logo-maybe-vn
Mở app
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Thế giới đã làm gì để tận dụng những chiếc bánh mì thừa, góp phần giảm thiểu lãng phí thực phẩm

Bánh mì được xem là loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 900,000 tấn bị bỏ đi mỗi năm, tương đương với 10% số bánh một cửa hàng làm ra hàng ngày. Trong khi tình trạng khủng hoảng lương thực đang ngày càng trầm trọng, rác thải thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhiều cơ sở kinh doanh và các tổ chức đã cố gắng tìm kiếm những giải pháp nhằm khai thác tối đa công dụng của các loại thực phẩm. Bánh mì cũng không phải ngoại lệ.

Ủ bia bằng bánh mì thừa ở London, Anh

Ước tính có đến 44% số bánh mì bị lãng phí mỗi năm ở Anh, trong khi đó, tính riêng ở các hộ gia đình là 24 triệu lát bị bỏ đi mỗi ngày. Tận dụng nguồn tài nguyên này, một nhà máy bia ở London đã nảy ra ý tưởng dùng bánh mì thừa để sản xuất bia thủ công.

Bia ủ từ bánh mì theo công thức 4000 năm tuổi của người Babylon cổ đại
Bia ủ từ bánh mì theo công thức 4000 năm tuổi của người Babylon cổ đại

Nguồn bánh mì chính được nhà máy sử dụng đến từ các xưởng làm bánh sandwich.

Rob Wilson, chủ một lò bánh mì hợp tác với dự án cho biết: “Bánh mì sandwich thường được cắt sẵn thành từng lát. Tuy nhiên, máy cắt luôn tự động bỏ đi các lát ở 2 phần đầu của ổ bánh. Nếu bạn nghĩ rằng số bánh mì lãng phí chỉ đến từ những vị khách hàng không dùng hết khẩu phần ăn của mình, thì không, nó còn diễn ra theo quy mô công nghiệp.”

Số bánh mì sau khi được thu gom về sẽ dùng để thay thế cho 1/3 lượng lúa mạch ủ chua có trong một công thức bia. Nhà máy đã sử dụng công thức lên men bánh mì 4000 tuổi của người Babylon cổ đại. Kết quả là cho ra một loại bia có hương vị của lúa mì và mùi caramel đặc trưng.

Chỉ sau hai năm kể từ khi sản phẩm đầu tiên được tung ra thị trường, từ một nhà máy ở London, công ty đã có thể mở rộng quy mô đến New York, Rio de Janeiro, Cape Town và Reykjavik. Họ cũng không ngần ngại chia sẻ rộng rãi công thức để khuyến khích nhiều cơ sở sản xuất bia tận dụng nguyên liệu bánh mì hơn. Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận thu được từ loại bia này sẽ được chuyển cho một tổ chức từ thiện có tên Feedback – chuyên thực hiện các chiến dịch nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm.

Thành phố Rotterdam dùng bánh mì bỏ đi để tái tạo thành năng lượng

Năm 2014, Hội đồng thành phố Rotterdam đã tiếp nhận một dự án tạo năng lượng từ bánh mì bỏ đi. Khoảng 130 thùng chứa bánh được đặt rải rác khắp 85 địa điểm ở Rotterdam để người dân có thể bỏ bánh mì hỏng của họ vào trong. Sau đó, các xe điện thu gom sẽ đến lấy chúng, đưa chúng về nhà máy và ủ kị khí để biến đổi thành năng lượng sinh học và phân bón.

Thùng đựng bánh mì trên đường phố Rotterdam
Thùng đựng bánh mì trên đường phố Rotterdam

Kế hoạch này được thực hiện với mục đích ban đầu là quyết tình trạng người dân vất bánh mì thừa ra đường, thu hút sâu bọ và chuột, có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát bệnh dịch hạch.

Đến năm 2019, dự án này đã góp phần giải quyết được 125,000 kg bánh mì, tạo ra năng lượng đủ để thắp sáng 2000 bóng đèn LED trong một năm hoặc cung cấp gas cho khoảng 50 hộ gia đình.

Biến bánh mì thừa trở lại thành bột để tiếp tục sử dụng ở Pháp

Nhắc đến bánh mì không thể bỏ qua Pháp. Người dân Pháp sử dụng bánh mì như một món ăn chính hàng ngày và chỉ ưa chuộng bánh mì tươi, không qua đóng gói bảo quản. Đó là lí do tại sao có đến hơn 150,000 tấn bánh mì bị bỏ đi ở Pháp mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện nay các thợ làm bánh đã sáng tạo ra một loại máy nghiền giúp biến bánh mì trở lại thành “bột” để tiếp tục sử dụng.

Máy nghiền bánh mì thành
Máy nghiền bánh mì thành "bột" được các thợ bánh ở Pháp sử dụng

Guillaume Devinat, chủ của một trong số hơn 100 tiệm bánh ở Pháp đang sử dụng loại máy này, chia sẻ anh cùng những người thợ tại cửa hàng đang thử một công thức bánh mì baguette mới có chứa thành phần “bột” nghiền từ những chiếc bánh mì thừa chưa bán được ngày hôm trước.

Sau khi xé nhỏ số bánh mì cũ, họ sẽ đưa chúng qua máy nghiền thành vụn nhỏ và dùng số vụn này thay thế 20% lượng bột mì cần sử dụng trong mỗi mẻ bánh. Bánh thành phẩm khi ra lò mặc dù có màu đậm hơn nhưng hương vị hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

Guillaume Devinat cho biết thêm nếu được làm khô đúng cách, vụn bánh mì có thể bảo quản vài tháng và vì được nhiều khách hàng ủng hộ, anh cũng đang thử nghiệm thêm nhiều công thức khác sử dụng thành phần “vụn bánh mì giải cứu”.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)