Những bộ bàn ghế học sinh tái chế từ vỏ kẹo và ống hút nhựa
Thoạt nhìn, những bộ bàn ghế này trông khá giống với đồ gỗ và được sơn màu sặc sỡ. Nhưng thực chất, chúng lại được làm từ rác thải nhựa tái chế.
Chúng là đứa con tinh thần của một kỹ sư cơ khí tên Winchester Lemen, người đang điều hành Công ty Tái chế chất thải Envirotech ở thành phố Davao, Philippines.
Trung bình mỗi ngày người Philippines sử dụng khoảng 212 triệu gói nhỏ đựng gia vị và túi nilon. Con số khổng lồ này đã phần nào phản ánh sự phụ thuộc của người dân Philippine vào nhựa dùng một lần và cũng là nguyên nhân khiến Philippines trở thành một trong những đất nước đóng góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu.
Đứng trước tình hình này, Envirotech đã được thành lập với nhiệm vụ thu gom rác thải nhựa dùng một lần từ khu dân cư và cơ sở sản xuất để tái chế chúng thành các vật dụng hữu ích, như ghế học sinh, nhằm giảm thiểu số lượng nhựa phải kết thúc vòng đời ngoài bãi chôn lấp hoặc đại dương. Winchester Lemen cho biết những sản phẩm của công ty được làm 100% từ nhựa tái chế và với 5 nhà máy nằm trên khắp các đảo Luzon và Mindanao, họ đã xử lý được 2,5 triệu kilogram rác thải chỉ trong năm 2021.
“Chúng tôi hành động với mục đích giảm thiểu rác thải nhựa ô nhiễm, đồng thời tạo ra các chương trình sinh kế cho mọi người. Và chúng tôi cũng giúp Trái đất được chữa lành.”
Mỗi chiếc ghế nhựa tái chế của Envirotech được làm từ 20 đến 30kg rác thải nhựa. Họ tận dụng triệt để mọi loại nhựa bỏ đi, từ gói nilon nhỏ, túi nilon đựng thực phẩm, cốc nhựa, chai nước, túi mua sắm, giấy gói kẹo, ống hút nhựa hoặc xốp.
Tất cả sẽ được trộn chung, cắt nhỏ, nghiền nát, nấu chảy, đúc khuôn, chà nhám và sơn hoàn thiện thành các sản phẩm khá bền, có tuổi thọ lên đến 20 năm. Mỗi nhà máy tái chế cũng được lắp đặt các thiết bị an toàn và có bộ lọc hơi nước hoặc khói sinh ra trong quá trình nấu chảy nhựa.
Lemen chia sẻ rằng khi một người quen của anh biết đến nhà máy, họ đã hỏi liệu có sản phẩm nào có thể giúp ích cho học sinh - sinh viên không, và đó là đơn hàng lớn đầu tiên của anh với 200 chiếc chế được chuyển đến trường học của người quen ở Manila.
Sau đó, có ngày càng nhiều khách hàng đặt những bộ bàn ghế tái chế như vậy để phục vụ cho các chiến dịch từ thiện đến các trường học khác. Chính quyền địa phương cũng nhanh chóng đề xuất Lemen thành lập một trung tâm tái chế tại từng khu dân cư, hoặc hỗ trợ thu gom rác thải nhựa để đưa đến nhà máy tái chế. Ngoài ra, công ty của Lemen cũng sản xuất thêm đa dạng các loại sản phẩm khác nhau như ghế dài, thùng rác, thau chậu, đèn ngủ, chậu hoa...
Mặc dù đã giúp Philippines tái chế một lượng lớn rác thải nhựa đáng lẽ sẽ phải kết thúc vòng đời ngoài bãi rác hoặc đại dương, tuy nhiên, các nhà môi trường học lại cho rằng đây chỉ là một giải pháp “chữa cháy tạm thời”. Về lâu dài, những công ty sản xuất và người dân có thể dựa vào lí do tái chế để tiêu thụ ngày càng nhiều nhựa dùng một lần. Vì vậy, phương án tối ưu nhất vẫn là giảm số lượng sử dụng và tìm ra các giải pháp thay thế khác thân thiện với môi trường hơn.
- 0
- 0Bình luận