logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Bột Mì Vĩnh Cửu - Hãy nhớ, tham thì thâm!

Được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại và đáng đọc nhất của nhà văn Liên Xô Alexander Belyaev, Bột Mì Vĩnh Cửu mang hình hài của một truyện cổ tích thời hiện đại, pha lẫn màu sắc khoa học viễn tưởng đi kèm cùng góc nhìn thâm trầm về bản chất của con người.  

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là giáo sư Breuer, một nhà bác học đại tài có mong ước lớn nhất là phát minh ra loại bột thần kì với khả năng sản sinh vô hạn để cứu giúp những người nghèo đói. Để thử nghiệm sản phẩm đó, ông đưa bột cho lão Hans đánh cá sử dụng cùng những lời dặn dò hết sức kĩ lưỡng. Đáng tiếc, mọi thứ không như Breuer nghĩ. Bởi chẳng những không giữ lời hứa mà vì lợi ích của bản thân, lão Hans còn dùng bột để đổi lấy nhà cửa, quần áo, người giúp việc, đồng thời từng bước đưa nhân loại đến bờ vực của sự diệt vong. 

Từ chút bột nở ban đầu, mọi sự dần bị nhún sâu vào tình thế không thể kiểm soát được. Dân làng hám lợi bắt đầu buôn bán trái phép. Chiến tranh khắp mọi nơi. Những nhà tư bản tranh chấp cướp đoạt của cải. Cánh báo chí chim mồi mọi nơi mọi lúc. Những người dân lao động vốn cần mẫn chăm chỉ nay dần ỷ lại, bỏ bê công việc, chỉ lao vào cướp bóc lẫn nhau. Những rắc rối xảy đến ko phải tại nhà khoa học phát minh ra nó hay do chính phát minh đó. Chúng xảy ra do sự tham lam ích kỷ của con người, khi tính vị kỷ dần dần tha hóa họ.

Thoạt nhìn tựa sách, tôi cứ ngỡ Bột Mì Vĩnh Cửu là câu chuyện cổ tích của người xưa, được viết ra những khi ông bà ta còn thuở bần hàn túng quẫn, cốt để răn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Ấy vậy mà không phải, Bột Mì Vĩnh Cửu vượt lên hẳn giấc mơ cổ tích đó, nó xâu chuỗi những ước mơ cao đẹp của người xưa và hiện thực hóa nó, đồng thời phơi bày ra những mặt tối từ sâu trong thâm tâm chúng ta không muốn thấy nhất. 

Thật vậy, giống như cái quyền năng tự sinh sôi vô hạn của thứ bột thần kì đó, có những thứ ta không lường trước cũng sinh ra từ chung một nguồn đó. Dục vọng. Chiến tranh. Lòng tham. Bột mì cứ tuôn, mầm ác cứ thế mà sinh sôi nảy nở. Và đến cuối cùng, giấc mơ tưởng chừng tốt đẹp kia, hóa ra lại trở thành một cơn ác mộng kinh khủng. Vậy truyện cổ tích đã sai hay sao? 

Tôi còn nhớ, trong những câu chuyện cổ tích bà tôi hay kể, những vật báu từ trên trời dù có thần kỳ đến đâu thì đến cuối cùng vẫn để lại một cái kết đắng ngắt như cuốn tiểu thuyết của Belyaev. Tôi biết một câu chuyện về ông lão đánh cá và và chú cá vàng thần kì. Được ông cứu mạng, con cá đã ban điều ước để trả ơn. Tuy nhiên, ông lại có một bà vợ tâm cơ, luôn đưa ra những đòi hỏi ngày một quá đáng. Cuối cùng, khi bà đòi cá vàng cho bà làm nữ hoàng biển cả, giọt nước đã tràn ly, cá vàng thu hồi phép thuật đưa cả gia đình làng chài về cảnh nghèo đói khi xưa. 

Còn có truyện về con gà đẻ trứng vàng và hai vợ chồng tham lam. Khi biết mình có vật báu trời cho, họ đã không ngần ngại giết nó để chiếm được nhiều vàng nhất có thể. Kết quả, chẳng những trong con gà không có chút vàng nào, mà về sau sẽ chẳng còn quả trứng vàng nào được đẻ ra nữa. Hai câu chuyện, tuy khác nhau về cốt truyện, về bối cảnh, nhưng đều ngụ ý sâu xa, giống như cuốn Bột Mì Vĩnh Cửu này vậy. Bột mì vĩnh cửu, hay con cá vàng thần kì, hay con gà đẻ trứng vàng, rốt cuộc đều là phép ẩn dụ đầy chua xót về mặt trái của nhân tính. Và dù có trải qua bao năm tháng, bao đổi thay, những bài học đó vẫn luôn hiện hữu, luôn ý nghĩa. 

Một điều thú vị nữa mà theo tôi thấy có rất ít người để ý, đó là thời điểm ra đời của cuốn sách này. Một thời điểm lý tưởng đến nỗi hoàn cảnh không thể ủng hộ hơn: Đó là năm 1926, khi nhà nước Xô Viết non trẻ vừa bước ra khỏi Thế Chiến I cùng cuộc nội chiến đẫm máu không lâu, khi kế hoạch NEP của cố lãnh tụ Lenin vẫn còn dang dở. 

Quả vậy, khi mà tất cả người dân nghèo khắp cõi Xô Viết vẫn đang đói ăn đói mặc, thì vọng tưởng về một hũ đầy ắp bột mì vĩnh cửu cũng có thể coi như là một con đường cứu sinh về mặt tinh thần. Như vậy, xét về mặt thực tế, cuốn sách cũng gắn liền sâu sắc với hành trình, với giấc mơ chung của người dân Xô Viết trong thời kì xây dựng nhà nước mới. Tôi cũng đã nghĩ đến việc, rất có thể cuốn sách này cũng đã từng được Stalin - lãnh tụ tối cao của Liên Xô sau thời Lenin, đưa vào chiến dịch tuyên truyền trong những đợt Kế Hoạch 5 Năm nữa cũng nên. Xét cho cùng, tác phẩm cũng đã phần nào đó tiên lượng chính xác về viễn cảnh Liên Xô trở thành vựa lúa gạo nhất nhì thế giới trong Chiến Tranh Lạnh về sau mà. 

Bột Mì Vĩnh Cửu - một cuốn sách hay cùng ý tưởng mới lạ, một câu chuyện hư cấu với tầm nhìn vượt thời đại. Từ một ý tưởng có tính thực tiễn trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, Belyaev đã rất thông minh khi rẽ nhánh câu chuyện và phân tầng những lớp ẩn dụ qua mỗi tình tiết truyện, phản ánh chân thực những góc khuất của nhân tâm. Thật vậy, dù nền văn minh có tiên tiến cỡ nào, có vươn xa đến đâu, dù là tầng lớp hay hoàn cảnh nào, thì sự ích kỉ, dục vọng sâu thẳm của con người vẫn luôn hiện hữu. Và dù cuốn sách có một cái kết tươi sáng, nhưng bản thân câu chuyện, bản thân ý tưởng của Belyaev, đến cuối cùng vẫn hằn lên trong người đọc nỗi ám ảnh sâu sắc về bản tính con người, về tâm ma trong mỗi chúng ta. 

Hãy nhớ, tham thì thâm!

ĐÁNH GIÁ: 5/5 

17/5/2022 

  • 2476
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1429
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)