logo-maybe-vn
Mở app

Có gì trong nhật ký của một đao phủ: Nỗi hổ thẹn, đức tin không lung lay giữa xã hội châu Âu rối ren TK16

Trong bảo tàng văn hóa thế giới có một quyển nhật ký lạ lùng: nó không ghi chép lại những cảm xúc, trăn trở nội tại của người viết, mà chỉ có đầy chết chóc. Bởi chủ nhân quyển nhật ký ấy là một đao phủ. Franz Schmidt, sinh vào khoảng năm 1555, theo cha hành nghề đao phủ từ năm 18 tuổi cho đến khi nghỉ hưu ở khoảng 70 tuổi. Đây là con đường Franz không hề mong muốn và dường như, quyển nhật ký này là công cụ giúp ông và thế hệ sau thoát khỏi công việc chết chóc này. 

Bạn đọc nếu muốn tìm hiểu về quyển này có thể tìm tựa sách A Hangman's Diary: The Journal of Master Franz Schmidt, Public Executioner of Nuremberg - đây là bản dịch tiếng Anh của quyển nhật ký, vốn có một số rút gọn, chỉnh sửa. Tài liệu thứ hai là cuốn The Faithful Executioner: Life and Death, Honor and Shame của nhà sử học Joel F. Harrington, đây là công trình nghiên cứu của ông về nhật ký của Franz Schmidt nên nó không trích dẫn nguyên văn mà chủ yếu cung cấp bối cảnh và nghiên cứu của Harrington về gia đình Schmidt, tái hiện lại đầy đủ cuộc đời Franz. Cả hai tựa này đều có ebook miễn phí.

Như các bạn cũng biết, đao phủ là một nghề bị kì thị trong xã hội trung cổ. Một khi đã trở thành đao phủ, không chỉ bạn mà cả gia đình đều bị đẩy ra ngoài lề xã hội: phải sống ngoài tường thành hoặc những khu không sạch sẽ, gần lò mổ, không có quyền công dân, không được gia nhập phường hội, bị cấm vào nhà trọ, nhà tắm, hoặc các tòa công cộng khác, không được chứng nhận di chúc, con cái không được rửa tội, không được bảo vệ nếu trở thành nạn nhân của tội phạm khác. Một số đao phủ còn bị ném đá tới chết bởi đám đông giận dữ ở buổi hành hình, một nghịch lý đáng buồn khi người dân rất háo hức đi xem những buổi xử tử công khai, nhưng lại tỏ ra kinh tởm đao phủ.

Thế nên chẳng ai muốn trở thành đao phủ cả ngoại trừ những kẻ đã chạm đáy xã hội sẵn rồi. Cha của Franz, ông Heinrich Schmidt lại khác, ông trở thành kẻ hành hình vì…xui. Vốn dĩ ông là một tiều phu, kèm bẫy chim, đang sống sung túc an nhàn tại Hof, thuộc quyền cai trị của bá tước trẻ Albrecht II Alcibiades - một người trong lịch sử sống không được lòng người lắm. Cha con Heinrich và Franz mang nỗi hận sâu với Albrecht bởi chỉ vì keo kiệt không muốn chi tiền cho đao phủ chuyên nghiệp, đã sử dụng một truyền thống cổ: chỉ định người bên đường thực hiện cuộc hành hình, nếu không tuân lệnh sẽ bị treo cổ thay. Khi ấy vị bá tước nóng đầu vừa bắt được 3 tên sát thủ mang súng định ám sát mình, đã giáng vận đen lên đầu gia đình Schmidt. Câu chuyện có được thuật lại trong nhật ký của Franz, diễn ra khi ông 17 tuổi.

Chân dung  Albrecht
Chân dung Albrecht

Ngay từ khoảnh khắc Heinrich làm theo lệnh bá tước, gia đình ông đã bị xã hội lánh xa, không ai còn muốn qua lại làm ăn với bàn tay đã vấy máu ấy. Heinrich chỉ còn một công việc chờ đón ông: hành hình kẻ tử tù, mà về sau ông truyền lại cho con trai Franz.

Vì sao Franz viết nhật ký ban đầu là một bí ẩn, bởi nó không nhằm trút nỗi lòng hay khám phá nội tâm gì cả. Quyển nhật ký của Franz, chính là một phần bằng chứng để sau này khi đã nghỉ hưu, ông trình đơn xin đức vua Ferdinand II rửa sạch thanh danh cho gia đình mình. Ngoài hành quyết, đao phủ còn có nhiệm vụ tra tấn phạm nhân, một việc nặng nề còn hơn tử hình. Câu hỏi mà Harrington đặt ra khi tìm hiểu quyển nhật ký, đó là một người cả đời sống trong bạo lực, chết chóc như vậy có giữ được tính người không hay thật sự tha hóa thành kẻ máu lạnh? Được biết, Franz có học thêm nghề thuốc và sau khi được trả lại danh dự, ông và con trai mới có thể hành nghề. Cả đời Franz cũng sống rất chuẩn mực, không rượu bia, bài bạc, bạo lực (trong xã hội châu Âu thời đó, ngoại trừ thầy tu thì đây là việc đáng nể đấy) để chuẩn bị cho ngày gia đình được hòa nhập xã hội. Ông là một người sùng đạo và luôn cố tách bạch công việc với đức tin của mình.

Thứ mà chúng ta tìm kiếm từ nhật ký Franz Schmidt, e là không phải những tâm tư tình cảm hay những chuyện gia đình cá nhân. Gọi là nhật ký nhưng đây như tệp hồ sơ, bởi nó ghi chép lại ngày tháng, cách thức hành hình, thông tin tội phạm, cách phạm tội…v.v. Độ dài từ một dòng đối với những kẻ trộm bị treo cổ cho đến vài trang đối với tội phạm nghiêm trọng hơn. Thông qua những dòng ghi chép có phần máy móc ấy, chúng ta vẫn có được một hình dung về đời sống xã hội trung cổ, cùng xác nhận một số chi tiết lịch sử khác. Ví dụ, hành hình trên bánh xe (breaking wheel) quả thật là phổ biến vì Franz thực hiện cách xử tử này khá nhiều, bên cạnh treo cổ và chặt đầu. Hóa ra chặt đầu là hình thức xử lý ân huệ mà không phải phạm nhân nào cũng được phép. Ngoài ra, hình tượng đao phủ thật sự rất khác với những gì phim ảnh minh họa, họ không đeo mặt nạ hay mặc áo cánh để lộ bắp tay lực lưỡng. Trong một tranh minh họa duy nhất thời đó về Franz Schmidt, khi ấy là đao phủ toàn thời gian cho thành phố Nuremberg, ông không đeo mặt nạ và vận trang phục khá chỉn chu. Màu sắc tranh gốc cho thấy trang phục đao phủ của ông khá sắc sỡ với vớ hồng, áo chẽn và quần xanh nhạt.

Cả hai tập sách về nhật ký Franz Schmidt đều là nguồn tư liệu chân thực về xã hội châu Âu đầy mâu thuẫn đạo đức, lạm quyền, bạo lực, nhưng nổi bật lên sáng tỏ chính là Franz, đã lầm lũi sống một đời tủi nhục nhưng lẫn âm thầm đấu tranh để con cháu đời sau không phải chịu khổ như mình.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)