logo-maybe-vn
Mở app

Laurie Bembenek - Nữ cảnh sát xinh đẹp với vụ án mạng đầy uẩn khúc

Câu chuyện của Laurie Bembenek rất kịch tính và hấp dẫn mà cũng đượm buồn. Cô ấy từng là một người phụ nữ đẹp với tương lai tươi sáng nhưng Laurie đã đánh mất tất cả, trở thành tội phạm khi vướng vào vụ án mạng gây chấn động nước Mỹ vào thập niên 80.

Nữ cảnh sát xinh đẹp

Laurie có họ tên đầy đủ là Lawrencia Ann Bembenek, cô sinh năm 1958 và khi trưởng thành thì đăng ký vào học viện cảnh sát. Sau đó, cô thành một sĩ quan tại Sở cảnh sát Milwaukee (MPD) vào năm 1980.

Tuy nhiên, làm việc không bao lâu thì cô bị sa thải vào tháng 08/1980 vì bao che cho bạn mình sử dụng chất cấm trái phép. Bên cạnh đó, việc Laurie bị đuổi việc còn do cô đã đệ đơn khiếu nại lên cấp trên về bê bối tình dục của các sĩ quan nam MPD và các sĩ quan nữ bị quấy rối, lạm dụng trong quá trình đào tạo. Tuy nhiên sau đó, mọi cáo buộc của Laurie đã bị phủ nhận và cô đành phải ra đi, chấm dứt sự nghiệp làm cảnh sát.

Sau khi bị đuổi việc thì Laurie đã tận dụng vẻ ngoài quyến rũ, xinh đẹp của mình và ứng tuyển vào làm bồi bàn tại Câu lạc bộ Playboy ở Hồ Geneva. Cô được tuyển vào làm việc ngay và tại đây Laurie đã gặp gỡ với Elfred Schultz, chàng thám tử thích tiệc tùng và hơn cô đến 10 tuổi. Sự từng trải, nam tính của Elfred khiến Laurie mê đắm, cô yêu anh ta và quyết định tiến tới hôn nhân cùng nhân tình. Vào tháng 01/1981, cặp đôi đã kết hôn, dọn về sống chung một nhà. Cũng từ đây cuộc đời của Laurie Bembenek rơi vào bi kịch.

Cái chết của Christine 

Trong quá khứ,  Elfred Schultz đã kết hôn với Christine và có hai người con. Họ chia tay vào năm 1980 và sau đó Elfred gặp Laurie rồi lấy cô làm người vợ thứ hai. Còn Christine thì giành quyền nuôi con và sống cuộc đời của riêng mình cho đến ngày 28/05/1981 thì mọi thứ đã kết thúc.

Hôm ấy, hai cậu con trai của Christine đã bàng hoàng và sợ hãi khi phát hiện xác mẹ mình trong phòng ngủ. Christine đã bị trói và bịt miệng, bị một phát đạn bắn vào lưng và xuyên qua tim dẫn đến tử vong. Cậu con trai 11 tuổi tên Sean đã nhìn thấy kẻ tấn công và mô tả hung thủ đeo mặt nạ, khoác áo quân đội màu xanh và đi đôi giày màu đen, có dáng dấp trông giống như một người đàn ông cao lớn vậy.

Lúc ấy, cái chết của Christine khiến ai cũng kinh sợ. Họ bàn tán xôn xao về tên hung thủ, kẻ có thể ngang nhiên vào nhà dân và gây nên tội ác kinh hoàng. Thế rồi mọi sự nghi ngờ hướng về người vợ hiện tại của Elfred Schultz là Laurie Bembenek.

Xét xử và kết án

Theo điều tra của cảnh sát, vào thời điểm xảy ra án mạng, Elfred đang làm nhiệm vụ cùng với Michael Durfee nên không trở thành nghi phạm. Còn Laurie thì khác, cô không có bằng chứng ngoại phạm và những lời khai của nhân chứng cũng như vật chứng tại hiện trường án mạng đã khiến cô vào tù.

Hung khí giết Christine là khẩu súng lục của Elfred được cho là cất giữ trong căn hộ của anh ta và người lấy, sử dụng nó chỉ có thể là Laurie. Bên cạnh đó, tóc của Laurie được tìm thấy trong chiếc khăn bịt miệng nạn nhân. Những nhân chứng được tra hỏi trong vụ xét xử cho biết rằng Laurie thường phàn nàn về việc Elfred chu cấp tiền nuôi dưỡng con cái cho Christine và thường tỏ thái độ chán ghét, thù địch với vợ trước của chồng.

Những điều này đã dẫn đến việc Laurie bị bắt giữ vì tội giết người vào ngày 24/06/1981 bất chấp việc con trai của nạn nhân luôn khẳng định rằng người bắn mẹ mình là kẻ khác, một người đàn ông chứ không phải là Laurie Bembenek.

Về phần Laurie, cô phủ nhận tội trạng mà tòa án đưa ra, luôn mực kêu oan và tuyên bố rằng bản thân vô tội, cho rằng những bằng chứng được sử dụng trong phiên tòa đã bị xử lý sai. Tuy nhiên, cuối cùng cô vẫn phải chịu tội tù chung thân, bị giam giữ tại nhà tù ở thị trấn Taycheedah, bang Wisconsin, Mỹ.

Vượt ngục

Năm 1984, khi Laurie đang ở trong tù thì Elfred đã hoàn tất thủ tục ly hôn với cô và luôn khẳng định với báo chí rằng Laurie chính là hung thủ đã sát hại Christine, anh ta không muốn có bất kỳ quan hệ gì với tội phạm giết người này. 

Về phần Laurie cô vẫn tiếp tục kêu oan nhưng không có kết quả gì. Sau 8 năm ở trong tù cô đã tìm cách vượt ngục và trốn thoát thành công khi tìm cách chui qua một cửa sổ nhỏ trong phòng giặt là rồi trèo qua hàng rào kẽm gai dài 7 mét.

Sau đó, cô đã gặp vị hôn phu mới của mình là Dominic Gugliatto, anh trai của một tù nhân trong trại mà Laurie quen biết trước đó. Dominic đã giúp Laurie lẩn trốn, thoát khỏi sự truy nã của cảnh sát và sang Canada làm việc trong một nhà hàng với giấy tờ nhân thân giả.

Sau sự kiện vượt ngục của Laurie thì câu chuyện của cô bỗng chốc trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý trên truyền thông và báo chí. Rất nhiều người đã lên tiếng ủng hộ và cho rằng cô vô tội. Một nhóm hơn 200 người ủng hộ ở Milwaukee đã tập hợp lại để ủng hộ cô, họ mặc chiếc áo có cụm từ “Run, Bambi, Run” (Bambi là biệt danh của Laurie) và biểu tình trên các con phố.

Bị bắt giữ và nỗ lực kêu oan

Sau hơn ba tháng ở Canada thì Laurie đã bị phát hiện và cảnh sát đã lập tức đến nơi cô lẩn trốn. Sau đó, Laurie đã bị dẫn về giam giữ tại nơi mà cô đã trốn thoát. Những ngày tháng ở trong tù, cô vẫn tiếp tục kiên trì kháng cáo. Việc Laurie liên tục kêu oan và dấy lên phong trào đứng lên ủng hộ cô của nhiều người dân đã khiến tòa án xem xét lại bản án. Với sự nỗ lực của luật sư thì cuối cùng bản án chung thân của Laurie đã bị xóa bỏ và thời gian ở tù của cô được giảm xuống đáng kể. Tháng 12/1992, Laurie đã được tạm tha.

Sau khi ra tù, cô gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như tinh thần bất ổn nên cô tìm đến rượu và ma túy, lại còn bị bắt vì tội tàng trữ cần sa. Bên cạnh đó, cô cũng phát hiện mình mắc bệnh gan.

Trong nhiều năm sau đó, Laurie vẫn tiếp tục khẳng định mình vô tội, nhưng Tòa án tối cao Wisconsin đã từ chối lật lại vụ án. Vào tháng 4/2008, luật sư của cô đã nộp lên bằng chứng mới của vụ án năm xưa, cho thấy nhiều sai sót trong quá trình điều tra vào thời điểm đó. Bằng chứng mới được đưa ra có DNA của nam giới được tìm thấy trên người nạn nhân, điều này cho thấy nạn nhân đã bị tấn công tình dục, nghĩa là tại hiện trường lúc ấy có sự xuất hiện của nam giới, trùng khớp với lời khai đã nhìn thấy một người đàn ông đeo mặt nạ của con trai nạn nhân. Tuy nhiên, kháng cáo của cô đã bị từ chối vào tháng 6/2008.

Vào ngày 20/11/2010, ở tuổi 52, Laurie Bembenek đã qua đời trong một trại tế bần ở Portland, Oregon. Cho tới lúc chết, cô vẫn khẳng định bản thân vô tội. Có nhiều người cho rằng vụ án năm xưa vẫn còn nhiều uẩn khúc nhưng cơ quan điều tra đã che đậy đi để phủ nhận cái sai của họ. Thế nhưng vụ án đã khép lại, Laurie cũng đã qua đời, việc cô ấy có tội hay vô tội mãi mãi là một câu hỏi không có lời giải.

Cre: thevintagenews, wiki

  • 0
  • 1Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)