logo-maybe-vn
Mở app

Hầm mộ sống - Hình thức trừng phạt bằng cách nhốt người vào hốc rồi lấp tường lại

“Ta miết  chiếc bay, không ngừng nghỉ suốt 5 hàng, 6 hàng, rồi 7 hàng. Bức tường đã cao ngang ngực. Ta lần nữa tạm nghỉ, soi ánh đuốc xem tay nghề thợ nề, vài tia le lói soi bóng hình yếu ớt trong hốc hang kia”.
The Cask of Amontillado - Edgar Allan Poe

Truyện ngắn The Cask of Amontillado năm 1846 của Edgar Allan Poe thuật lại câu chuyện giết người theo cách rùng rợn, tàn bạo nhất. Người dẫn truyện chính là thủ phạm, kể cho một người quen cũ cách anh ta tiêu diệt kẻ thù, bằng cách dụ hắn vào hầm rượu rồi đẩy vào một hốc tường, lấp lại bằng gạch để hắn chết dần chết mòn trong không gian chật hẹp ấy.

Phương thức giết người trong truyện của Poe gọi là “Immurement”, tức xử tử bằng cách giam họ vào một cái hốc vừa đủ đứng hoặc ngồi rồi xây tường gạch lấp lại, tạo thành hầm mộ sống. Người bị nhốt trong đó sẽ chết vì ngạt thở hoặc đói ăn khát nước, rất khủng khiếp. Đây được xem là hình thức niêm phong linh hồn tội lỗi.

Không biết rõ hình thức xử tử này bắt nguồn từ đâu, khi nào, chỉ thấy nó đã được thực hành hầu như khắp các nền văn hóa các lục địa. Hầm mộ sống là cách xử phạt kẻ tội đồ, ngoài ra còn một cách dùng khác dã man hơn là để hiến tế, nhằm mang lại vận may.

Hình thức xử tử

Hầm mộ sống đầu tiên được triển khai bởi những người La Mã, dùng để xử phạt các trinh nữ Vesta. Họ là những cô gái xuất thân từ gia đình được trọng vọng, không có khuyết tật thể chất lẫn tinh thần, thực hiện lời thề độc để chăm sóc ngọn lửa thiêng trong đền thờ Vesta - nữ thần trinh nguyên bảo hộ mái ấm gia đình và ngọn lửa cháy là biểu tượng của hưng thịnh quốc gia.

Nếu những nữ tu này vi phạm lời thề, họ sẽ bị tử hình. Thế nhưng thành Roma có quy định không được làm đổ máu tu nữ Vesta cũng như không ai được phép chôn trong đất thành. Thế nên dân La Mã mới sáng tạo ra hầm mộ sống, một hốc rất nhỏ vừa đủ một chiếc ghế dài, cùng chút nước và thức ăn. Nữ tu phạm tội sẽ bị giam và bỏ lại đến chết trong đó. 

Nhà thờ Công giáo cũng có hình thức xử tử tương tự đối với nữ tu và tu sĩ vi phạm lời thề trinh khiết hoặc có tư tưởng dị giáo. Tuy nhiên, khác với trinh nữ Vesta, các nữ tu Công giáo phải kéo dài quãng thời gian cầm tù dài hơn. Họ cũng bị giam trong một hầm ngục nhỏ, cô lập hoàn toàn và có chút thức ăn chuyền qua một lỗ nhỏ. Đây gọi là “vade in pace”, cụm từ tiếng Latin nghĩa là “ra đi bình yên”.

Ở Bắc Phi thì khét tiếng có vụ xử tử Hadj Mohammed Mesfewi, một gã thợ giày ở Marrakesh, đồng thời là kẻ giết người hàng loạt với nạn nhân khoảng 36 phụ nữ. Mục đích của hắn là cướp của nhưng đôi khi số tiền chẳng được là bao cả. Hắn thường tra tấn nạn nhân rồi thủ tiêu, phân xác giấu trong nhà. Tội ác của hắn gây phẫn nộ dân chúng cực kỳ. Trước khi bị xử tử 1 tháng, mỗi ngày người ta sẽ lôi Hadj ra giữa chợ đánh 10 roi bằng loại roi làm từ cây acacia đầy gai, để hắn chịu khổ hình như những nạn nhân của mình.

Cuối cùng, Hadj bị chôn vào bức tường ngay giữa chợ để thị chúng. Nghe đâu hắn đã gào thét trong hầm mộ sống đó suốt hai ngày, cứ hễ hắn gào lên là dân chúng sẽ reo hò chế nhạo. Đến ngày thứ 3, tiếng hắn tắt hẳn và người dân tức giận vì hắn chết quá sớm. 

Nghi lễ hiến tế

Đề cập đến cách dùng hầm mộ sống thứ hai, đó là nghi lễ hiến tế người sống nhằm phù hộ cho một công trình. Khắp châu Âu, người ta truyền miệng về những thi thể khai quật được dưới chân cầu và tòa nhà từ thời trung cổ. Chứng thực cho điều này là những bài hát dân gian, như London Bridge Is  Falling Down, kể về một thời người sống bị xây lấp vào chân cầu hoặc công trình mỗi khi quá trình xây dựng gặp sự cố hoặc chỉ vì tin rằng làm vậy công trình sẽ kiên cố hơn.

Một ví dụ nữa là bài thơ “The Building of Skadar“, kể về người thợ xây phải hiến tế vợ mình trong công trình xây thành.

Phù điêu miêu tả người vợ thợ xây đang bị chôn lấp một nửa
Phù điêu miêu tả người vợ thợ xây đang bị chôn lấp một nửa

Ngoài ra, chuyện đáng buồn hơn là hủ tục ở Đức, chuyên dùng trẻ em cho những hầm mộ sống này bởi họ cho rằng sự ngây thơ của đứa trẻ sẽ phù hộ cho tòa lâu đài. Tiêu biểu là lâu đài Burg Reichenstein vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Có chuyện kể là vào khoảng giữa thế kỷ 16, trong quá trình trùng tu tòa lâu đài đã 400 tuổi, ngài quý tộc Christoph von Haim đã bị một người nông dân ám sát. Thủ phạm nói rằng von Haim đã chôn sống con mình dưới móng lâu đài. Ngày nay Burg Reichenstein được trưng dụng làm khách sạn và nhiều cặp đôi chọn nơi đây tổ chức đám cưới.

Đáng buồn thay, có rất nhiều bằng chứng vật lý cho thấy những hủ tục ấy có thật, đã từng diễn ra. Các báo cáo những năm 1800 cho thấy, khi phá hủy những cây cầu ở Bremen, Đức, người ta thấy xương cốt của một đứa trẻ ở dưới móng cầu. Tại một nhà thờ ở Holsworthy, Anh thì khai quật ra bộ xương người lớn.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1289

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)