logo-maybe-vn
Mở app
Trang Trang Thu
Trang Trang Thu2 năm trước
Movie

Tin được không: kịch bản bộ phim "ANNA" mà khán giả luôn chê "ảo" thực sự đã diễn ra ngoài đời thực!

"Anna" là câu chuyện xoay quanh nhân vật Yoo Mi (Suzy đảm nhiệm), một cô gái mắc hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, là một bệnh nhân có thói quen nói dối và niềm tin vào thế giới hư cấu không có thật. Bắt đầu từ một lời nói dối nhỏ, cô đã nhập vai hoàn hảo vào một người khác và sống cuộc đời hoàn toàn khác.

Cuộc đời của Yumi vừa giả mạo là một sinh viên đại học, đánh cắp cuộc sống của cô tiểu thư nổi tiếng giàu có, làm giả mọi loại giấy tờ, bằng cấp ở trường đại học danh tiếng, thậm chí kết hôn với cả chính trị gia rồi lên chức giáo sư. Đặc biệt, trong mọi cuộc nhập vai Yumi đề trót lọt, vượt qua mọi sự nghi hoặc của mọi người.

Chỉ cần nghe tới đây thôi, nhiều người đã thấy kịch bản thật ảo tưởng và hư cấu đúng không. Vậy mà bất ngờ nó lại xảy ra ngoài đời

Bae Suzy đảm nhiệm vai chính Yumi trong
Bae Suzy đảm nhiệm vai chính Yumi trong "ANNA"

SỰ KIỆN 1: VỤ LỪA ĐẢO CỦA SHIN JEONG AH

Vào tháng 7/2007, "nàng Lọ lem của giới mỹ thuật Hàn Quốc" Shin Jeong Ah bị phát hiện giả mạo bằng của đại học Yale, Mỹ. Cô bị phát hiện làm giả bằng cấp nhưng vẫn tự huyễn hoặc mình với rất nhiều câu chuyện bịa đặt trắng trợn. Việc cô nhờ mối quan hệ tình cảm với cựu cố vấn tổng thống Byeon Yang Kyoon để được thăng tiến cũng đã làm tốn không biết bao nhiêu bút mực của báo chí.

Sự việc bắt đầu từ năm 2005 khi Shin Jeong Ah được nhận vào làm việc tại Khoa Lịch sử nghệ thuật Đại học Dongguk. Trong hồ sơ học vấn của mình, Shin khai rằng cô đã tốt nghiệp Đại học Kansas rồi lấy bằng thạc sĩ lịch sử nghệ thuật cũng tại trường này. Sau đó, bà nghiên cứu sinh rồi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale. Nhờ bộ hồ sơ với các chứng chỉ, bằng cấp giả này mà bà Shin Jeong Ah được phong hàm giáo sư lịch sử nghệ thuật Đại học Dongguk.

Nhưng sau một thời gian làm việc, các đồng nghiệp ở Đại học Dongguk thấy năng lực của cô không phù hợp với bằng cấp đã khai nên đặt vấn đề nghi vấn.

Ban lãnh đạo Đại học Dongguk gửi văn thư tới Đại học Kansas và Đại học Yale đề nghị kiểm chứng bằng cấp của bà Shin Jeong Ah. Lúc đầu Đại học Kansas không phúc đáp còn Đại học Yale thì gửi một văn thư qua fax hồi tháng 9/2005 xác nhận rằng Shin đã được cấp bằng tiến sĩ tại Đại học Yale.

Trong thời gian này, cô thường dự các cuộc gặp mặt của những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Đại học Yale danh tiếng vào bậc nhất nhì ở Hoa Kỳ. Tại một cuộc gặp gỡ của các cựu sinh viên Đại học Yale, Shin đã làm quen với Byeon Yang-kyoon vốn là một cựu sinh viên thứ thiệt Đại học Yale. Ông Byeon là Thư ký riêng của Tổng thống Hàn Quốc.

Shin Jeong Ah thuê một căn hộ rất đắt tiền để ở, sở hữu một chiếc BMW xa xỉ, mua thẻ hội viên câu lạc bộ hình thể tại Khách sạn Westin Chosun Seoul giá 35 triệu won sử dụng suốt đời, mỗi tháng phải đóng lệ phí 2 triệu won. Ngoài ra, cô thường xuyên mua các đồ dùng nhập khẩu xa xỉ quá mức thu nhập của một giáo sư. Điều này khiến các nhà báo nghi rằng có ai đó đã cung cấp nhiều tiền cho Shin Jeong Ah.

Khi các nhà điều tra thẩm tra lại hồ sơ học vấn của giáo sư Shin Jeong Ah, cuối cùng Đại học Kansas đã phúc đáp rằng cô có theo học tại Đại học này từ năm 1992 - 1996 nhưng chưa tốt nghiệp. Cùng với đó, đại học Yale cũng gửi thư xin lỗi và chứng nhận Shin Jeong Ah chưa bao giờ học tại đây (Trước đó, Đại học Yale đã bất cẩn trong khâu xác nhận bằng tiến sĩ khi thừa nhận bằng của Shin là thật). Bản luận án tiến sĩ mà Shin Jeong Ah mạo nhận của mình trên thực tế là của một phụ nữ Hàn Quốc khác bảo vệ thành công tại Đại học Virginia (Mỹ) từ năm 1981.

Cô đã bị Đại học Dongguk cách chức vì những sự gian lận này, bị bắt bởi tội giả mạo giấy tờ và biển thủ công quỹ của Bảo tàng Seoul. Cùng bị bắt có người tình của Shin là Byeon Yang-kyoon, cựu Thư ký cho Tổng thống Hàn Quốc vì tội tham nhũng. Vụ việc của Shin đã châm ngòi nổ cho một loạt bê bối bằng giả ở Hàn Quốc.

SỰ KIỆN 2: “RICH KID FAKE” ANNA SOROKIN LỪA ĐẢO GIỚI THƯỢNG LƯU NEW YORK

Anna Sorokin sinh ra và lớn lên tại Nga, nhưng sau đó theo gia đình chuyển đến Đức. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Anna không lên Đại học mà đi làm thực tập tại tạp chí Purple (Pháp). Đây cũng là thời điểm nữ tội phạm tự xưng mình là Anna Delvey, che giấu hoàn toàn nguồn gốc Nga.

Khoảng năm 2013, Anna Sorokin nhận thấy đời sống xã hội ở New York sôi động hơn nhiều so với Paris, nên đã chuyển tới Mỹ và bắt đầu cuộc sống mới. Kể từ khi nghỉ việc tại Purple, cô ta lên ý tưởng thành lập câu lạc bộ nghệ thuật rồi mở quỹ từ thiện “Anna Delvey Foundation” nhằm tạo bước đệm làm quen giới thượng lưu New York. Câu chuyện về tiểu thư Anna Delvey thiên biến vạn hóa nhiều lần, khi thì tự nhận là ái nữ nhà ngoại giao, lúc lại là nữ thừa kế sang trọng của tập đoàn dầu mỏ, khí đốt.

Ban đầu, công cuộc kêu gọi tiền quỹ có vẻ mượt mà, mang lại thu nhập kha khá cho kẻ lừa đảo sinh hoạt tại New York. Thế nhưng, vì không thể mở rộng quỹ nên Anna Sorokin bèn làm giả giấy tờ, tạo dựng nhiều bản sao kê ngân hàng và biên lai giả để chứng minh quyền thừa kế. Bằng đủ mọi cách, Anna thuyết phục nhà đầu tư rằng bản thân có khoảng 60 triệu USD trong ngân hàng Thuỵ Sĩ và 22 triệu USD trong ngân hàng City National Bank.

Tập đoàn Fortress từng là nạn nhân thiệt hại nhất sau khi cho Anna Sorokin vay vốn thành lập quỹ. Với khoản tiền thấu chi lên tới 55 nghìn USD, Anna cam kết hoàn trả nhanh chóng song nhanh chóng tiêu sạch để duy trì lối sống xa hoa. Khách sạn 11 Howard (New York) cũng bị cô lừa tận 30 nghìn USD cho vài đêm ăn ở sang chảnh.

Vài tháng tiếp theo, Anna Sorokin thuê máy bay riêng của công ty hàng không Blade mà không thèm trả trước khoản phí lên đến 35 nghìn USD. Kathleen McCormack - Giám đốc tài chính của Blade - đã làm chứng trong phiên tòa xét xử Sorokin. Ông cho hay: "Trước đây, công ty vẫn thường xuyên để khách hàng thanh toán sau. Vì đã quen biết Anna Sorokin qua vòng tròn quan hệ xã hội rồi nên chúng tôi vô tình tin tưởng, đồng ý đặt chuyến bay mà không nghi ngờ gì hết.”

Cũng trong giai đoạn 2013-2017 đó, Anna Sorokin mời nhiều bạn bè đi du lịch ở khắp nơi trên thế giới. Với khả năng nói dối thượng thừa, Anna liên tục than thở về trục trặc ngân hàng, lỗi thẻ tín dụng, lỗi giao dịch… để được người xung quanh trả giùm toàn bộ chi phí ăn ở, mua sắm.

Chỉ đến khi nhà văn Rachel William bị Anna Sorokin nhờ thanh toán 62 nghìn USD cho chuyến đi chơi Maroc thì chân tướng tội phạm mới được phát giác. Sau nhiều lần hứa hẹn trả tiền bất thành, Rachel William bèn đi tìm hiểu và nhận ra “bạn thân” mình thiếu nợ hàng chục người khác. Từ đó, Anna Sorokin bị bóc mẽ dần về thân phận và gia thế.

Mùa thu năm 2017, cảnh sát Mỹ chính thức bắt giam Anna Sorokin để điều tra về nhiều tội danh khác nhau. Đến phiên tòa năm 2019 thì Anna chính thức bị kết tội 3-9 năm tù. Bồi thẩm đoàn kết luận 8 tội danh nguy hiểm, bao gồm hành vi trộm cắp cấp độ 2 và lừa đảo tài chính.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Anna Sorokin chẳng quan tâm đến điều gì ngoài việc ăn mặc. Cô từ chối mặc đồng phục nhà tù, ăn diện sành điệu. Anna trả lời phỏng vấn báo ABC News: “Tôi muốn cho cả thế giới thấy rằng tôi không phải là người ngu ngốc, tham lam giống như cách họ đã miêu tả về tôi.”

Anna Sorokin được trả tự do sớm vào đầu năm 2021 nhưng vẫn có khuynh hướng không trung thực và thực hiện nhiều hành vi gian dối. Sau khi bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) bắt lại vì visa quá hạn thị thực, nữ phạm nhân tiếp tục bị tạm giam tại nhà tù quận New Jersey để chờ trục xuất về Đức.

Netflix đã cho ra mắt series Inventing Anna lấy nguyên mẫu từ Anna Sorokin.

Nguồn: Tổng hợp

  • 2806
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1632
Trang Trang Thu
Trang Trang Thu2 năm trước
Movie

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)