
10 Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất Của Điện Ảnh Hàn Quốc Đương Đại
Điện ảnh Hàn Quốc đang cho thấy những bước tiến vượt bậc trong các năm gần đây, chẳng hạn mùa hè vừa qua đã ghi nhận hai chiến thắng quan trọng của xứ kim chi tại Liên hoan phim Cannes 2021 với giải Nam chính và Đạo diễn xuất sắc nhất cho hai tượng đài Song Kang Ho và Park Chan Wook. Song, hoàn toàn chẳng phải ngẫu nhiên hay ăn may trước những chiến thắng liên tiếp của Hàn Quốc trên trường quốc tế, bởi lẽ họ cũng đã từng phải nằm gai nếm mật trong quãng thời gian dài khi các hoạt động văn hoá và nghệ thuật đều bị kìm hãm do chế độ độc tài.
Thế nhưng, vượt qua tất cả những khó khăn ấy, Làn sóng mới của Điện ảnh Hàn xuất hiện từ cuối những năm 90 và bắt đầu phát triển đầu năm 2000 đã thổi nên luồng sinh khí mới đầy hy vọng cho tất cả các nhà làm phim. Để rồi cho đến nay, bấy nhiêu thành tích danh giá mà đất nước củ sâm nhận được đều là những thành quả vô cùng xứng đáng cho những nỗ lực bền bỉ và kiên trì hằng bao năm qua. Trong đó, chắc chắn không thể không kể đến đóng góp to lớn của các đạo diễn xuất chúng, những người “vừa có tâm vừa có tầm” đã để lại các di sản quý giá cho hậu thế.
1. PARK CHAN WOOK
Park Chan Wook sinh ra ở Seoul và học triết học tại Đại học Sogang, nơi ông khao khát trở thành một nhà phê bình nghệ thuật. Tuy nhiên, sau khi xem Vertigo của Alfred Hitchcock, ông quyết định trở thành một đạo diễn.
Hai bộ phim đầu tiên của Park, The Moon Is… The Sun’s Dream và Trio chỉ được thực hiện với ngân sách thấp. Kể từ năm 2000, Joint Security Area mới mang ông đến gần hơn với công chúng.
Mãi cho đến bộ ba báo thù lừng danh và đặc biệt là phần thứ hai – Oldboy, tên tuổi của Park đã vươn tầm quốc tế. Danh tiếng và năng lực của ông nhanh chóng đưa ông đến Hollywood khi chỉ đạo Stoker và đóng vai trò là nhà sản xuất cho Snowpiercer, do người đồng hương Bong Joon Ho đạo diễn. Ngoài ra, không thể không kể đến The Handmaiden và Thirst cũng đã nhận được vô số lời khen ngợi khi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes. Bên cạnh đó, bộ phim mới nhất Decision To Leave tiếp tục ghi dấu vào bảng vàng thành tích của Park với giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cannes 2022.
Hai yếu tố đặc trưng trong các bộ phim của Park và làm cho phong cách của ông nổi bật có thể kể đến: Yếu tố đầu tiên là những mô tả thẳng thắn về bạo lực nhưng đôi khi lại trữ tình một cách đáng kinh ngạc khi thể hiện các thông điệp về bản chất con người. Thứ hai là khiếu hài hước đen tối xuất hiện trong những khoảnh khắc bất ngờ nhất, góp nhặt những nụ cười có phần chua chát ngay cả ở các cảnh cực đoan nhất.
*Các phim tiêu biểu: Vengeance Trilogy, JSA, I’m a Cyborg, But That’s OK, The Handmaiden, Thirst, Decision To Leave
2. BONG JOON HO
Là đạo diễn của một số bộ phim mang tính biểu tượng trong những thập kỷ qua, Bong Joon Ho trở thành một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất khi Parasite trở thành “hiện tượng toàn cầu” với sự hoan nghênh ở tầm quốc tế, thống trị phòng vé, các giải thưởng lịch sử và tác động văn hóa lâu dài của nó trên khắp thế giới. Ở mọi khía cạnh, Bong như hình ảnh thu nhỏ của những gì điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được trong suốt lịch sử đầy chông gai nhưng anh dũng của mình.
Vào năm 2000, ông lần đầu ra mắt với Barking Dogs Never Bite. Cả khán giả và các nhà phê bình đều đón nhận bộ phim tương đối khiêm tốn, nhưng thông qua việc trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế, Bong đã thu hút được sự chú ý.
Bắt đầu với bộ phim thứ hai của mình, Memories of Murder là một cột mốc sáng chói với sự kết hợp hoàn hảo giữa hài kịch với chính kịch và thậm chí cả kinh dị. Không dừng lại ở đó, Bong tiếp tục chinh phục khán giả với The Host và Mother. Khả năng thực hiện những bộ phim thành công lớn về mặt thương mại lẫn nghệ thuật đưa ông cập bến Hollywood, với Snowpiercer (2013) và Okja (2017).
*Các phim tiêu biểu: Barking Dogs Never Bite, Snowpiercer, Okja, Mother, The Host, Memories of Murder, Parasite
3. LEE CHANG DONG
Sự sôi động và đa dạng của điện ảnh Hàn Quốc thế kỷ 21 đã cho phép tất cả các đạo diễn vĩ đại vươn lên dẫn đầu cùng với tầm nhìn và ý tưởng độc đáo của họ. Nhưng ngay cả giữa sự nhộn nhịp đó, Lee Chang Dong vẫn nổi bật như một trong những thiên tài không thể đoán trước.
Cho đến nay ông mới chỉ làm sáu bộ phim nhưng tất cả đều vô cùng xuất sắc. Là một nhà làm phim luôn lựa chọn các dự án của mình một cách khôn ngoan, Lee kết hợp sự tinh tế của cảm xúc với nỗi đau khổ của con người để tạo ra những màn trình diễn choáng ngợp.
Ông đặc biệt bận rộn vào đầu những năm 2000, với một loạt các tác phẩm Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999) và Oasis (2002). Kể từ đó, các dự án thưa dần, với Secret Sunshine (2007), Poetry (2010) và kế đến là kiệt tác Burning (2018) đã làm nức lòng toàn thể các nhà phê bình trên khắp thế giới ngay từ khi ra mắt tại Cannes.
*Các phim tiêu biểu: Green Fish, Peppermint Candy, Oasis, Secret Sunshine, Poetry, Burning
4. HONG SANG SOO
Với 27 bộ phim điện ảnh trong sự nghiệp chỉ kéo dài 26 năm, Hong Sang Soo là một trong những đạo diễn huyền thoại có năng suất làm việc đáng kinh ngạc. Được biết đến như gương mặt quen thuộc của các liên hoan phim quốc tế, The Day A Pig Fell Into A Well ra mắt năm 1996 ngay lập tức giới thiệu ông như một nhà làm phim quan trọng. Kể từ đó, phim của Hong thu thập tất cả giải thưởng từ các liên hoan và cuộc thi trên toàn thế giới, với Woman Is The Future Of Man (2004) và Tale Of Cinema (2005) mang đến những thành công vang dội, trong khi Hahaha đã nhận được giải Nhãn quan độc đáo tại Cannes năm 2010, Right Now, Wrong Then (2015) và cạnh tranh Cành cọ vàng 2017 với The Day After.
Hong từng học tại Đại học Seoul và tham gia các khóa học về điện ảnh ở Los Angeles, Chicago và Paris. Các bộ phim của ông đặc trưng bởi kỹ thuật quay phim độc đáo và phong cách thông minh khác biệt theo xu hướng “tối giản”. Xét cho cùng, thế giới điện ảnh của Hong gần như tiết kiệm đến mức khó tin trong việc dựng kịch bản, liên tục lấy nhịp điệu của những người đi bộ, uống rượu soju và trò chuyện bình thường, nhưng chiều sâu và tính nghệ thuật vẫn luôn ở đó. Như The New York Times mô tả, Hong bắt đầu quay phim với ít kế hoạch và chỉ vài dòng thoại viết sẵn, và tận dụng những tia sáng khó nắm bắt của sự duyên dáng, vẻ đẹp và cái nhìn sâu sắc về cảm xúc.
*Các phim tiêu biểu: Right Now, Wrong Then, Hahaha, Our Sunhi, Virgin Stripped Bare By Her Bachelors, Yourself And Yours, On The Beach At Night Alone, Woman Is The Future Of Man, The Day After
5. NA HONG JIN
Một đạo diễn điển hình của “chất lượng hơn số lượng”, bởi chỉ với ba bộ phim nhưng đều là những kiệt tác thực thụ thì Na Hong Jin đã thu hút được sự chú ý và các giải thưởng ngay từ khi chúng được phát hành.
Lần ra mắt đầu tiên đầy đẫm máu và điên cuồng với bộ phim kinh dị hành động The Chaser năm 2008, lấy cảm hứng từ một kẻ sát nhân hàng loạt ngoài đời thực. Tiếp theo là The Yellow Sea (2010), một bộ phim giật gân về xã hội đen đã được chiếu ở hạng mục Nhãn quan độc đáo tại Liên hoan phim Cannes 2011. Và tác phẩm hay nhất cho đến nay của Na có lẽ là The Wailing giúp anh có được sự công nhận của quốc tế. Kể từ đó, các bộ phim của Na Hong Jin đã trở thành một phần thường xuyên của các liên hoan phim lớn nhất thế giới, chẳng hạn như Cannes và Venice.
*Các phim tiêu biểu: The Chaser, The Yellow Sea, The Wailing
6. KIM KI DUK
Một thập kỷ trước, Kim Ki Duk có lẽ sẽ đứng đầu danh sách này bởi đã giành nhiều giải thưởng trong các liên hoan phim lớn trên toàn thế giới như Sư Tử Vàng của Venise hay Gấu Bạc của Berlin.
Kể từ tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên vào năm 1995 có tựa đề Crocodile, Kim đã chấp bút và đạo diễn một hoặc hai bộ phim mỗi năm và trở nên nổi tiếng nhờ các tác phẩm kinh phí thấp, với thời gian quay rất ngắn cũng như những hạn chế liên quan đến việc mô tả các chủ đề được coi là cấm kỵ.
The Isle được hoan nghênh trên toàn cầu, bộ phim trở nên nổi tiếng khi một nhà báo người Ý thậm chí đã ngất xỉu trong buổi công chiếu ở Venice. Ý kiến của báo chí về Kim nhìn chung khá mơ hồ và luôn đầy tranh cãi, trong khi sự quá khích trong các bộ phim của ông thường xuyên khiến ông gặp rắc rối.
Bất chấp các phản ứng tiêu cực, Kim vẫn kiên trì theo đuổi tư duy làm phim dị biệt của mình, trong đó có Moebius từng bị cấm chiếu ở Hàn dẫn đến việc ông phải cắt 21 cảnh để có thể ra mắt tại quê nhà. Kể từ đó, “Gã phù thủy điện ảnh” dần giảm bớt một chút yếu tố cực đoan, chẳng hạn The Net đề cập đến các mối quan hệ của hai miền Triều Tiên theo phong cách độc đáo của riêng ông.
Cuối tháng 12 năm 2020, Kim Ki Duk qua đời vì COVID-19 tại Latvia trong một chuyến công tác. Thế nhưng di sản mà vị đạo diễn để lại hẳn vẫn sẽ mãi tồn tại, không chỉ qua các “đứa con tinh thần” của Kim mà còn thông qua các nhà làm phim là học trò của ông, với Jang Hoon và Juhn Jai Hong là những người nổi tiếng nhất.
*Các phim tiêu biểu: Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring, Moebius, Pieta, 3-Iron, The Isle, Bad Guy, The Bow, Crocodile, Samaritan Girl, The Coast Guard
7. IM KWON TAEK
Được mệnh danh là “cha đẻ của điện ảnh Hàn Quốc” với sự nghiệp kéo dài hơn 50 năm và hơn 100 bộ phim, Im Kwon Taek chắc chắn không thể thiếu trong danh sách này. Im cũng được cho là một trong những người khơi mào Làn sóng mới của Hàn Quốc, phong trào cuối thập niên 90 đã phục hồi hoạt động sản xuất điện ảnh trong nước sau nhiều năm bị chính phủ độc tài gián đoạn.
Lần đầu ra mắt của ông là vào năm 1962 với Farewell Duman River, và trong 10 năm tiếp theo, ông đã quay khoảng 50 bộ phim, hầu hết là phim hạng B với mục đích tích lũy hạn ngạch cho các công ty sản xuất để có được quyền chiếu phim ở nước ngoài.
Cuối cùng, ông nhận ra lời kêu gọi của mình nên đặt ở chỗ khác: không phải trong các tác phẩm thương mại mà là các tác phẩm nghệ thuật, từ đây Im bắt đầu tập trung vào các bộ phim đề cập sâu rộng đến Hàn Quốc, chẳng hạn như nội chiến, sự chiếm đóng của Nhật Bản, tư tưởng Phật giáo, vị trí của phụ nữ trong xã hội hay các vấn đề đạo đức, trong khi vẫn duy trì được khả năng của mình như một người kể chuyện tuyệt vời. Sự thay đổi này khiến ông dần được quốc tế biết đến nhiều hơn vào cuối những năm 80.
Năm 2002, Im Kwon Taek trở thành người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes với tác phẩm Chihwaseon. Tại một số liên hoan trong nước và quốc tế khác, như ở Berlin thì trao cho ông giải thưởng thành tựu trọn đời và ông cũng đã nhận được Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp vào năm 2007.
*Các phim tiêu biểu: Chunhyang, Sibaji, The Taebaek Mountains, Chihwaseon, Mandala, Testimony, Seopyeonje, Come Come Come Upward
8. LEE JOON IK
Là một nhà làm phim kiên định, Lee có sở trường tạo ra những bộ phim thu hút đám đông bằng cốt truyện đơn giản nhưng mạnh mẽ. Sau bộ phim Kid Cop đầu tay năm 1993, ông chuyển sang vị trí sản xuất trước khi trở lại ghế đạo diễn một thập kỷ sau đó vào năm 2003 với thể loại hài chiến tranh Once Upon A Time In A Battlefield. Kể từ đó, Lee đã đạo diễn thêm 11 bộ phim, bao gồm một trong những tác phẩm có doanh thu cao nhất trong lịch sử Hàn Quốc là King And The Clown (2005).
Năm 2013, Lee mang đến thước phim đầy chấn động Hope, dựa trên vụ án c.ư.ỡ.n.g h.i.ế.p có thật của một bé gái 8 tuổi và những nỗ lực của gia đình để chữa lành cho cô bé, tác phẩm này đã giành giải Phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34. Năm 2016, ông một lần nữa khẳng định vị thế bậc thầy của dòng phim cổ trang với The Throne, được lựa chọn tranh giải ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar lần thứ 88. Cùng năm đó, bộ phim tiểu sử đen trắng Dongju: The Portrait of a Poet cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn.
*Các phim tiêu biểu: Dongju: The Portrait of a Poet, The King and the Clown, The Throne, Radio Star
9. KIM JEE WOON
Với sự nghiệp bắt đầu vào năm 1998, Kim Jee Woon đạt đến đỉnh cao vào năm 2010 với I Saw The Devil. Sở hữu một năng lực dường như không bị ảnh hưởng bởi cả thể loại và chủ đề, bởi các bộ phim của ông bao gồm cả lãng mạn kiểu Tây, giật gân, hành động, kinh dị lẫn hài hước. Phim của Kim vừa có nét “bình dân” nhưng luôn giàu ý tưởng mới mẻ, kết hợp hài hoà tính nghệ thuật và giải trí hiếm thấy trên màn ảnh.
Sinh năm 1964 tại Seoul, ban đầu ông làm việc trong nhà hát với tư cách là một diễn viên và sau đó là một đạo diễn, trước khi chuyển sang điện ảnh vào năm 1998 với The Quiet Family. Sau đó, A Tale of Two Sisters đánh dấu sự tán thưởng cho kịch bản, chỉ đạo và phong cách hình ảnh độc đáo của Kim. Các sản phẩm tiếp theo của ông đều thành công cả về mặt thương mại và phê bình, trong đó có màn bắt tay với Hollywood khi chỉ đạo tác phẩm The Last Stand với Arnold Schwarzenegger.
Ba năm sau, ông trở lại Hàn Quốc với The Age of Shadows, được chọn tham gia tranh giải tại Oscar 2016 ở hạng mục Best Foreign Language Film.
*Các phim tiêu biểu: I Saw The Devil, A Tale of Two Sisters, The Good, the Bad, the Weird, The Age of Shadows, The Quiet Family, The Foul King, A Bittersweet Life
10. RYU SEUNG WAN
Trong một ngành công nghiệp mà hầu hết các đạo diễn thương mại đều dành quãng nghỉ giữa các bộ phim của họ, Ryu Seung Wan đã làm việc không ngừng nghỉ khi chỉ đạo nhiều phim điện ảnh kể từ năm 2000, thêm cả một số phim ngắn, quảng cáo, MV.
Sự quen biết của anh với Park Chan Wook vào những năm 90 đã giúp anh rất nhiều khi làm trợ lý cho Park trong Trio. Năm 1998, bộ phim ngắn Rumble đã mang về cho Ryu giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim ngắn Busan, trở thành cơ sở cho phim dài đầu tay của anh, Die Bad, nơi anh cũng đóng vai chính cùng với anh trai là Ryu Seung Bum.
Năng lực đạo diễn các bộ phim hành động của Ryu tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo, trong khi Crying Fist đề cao khả năng đạo diễn ở các thể loại khác nhau thì năm 2010, The Unjust là tác phẩm đầu tiên của anh kết hợp những đánh giá tích cực với thành công về mặt thương mại, nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất năm đó.
The Berlin File đã giúp Ryu trở thành một đạo diễn bom tấn, sau đó đạt đến đỉnh cao với Veteran, bộ phim vinh dự được góp mặt vào câu lạc bộ 10 triệu vé của điện ảnh Hàn Quốc. Mới đây nhất, Escape From Mogadishu cũng liên tục gặt hái giải thưởng tại Lễ trao giải Rồng Xanh và Baeksang.
*Các phim tiêu biểu: Die Bad, Arahan, The City of Violence, The Unjust, Veteran, The Battleship Island, Escape From Mogadishu
Vậy đâu là vị đạo diễn bạn yêu thích và ấn tượng nhất? Hãy cùng chia sẻ và bàn luận với mình nhé!
- 0
- 0Bình luận