logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

NGÀY THÁNG NĂM: Sống dù sao cũng tốt hơn là chết

Gần hai năm sau khi gấp lại Tứ Thư và đã thôi nỗi day dứt mà tiểu thuyết ấy mang đến, mình gặp lại Diêm Liên Khoa với tác phẩm mới Ngày Tháng Năm

Ý chí đấu tranh và sinh tồn dường như chưa bao giờ xa rời những trang viết của Diêm Liên Khoa, và trong Ngày Tháng Năm, đó là sự ngoan cường đến mức bi tráng khi con người đối diện với vẻ tráng lệ tàn nhẫn của thiên nhiên. Đến bây giờ, hình ảnh ông lão trong cuốn sách này cầm chiếc roi da quất vun vút về hướng mặt trời, quất vỡ những tia nắng chói chang thành muôn vàn mảnh nhỏ rơi lả tả xuống đất vẫn khiến mình choáng ngợp. Cách viết của Diêm Liên Khoa đã để con người gần như có thể hoàn toàn chạm được vào thiên nhiên, tuyên chiến và đối đầu với cái khắc nghiệt của đất trời. 

Thiên nhiên trong Ngày Tháng Năm khắc nghiệt đến mức nào? Đến mức mỗi ngày thức dậy đều chỉ thấy ánh sáng thiêu da đốt thịt thả xuống mặt đất; khắc nghiệt đến mức ánh sáng trong không khí luôn trong trạng thái sền sệt như thể chúng đã cô lại thành một thứ vật chất có thể cân được; khắc nghiệt đến mức người dân trong các thôn trang ở dãy núi Bá Lâu đều phải bỏ xứ mà đi lánh nạn. Từ người già đã trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời, tới người trẻ dồi dào sức khỏe, đều không thể chịu được cái khắc nghiệt của mặt trời nữa. 

Tất cả mọi người đều bỏ đi hết, chỉ trừ một ông già, một con chó mù và một cây ngô. Câu chuyện trong Ngày Tháng Năm xoay quanh ba nhân vật này. Ông lão mù muốn ở lại thôn không chỉ vì tuổi tác đã cao, mà còn vì thiên nhiên đã gieo xuống mảnh nương của ông một hi vọng mong manh: Một mầm ngô đang mọc lên. Vậy là ông lão và con chó mù ở lại mảnh đất cằn cỗi vì đại hạn, sống nương tựa vào nhau, dốc sức chăm sóc cây ngô chờ ngày thu hoạch. Cảm giác về sự phi lý nhen nhóm trong mình từ khi ấy. Làm sao một con người lại có được niềm tin vững chắc với một cây ngô mới nhú mầm - mà đặc biệt là nhú mầm trên mảnh đất cằn cỗi bao tháng chưa một hạt mưa? Hay làm sao một con chó mù và một ông lão có thể sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt và thiếu thốn như thế được. Hay tại sao con chó mù thực sự mù, nhưng rất nhiều lần Diêm Liên Khoa dùng động từ “nhìn” dành cho nó? 

Với Ngày Tháng Năm, Diêm Liên Khoa đã thực hiện một hành trình triệt tiêu nhiều thứ, nhưng cũng kéo gần ranh giới nhiều điều, khiến tiểu thuyết này trở nên hấp dẫn và trác tuyệt đến mức phi thực. Sự ngoan cường của ông lão khi đối chọi với thiên nhiên đã mở ra một bức tranh đẹp đẽ khi con người đứng đối diện với thế giới. Những khó khăn vây khốn ông lão và con chó mù cứ lặp đi lặp lại, như một thử thách khó nhằn mà mặt trời giáng xuống hai kẻ cứng đầu chưa chịu rời đi. Mới khi nào mình còn khẽ thở phào vì ông lão và con chó mù tìm được lương thực, thì ngay sau đó trong lòng đã nhen nhóm một dự cảm không lành về ngày số lương thực ấy sẽ mất đi. Cây ngô mới xanh tươi mơn mởn, thì sau đó lại gặp đủ thứ chuyện khiến ông lão tay chân rụng rời… Những chi tiết mang xu hướng thành mộng rồi vỡ mộng này cũng thường xuất hiện trên những trang viết của Diêm Liên Khoa, không phải để con người bi quan và yếu đuối hơn mà ngược lại, để chúng ta thấy rõ được sự kiên cường phi thường của con người. 

Toàn bộ hội thoại trong tiểu thuyết này đều được diễn xuôi hoàn toàn. Xuôi nhưng không tạo cảm giác buồn ngủ; xuôi nhưng không trôi đi tuồn tuột mà trái lại, những suy tư và vẻ đẹp cứ giăng mắc khắp nơi tựa từng chùm nắng được mặt trời thả xuống. Có rất nhiều chi tiết trong tiểu thuyết này khiến mình thao thức. Cách viết của Diêm Liên Khoa trong Ngày Tháng Năm mang màu sắc trữ tình và êm ái hơn hẳn sự tàn khốc mà con người phải trải qua trong Tứ Thư hay Đinh Trang Mộng. Mình đặc biệt ấn tượng với cách ông lão đối diện với cái đói. Ông nói với con chó mù rằng, “Mù ơi, mày xem, có trăng rồi, chúng ta đi ngủ thôi. Ngủ rồi sẽ không đói nữa, thực ra mộng cũng có thể làm cơm ăn.” Và quả thực cuộc sống của ông lão lẫn con chó đều đã trải qua bao phen hớp mộng mà sống. 

Có hai từ mà Diêm Liên Khoa dùng để mô tả ông lão và con chó mù mà mình rất xúc động, ấy là sống “nương tựa” vào nhau. Trong rất nhiều sự triệt tiêu trong Ngày Tháng Năm, ranh giới giữa người và vật cũng được xoá mờ, để con chó và ông lão lên ngang hàng nhau. Khẩu phần ăn đều được chia đều nhau, công việc hàng ngày cũng được ông lão phân chia đâu vào đó, hay thậm chí là cơ hội sống sót giữa một trong hai cũng được san bằng. Ánh mặt trời đã thiêu đốt nhiều thứ, nhưng tình thương giữa hai sinh vật sống vẫn cứ bừng sáng lên khiến mình không thôi thổn thức.

“Ông lão nói, lá ngô đều vẫn còn sống đấy, mày cứ yên tâm.

Con chó thở phào một cái, nằm xuống bên chân ông lão, biểu cảm trên mặt hiền lành mà thư thái.” 

Đó chỉ là một trong vô vàn những đoạn hội thoại của ông lão và con chó mù. Sự hoà hợp giữa người và vật tạo cho mình cảm giác êm ái khó nói thành lời, cũng phần nào xoa dịu cái khắc nghiệt ngoài kia. Quá trình chăm sóc cây ngô cũng là quá trình chiến đấu ngoan cường của ông lão và con chó mù với những dữ dội từ thiên nhiên. Và với tiểu thuyết này cũng như rất nhiều những sáng tác khác, Diêm Liên Khoa không đặt một dấu chấm tròn trĩnh để hướng đến một cái kết có hậu (theo kiểu Hollywood), mà một lần nữa, ông hướng đến sự tái sinh và hi vọng. 

Và làm sao mình có thể không đánh giá cuốn sách này 5/5 được đây, khi tác phẩm này trác tuyệt và xúc động đến thế? 

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)