logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

"ĐỢI MẶT TRỜI" hay câu hỏi về trách nhiệm của xã hội đối với trẻ em

“Câu chuyện này đề cập đến một góc hẹp của cuộc đời. Ở đó có những đứa trẻ vì lý do này, khác phải sống một cuộc sống chịu nhiều thua thiệt. Rút cục, cái cuối cùng để đưa các em trở về với cuộc sống bình thường, ngang bằng với những đứa trẻ khác là gì? Vâng, đó là một gia đình thực sự với đầy đủ ý nghĩa của nó. 

Trách nhiệm này trước hết thuộc về các bậc làm cha, làm mẹ,... và của toàn xã hội.” - Phạm Ngọc Tiến. 

Đợi Mặt Trời là một tiểu thuyết rất dễ đọc. Tác phẩm này khiến mình nhớ về những cảnh phim xưa cũ có những đứa trẻ nhếch nhác đua nhau chạy ngoài đường, cười nói ầm ĩ dưới cái nắng chang chang. Chúng có thể đội mũ hoặc để đầu trần. Chúng có thể có những chiếc áo chiếc quần cũn cỡn không bằng nhau. Đứa nào cũng cắp nách vài ba tờ báo. Chúng là những đứa trẻ cơ nhỡ bán báo sống qua ngày. Trong số chúng, có đứa là trẻ mồ côi, cũng có đứa vì vấn đề gia đình mà bỏ đi biền biệt, cũng có đứa từng sống trong một gia đình đủ đầy về tình cảm và vật chất, nhưng vì những lí do khác nhau mà đều gặp nhau ở các cơ sở từ thiện với những cái tên chao ôi là buồn: ‘Xa Quê’, ‘Xa Mẹ’, ‘Cố Hương’...

Cuộc sống bán báo của chúng cũng có những khi vui vẻ  dù niềm vui rất đỗi giản đơn: Được thưởng một bát phở, gặp được một vị khách “sộp”, hay được “lên mặt dạy đời” cho những đứa bạn khác về một vấn đề gì đó… Chúng là những đứa trẻ lang thang nhưng chưa hẳn đã mất dạy. Mới mười ba, mười bốn tuổi sao đã vội gọi là mất dạy  nhất là khi chúng thiệt thòi đủ thứ về tình cảm và giáo dục? Chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ đôi khi khóc trong mơ vì nhớ mẹ, hay nhìn thấy ông bố nghiện ngập mà vẫn mủi lòng thương. Những đứa trẻ trong Đợi Mặt Trời không được Phạm Ngọc Tiến xây dựng với tính cách phá phách, lêu lổng, hư đốn điển hình mà ta vẫn thường hình dung, mà ở chúng vẫn giữ sự thơ ngây mềm mại của những đứa trẻ hãy còn quá nhỏ bé đối với cuộc đời. Và cả sự gan dạ luôn muốn hướng về cái thiện nữa - chính lòng gan dạ này là yếu tố để chúng cùng nhau thực hiện cuộc điều tra ly kỳ cùng cảnh sát, đồng thời lũ trẻ cũng tự mình mở ra những cơ hội mới tốt đẹp hơn cho tương lai. 

Cơ sở từ thiện ‘Xa Quê’ là nơi Nghĩa choắt, Ngọc phệ, Hùng sứt, Hiền sầu… được cưu mang. Trước khi vào đây, chúng từng lưu lạc ở các băng nhóm khác và bị đánh đập, ép đi lừa đảo. Không chỗ nào có sự hoà ái, bao dung như ‘Xa Quê’. Song, đằng sau bề ngoài tốt đẹp của cái tên ‘từ thiện’ ấy lại là một âm mưu phi pháp đen tối hơn rất nhiều. Thật ra diễn biến truyện cũng dễ đoán và không mấy hồi hộp, phần vì cách viết của tác giả đơn giản quá, phần vì tác giả cũng thường có những câu mào đầu như “rồi sau này Nghĩa choắt sẽ biết” để gián tiếp nói đến kết quả trong tương lai. 

Ngôn ngữ truyện của Phạm Ngọc Tiến rất giản dị, các hành động và chuyện kể được đan xen liên tiếp nhau mở ra nhiều mảnh đời khác biệt của những đứa trẻ mới chỉ mười mấy tuổi nhưng đã phải đi bán báo, ăn cắp,... để bươn chải cuộc sống. Mình tưởng như đang được xem lại một bộ phim xưa cũ về cảnh sát hình sự, về giai đoạn mai thuý đang là một vấn đề nổi cộm gây nhức nhối xã hội… Mà nhân vật chính là những đứa trẻ. Những đứa trẻ mà khi gấp lại cuốn sách này, mình không khỏi băn khoăn và suy nghĩ về trách nhiệm của xã hội đối với chúng. Phạm Ngọc Tiến đã vạch ra một vấn đề còn to lớn hơn đối với những đứa trẻ cơ nhỡ kém may mắn: Nếu ngay cả xã hội cũng thờ ơ, không quan tâm, thậm chí tàn nhẫn với các số phận ấy thì chúng biết đi đâu và sẽ lớn lên như thế nào khi hãy còn quá nhỏ bé và bơ vơ? Đợi Mặt Trời hay chính là sự chờ mong và khao khát của các em nhỏ về một mái ấm đủ đầy. Nhưng ai sẽ đến và đáp lại sự chờ đợi ấy nếu không phải là cha mẹ, là xã hội bao bọc các em?

Cốt truyện của cuốn này đơn giản nên rất dễ đọc. Mình không quá ấn tượng với nội dung, nhưng lại rất thích thông điệp mà và phong cách viết của Phạm Ngọc Tiến trong tác phẩm này. Nó mang một vẻ giản dị trong sáng và có khá nhiều từ ngữ mà lâu lắm rồi mình mới gặp lại, ví dụ như “hàng quốc cấm”, “Alê cút”, hay những câu thành ngữ mà cha chú hay nói đùa với nhau như “tuỳ nghi di tản” chẳng hạn.

Đánh giá cá nhân: 2.5/5

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)