổi mắc bệnh lao. Cô không có tiền đi bệnh viện mà chỉ có thể nằm ở nơi cùng kiết nhất vốn vừa là nhà thương điên, trại tế bần, trại trẻ mồ côi. Gia đình đẻ thương xót dành dụm chút tiền mua cho cô một chiếc bánh sandwich thịt mà không biết nó nhiễm giun, khiến Mary từ giã cõi đời nhanh hơn.

Cuốn sách ở Hough Library, Harvard
Cuốn sách ở Hough Library, Harvard

Khi Hough giải phẫu Mary Lynch, ông thấy nhung nhúc trong lồng ngực cô là hàng triệu con ký sinh trùng đang phát triển đủ giai đoạn. Đó là trường hợp nhiễm ký sinh đầu tiên được phát hiện và trong ca giải phẫu ấy, Hough đã lấy một mảng da đùi của Mary, trữ nó trong bình thủy tinh suốt nhiều thập kỷ. Các bác sĩ vẫn thường giữ lại bộ phận của bệnh nhân như thế, cho mục đích nghiên cứu, kỷ vật,...v.v. hay chiến tích gì đó. Vấn đề đạo đức y khoa, đồng thuận trong việc thu thập bộ phận cơ thể người ở thời điểm này còn thô sơ mà. Về sau ông đã dùng miếng da ấy cho cuốn sách yêu thích về giải phẫu người.

Lịch sử của sách bọc da người có thể còn xảy ra từ lâu trước TK19 nữa. Trong Dark Archives - quyển sách nghiên cứu về sách da người của Megan Rosebloom cho rằng vào khoảng TK17-19, các cuốn sách rất có thể được bọc bằng da người. Bạn biết đấy, thời gian đó, xác phạm nhân bị tử hình thường được chuyển cho bác sĩ mổ xẻ nghiên cứu, phần da rất có thể cũng được tận dụng làm gì đó.

Tệp hồ sơ bọc da người ở Bristol
Tệp hồ sơ bọc da người ở Bristol

Ví dụ, ở Văn phòng Lưu trữ Bristol, Anh hiện có giữ một cuốn sách bọc bằng da của John Horwood - phạm nhân đầu tiên bị treo cổ ở Bristol vào năm 1821, khi mới 18 tuổi. Xác của John được chuyển cho bác sĩ Richard Smith mang ra mổ trong một buổi giảng dạy. Sau đó ông quyết định thuộc da của John ra làm bìa bọc hồ sơ vụ án của chính hắn. Hồ sơ ghi nhận rằng John có cảm tình khá ám ảnh với Eliza Balsum, cuối cùng canh lúc cô nàng đang lấy nước ở giếng đã dùng đá đập vỡ sọ cô.

Một trường hợp tội phạm bị thuộc da nữa đó là William Burke. Hẳn những ai mê true crimes đều biết vụ Burke thay vì đào trộm mộ lấy xác người đem bán cho bác sĩ, đã chuyển hẳn sang giết người để có nguồn thu đều đặn. Hắn đã bán 15 xác người bị giết như thế trước khi bị bắt và xử tử hình năm 1829. Xác hắn đương nhiên cũng thuộc về các bác sĩ và da được lấy làm thành một cái bìa bỏ túi nhằm kẹp giấy, bút. Ai là người thuộc da hắn và làm thành sản phẩm như vậy vẫn còn là bí ẩn. Theo ghi nhận, sau buổi giảng dạy, một phần da của Burke đã bị mất và về sau tệp bìa được bán ở Edinburgh. Bởi ngày xưa người ta thường mua bộ phận cơ thể tội phạm như một kiểu bùa chú.

Có nhiều tranh cãi quanh việc các bảo tàng trưng bày sách bọc da người. Những người phản đối cho rằng những quyển sách như thế cần được “chôn cất”, trả về cho quê hương hoặc hủy bỏ chứ không nên trưng bày như thế vì da cũng là bộ phận cơ thể người. Hiện trên thế giới vẫn còn đâu đó những cuốn sách da người thất lạc, chỉ là không ai nhận ra, có thể nó đang nằm trên kệ sách quý nhà họ.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
0

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)