Triển lãm An Gia - Bình yên trong tâm hồn
Sau những tháng ngày đi xem các tác phẩm trừu tượng diễn tả con người qua những hình hài kỳ lạ, giờ đây mình cảm thấy thật mới mẻ khi có thể ngắm nhìn những bức tranh tả người một cách chân thực nhưng không kém phần mộng mơ ở triển lãm An Gia của họa sĩ Lim Khim Katy.
Họa sĩ Lim Khim Katy sinh năm 1978 ở An Giang, là người dân tộc Khmer. Cô nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010.
Bộ sưu tập An Gia của Lim Khim Katy miêu tả những khoảnh khắc thường nhật của con người: khi ăn, khi ngủ, khi đọc sách,... Không khí trong tranh gần gũi, ấm áp, mang lại cảm giác thanh bình cho tâm hồn. Được lấy cảm hứng từ những cảm xúc, cử chỉ của con người mà tác giả quan sát từ cuộc sống xung quanh, những bức tranh này không có gì phức tạp hay khó hiểu bởi vì chúng được vẽ theo lối hiện thực có pha lẫn một chút siêu thực.
Đối tượng sáng tác của trường phái hiện thực chính là hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người. Trường phái hiện thực tập trung vào việc cho ra đời những bức tranh chân thực, sống động, quen thuộc về cuộc sống xã hội, né tránh những yếu tố hư cấu, tưởng tượng và những yếu tố mang tính siêu nhiên. Trong khi đó, trường phái siêu thực chú trọng thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên bằng cách khai thác những hình ảnh mơ hồ. Trường phái siêu thực ghi chép những trạng thái tâm lý chuyển biến trong tiềm thức, không phân biệt thực hay mộng, đúng hay sai; đặt chủ thể vào những sự vật, sự việc ở trạng thái không thực.
Phần thực được thể hiện ở những hành động, những nhân vật mà ai cũng từng bắt gặp trong đời sống. Phần siêu thực được thể hiện ở background của các bức tranh hoặc phần tóc của các nhân vật, qua đó biểu lộ phần nào cảm xúc của nhân vật trong tranh.
Bằng cách tập trung vào biểu cảm gương mặt và lấp đầy background bằng những hoa văn gạch bông quen thuộc với người Việt Nam, Katy đã đưa mình vào một bầu không khí dễ chịu và hoài cổ, như thể quay về những ngày tháng vô tư lự của thời ấu thơ.
Katy tái hiện những mảnh đời bình dị, một mình hoặc cùng với nhau, được bao trùm bởi màu sắc tươi tắn của sự bình yên, êm dịu của một nhịp sống không hối hả. Trong những hành động mang tính ngắn ngủi và nhất thời, những khuôn mặt này lộ vẻ tươi vui hoặc bình thản, có lúc lại tỏ ra như đang suy ngẫm về điều gì. Các nhân vật trong tranh cho mình thấy một hiện thực rằng giữa bộn bề cuộc sống, con người lúc nào cũng có thể tìm ra cho mình một khoảnh khắc an yên: khi chìm vào giấc ngủ, khi thưởng thức một bữa ăn ngon, hay khi được ủ ấm trong vòng tay cha mẹ.
Sức mạnh hiện thực của các bức tranh là vô cùng thuyết phục nhờ sự chắc tay trong lối truyền đạt của Katy. Khi so sánh với các bức tranh của cô trong quá khứ, mình thấy kỹ năng tả người của Katy đã tiến bộ rõ rệt, khiến cho độ thực của các nhân vật được nâng lên rất nhiều. Phần background tạo ra hiệu ứng về thị giác khiến mình có cảm giác có thể chạm tay vào các nhân vật trong tranh. Tất cả những điều này đã làm nên dấu ấn cá nhân của Katy.
Nghệ thuật của Lim Khim Katy đã chạm tới cảm xúc của mình bởi nó thể hiện một cách chân thật về đời sống con người, về cảm giác thanh thản trong tâm hồn mà con người luôn tìm kiếm.
Cùng mình xem qua một số bức tranh của triển lãm An Gia nhé!
Nguồn ảnh: Craig Thomas Gallery.
Trong bức tranh là một cô bé và một chú chó đang nằm nép mình vào cô bé. Ánh sáng tập trung vào khuôn mặt đang tươi cười của cô bé, nhấn mạnh sự bình yên của toàn thể bức tranh. Phần nền được chia thành hai nửa trên dưới rõ ràng, tạo cảm giác bồng bềnh như trong giấc mơ.
Katy đã phá bỏ ranh giới hình và nền bằng những hoa văn gạch bông, tạo hiệu ứng như thể cô bé trong tranh đang chìm mình vào phần nền, tượng trưng cho giấc ngủ sâu, đắm mình vào tầng vô thức của những giấc mơ.
Người cha đang mỉm cười, chứng tỏ ông đang có một giấc mơ đẹp. Có thể thấy rằng người cha nằm trọn trong phần background có màu sắc tươi sáng, cho thấy rằng khi ngủ, ông cảm thấy bình yên và tránh xa được sự tăm tối của cuộc sống.
Phần background được tạo thành từ vô số những phẩy màu và vòng tròn màu vàng, như thể hai mẹ con trong tranh đang được bao phủ bởi ánh mặt trời ấm áp. Mỗi người chính là ánh mặt trời của người còn lại.
Trong bức tranh là một vị linh mục đang dùng bữa. Sự tối giản trong màu sắc và các chi tiết đã để lại cho mình một khoảng trống để tự tưởng tượng, tự thả trôi vào cùng một dòng suy nghĩ mờ nhạt của nhân vật.
Background được chia thành hai phần rõ ràng cho phần đầu và phần thân của nhân vật, thể hiện hai trạng thái khác nhau: phần thân đang nghỉ ngơi, trong khi phần đầu đang nghĩ ngợi.
Có những giấc mơ thật trong sáng và đẹp đẽ, truyền cho chúng ta cảm hứng để theo đuổi lối sống tích cực. Phần background cho chúng ta thấy những phẩm chất tốt đẹp mà cô bé trong tranh đang hướng đến: “bình tĩnh”, “sáng suốt”, “lắng nghe”, “tha thứ”, “sẻ chia”,...
Vòng tròn màu vàng tượng trưng cho tình yêu và sự bảo vệ của người cha dành cho con gái. Phần background mang lại cảm giác uốn lượn dập dìu mặc dù đó là nhiều ô vuông xếp lại với nhau.
Dựa vào phần nền, phần tóc và chiếc áo của cô bé, mình đoán rằng trong tâm trí của cô bé là sự hòa lẫn của những trải nghiệm ở trường học: bài tập mỹ thuật với những hình vẽ tinh nghịch, bài tập đọc với những chữ cái, bài toán với những con số.
- 2971
- 0Bình luận