logo-maybe-vn
Mở app
Chloe Li
Chloe Li2 năm trước
Fashion

Từ YSL đến Saint Laurent - chất “chic” độc đáo có 1-0-2 đã có màn “thay da đổi thịt” như thế nào?

Lịch sử của Nhà mốt Saint Laurent là một câu chuyện đầy màu sắc, nổi tiếng với bộ lễ phục Le Smoking của Yves Saint Laurent đến cuộc đại tu của Hedi Slimane. Được thành lập vào năm 1961 bởi nhà thiết kế cùng tên, Yves Saint Laurent là một trong những hãng thời trang nổi bật nhất thế kỷ 20. Ban đầu là House of Haute Couture, Yves Saint Laurent đã cách mạng hóa thời trang của phụ nữ hiện đại qua những thiết kế haute couture thanh lịch và độc đáo.

Bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên của Yves được mở đầu bằng một chiếc áo khoác dạ và quần ống rộng ngay lập tức ghi dấu ấn sâu sắc trong giới mộ điệu. 5 năm kế tiếp, dòng thời trang ready-to-wear mang tên Saint Laurent Rive Gauche cũng ra đời để tiếp cận nhiều tệp khách hàng hơn.

Những thiết kế chất lượng, khiến phụ nữ cảm thấy thoải mái và thanh lịch là một trong những lý do giúp Yves Saint Laurent chiếm vị trí cao trong số các thương hiệu thời trang được yêu thích nhất trong lịch sử. Đặc biệt là cách tiếp cận mạnh mẽ, chủ động để xóa nhòa ranh giới giới tính trong thời trang cũng như việc tôn vinh giới tính nữ của Yves Saint Laurent. Tận dụng những món đồ nam tính truyền thống, Yves đã biến đổi chúng thành một loại trang phục nữ mới như một cách thể hiện sự trao quyền. Đó cũng là lúc cuộc cách mạng hóa đã âm thầm diễn ra trong ngành công nghiệp thời trang nói chung và thời trang nữ nói riêng. 

Chất chic riêng của Yves Saint Laurent đã nhận được sự yêu thích rộng rãi của giới mộ điệu lẫn giới phê bình. Một số sáng tạo mang tính biểu tượng nhất của YSL được tôn vinh đến tận ngày nay có thể kể đến như bộ vest tuxedo dành cho phụ nữ, bốt ngang đùi và chiếc váy Mondrian rực rỡ với những đường kẻ đen, lấy cảm hứng từ những tác phẩm nổi tiếng của nghệ sĩ Piet Mondrian.

Đầu tiên là Le Smoking, bộ tuxedo cao cấp đầu tiên dành cho phái nữ nằm trong bộ sưu tập Thu-Đông năm 1966 mang tên PopArt. Với thiết kế tương tự như 3 piece suit của nam giới, bộ suit đã tạo tiền đề cho những mẫu pantsuit hiện đại thường được các celeb chọn diện lên thảm đỏ. Tuy nhiên, khi vừa ra mắt, bộ suit nhận về không ít ý kiến trái chiều. Giới phê bình cho rằng nó thật cứng nhắc và chê bai Yves không theo kịp xu hướng của giới trẻ. Chưa hết, khi định kiến về nữ giới vẫn chưa được “giải phóng”, việc khoác lên mình một bộ cánh giống nam giới giữa chốn công cộng là một hình ảnh khó được công chúng chấp nhận. Vì vậy, âu cũng là một điều dễ hiểu khi những khách hàng thông thường sẽ không bỏ vào giỏ hàng. Nhưng với những người dẫn đầu xu hướng và không ngại điều tiếng như Bianca Jagger, Catherine Deneuve và Nan Kempner thì Le Smoking quả là một thiết kế tuyệt vời. Những tưởng Le Smoking sẽ trôi vào tăm tối nhưng mọi việc dần sáng sủa hơn vào năm 1975. Chính bức ảnh người mẫu nữ diện Le Smoking trên con đường sỏi thiếu ánh sáng ở Paris, được chụp bởi nhiếp ảnh gia thời trang Helmut Newton cho tạp chí Vogue Pháp, đã “cứu vớt” và đảm bảo vị thế biểu tượng của lẫn thiết kế và nhà mốt đến tận ngày nay. 

Kể từ đó, những người kế vị như Tom Ford hay Hedi Slimane cũng đã diễn giải được phần nào tầm nhìn của Yves Saint Laurent. Khi Tom Ford thổi làn gió mới cho thương hiệu với bộ sưu tập đầu tay mang vẻ ngoài đơn sắc, lược bỏ những phụ kiện mà Yves đã làm việc rất chăm chỉ để hoàn thiện. Điều này đã đẩy mối quan hệ giữa hai nhà thiết kế lên bờ vực căng thẳng, Tom Ford nói rằng Yves Saint Laurent không tán thành tầm nhìn của ông đối với thương hiệu, bất chấp sự tán thưởng của giới phê bình và doanh số bán hàng tăng vọt. Sau 16 bộ sưu tập tại Gucci và YSL, năm 2012, ông chính thức bị thay thế bởi Hedi Slimane. 

Mặc dù mỗi người kế nhiệm của Yves Saint Laurent chắc chắn đã ghi dấu ấn của họ đối với nhà mốt, nhưng có lẽ, không ai biến nó trở nên hoàn hảo như Hedi Slimane. Dưới sự lãnh đạo của Slimane, Yves Saint Laurent được đổi tên là “Saint Laurent” và trụ sở chính được chuyển từ Paris đến Los Angeles. Việc tước bỏ chữ “Yves” trong tên thương hiệu đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Đương nhiên đối tượng phải hứng chịu phản ứng dữ dội của giới truyền thông nhiều nhất là Saint Laurent Paris. Đó có lẽ là lý do tại sao Hedi Slimane chọn sống ẩn ở LA và tránh tiếp xúc với báo chí vì tầm nhìn kỳ dị của mình. 

Chính tầm nhìn này là hiện thân của những gì chúng ta biết là "diện mạo" của Saint Laurent ngày nay và nó nhất quán trên cả bộ sưu tập của nam và nữ. Những chiếc áo khoác biker da sang trọng, được làm thủ công đẹp mắt và những đôi bốt lấy cảm hứng từ đá đã trở thành sở trường của nhà mốt. Thêm vào đó là những chiếc váy dạ tiệc ánh kim gợi lại vẻ quyến rũ sắc sảo của những năm 1970 và 1980. Hedi Slimane mang một cách tiếp cận độc đáo vào bản sắc vốn có của YSL. Đặc biệt là xu hướng tuyển chọn người mẫu siêu cao và gầy, gợi nhớ đến thời đại của Kate Moss ‘heroin chic’. Hedi còn tập trung vào phần nhạc trong mỗi show diễn nhằm nhấn mạnh thông điệp phi giới tính. 

Trải qua nhiều “triều đại”, từ Yves, Tom Ford, Hedi Slimane đến nay là Anthony Vaccarello, Saint Laurent vẫn mang hơi thở “chic” mạnh mẽ như ngày đầu và là một thương hiệu hiệu đại diện cho văn hóa giới trẻ, sử dụng những thiết kế cổ điển và nâng tầm chúng lên vị thế cao hơn theo cách nổi loạn và “cool ngầu”.

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1924
Chloe Li
Chloe Li2 năm trước
Fashion

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)