logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đốt Cỏ Ngày Đồng: Chưa đốt đã thấy bụi

Vì toàn bộ “tiểu thuyết” này đã là một đống bụi ngay từ đầu. Không nhiều suy tư đọng lại sau khi tôi sục sạo tay chân tìm kiếm bên trong cuốn sách, như thể bàn tay tôi chỉ chạm vào những hạt bụi vô nghĩa chứ không có gì tinh tuý được giấu sâu bên trong cả. Không có một câu chuyện rõ ràng nào được kể và tôi nghĩ đáng ra cuốn này nên được xếp vào thể loại tạp văn thì hợp hơn là tiểu thuyết.

Tất cả những gì tôi có thể tóm tắt lại sau khi đọc xong cuốn sách này là: Một đoàn làm phim đang trên đà rệu rã đi hết làng này qua làng khác để tìm tư liệu cho một bộ phim, một nhân vật nữ luôn ám ảnh với những câu chuyện và trạng thái băn khoăn không bao giờ dứt về tình yêu của mình, một cô gái tên Q bị bắt vào một nhà chứa ở đường Huyền Trân, một chàng trai trước khi bị đi tù đã để lại cuốn sổ tay cho bạn gái mình - một cuốn sổ khi thì được kể là viết về một phần lịch sử, khi thì được cho là có tên của những kẻ đồng đội có nguy cơ bị vào tù… Những câu chuyện về họ là những màn sương mù bởi cách kể không rõ ràng của tác giả. Nội tâm nhân vật cũng không mang lại cho tôi ấn tượng nhiều vì nhân vật nghĩ quá nhiều nhưng ít hành động và họ chỉ thể hiện sự phản tư ở những vấn đề rất cá nhân và đôi khi cũng rất xa xôi, ví dụ như nỗi buồn của Phật? 

Trong Đốt Cỏ Ngày Đồng, Đoàn Minh Phượng vẫn giữ nhịp kể nhẹ tênh, lạnh lùng và những câu hỏi liên tiếp nhau. Vẫn những suy tư khác thường mang lại cảm giác bâng khuâng cho người đọc nhưng chỉ bâng khuâng vậy thôi và sẽ tan biến ngay khi bạn đọc những trang viết tiếp theo, bởi những chuyện kể trong này gần như không có sự liên kết. Các suy tư được đảo đi đảo lại liên tục, đảo nhiều đến mức bạn sẽ thấy được đỉnh cao của sự “co kéo” các câu chữ thành một đoạn văn dài. Sự mập mờ trong xây dựng cốt truyện cộng với khả năng co kéo vấn đề trong tiểu thuyết khiến tôi cảm thấy mệt mỏi khi đọc cuốn sách mỏng chưa tới hai trăm trang này. 

“Tôi” là ai và câu chuyện đang được kể là của “tôi”, hay là Q, hay “tôi” và Q là một? Không quá ba lần tôi đã tự hỏi như thế vì các liên kết trong từng chương truyện quá rời rạc, thiếu liên kết và mập mờ. Có lúc tôi đọc câu chuyện của “tôi” mà cứ ngỡ là của Q vì có những tình tiết tương đương nhau, nhưng ở những chương sau hai người lại gặp nhau (để làm gì không biết và gặp thế nào?) nên tôi biết phán đoán của bản thân đã sai. Trong màn sương mù mà Đốt Cỏ Ngày Đồng tạo ra, dường như không có một câu chuyện của riêng ai hết. Đây cũng chính là điều khiến tôi bực mình bên cạnh cách xây dựng nhân vật của tác giả. Các nhân vật của Đoàn Minh Phượng thường mang một cảm thức u uất, không ngừng về cuộc đời, tình yêu, nỗi buồn, sự tồn tại hay về trí nhớ (hầu như đều rơi vào trạng thái không thể nhớ gì và liên tục nhắc về việc mình không thể nhớ). 

Cách tác giả để nhân vật lạc lối và cố chấp khiến tôi có cảm giác rất kịch, đặc biệt là chi tiết “tôi” nói chuyện với một nhà tu (có vẻ có xu hướng phá giới, theo những gì tôi quan sát) về việc mình đi làm điếm. Nhà tu cũng không thoát khỏi tạo hình vòng vo khi hỏi nhân vật một câu hỏi mà tôi không biết nên phát biểu cảm tưởng thế nào vì quá cạn lời: “Tôi nghĩ ở xứ này không ai ba mươi hai tuổi mới bắt đầu đi làm điếm”. Không chỉ thế, những đoạn hội thoại của hai người ở các chương sau cũng vừa kịch vừa vô nghĩa. Cả hai tạo cho tôi cảm giác siêu mệt khi phải chứng kiến một người cứ quay đi quay lại một vấn đề và người còn lại thì buộc phải hùa theo. Trong cuốn này, Đoàn Minh Phượng cũng nói rất nhiều về những băn khoăn gắn với Phật và đạo Phật nhưng (một lần nữa) đều không đi đến đâu cả.

Sự cường điệu hoá trong cách nói chuyện lẫn diễn giải nội tâm nhân vật không làm câu chuyện thêm phần kịch tính hay bí ẩn. Bởi cốt truyện của tiểu thuyết này đã bị tác giả đập cho vỡ vụn, không theo một hình thù, và cũng chẳng có một thứ cột sống khả dĩ nào để các chi tiết cùng bám vào một lằn ranh thống nhất. Vốn có ấn tượng với Đoàn Minh Phương sau khi đọc Và Khi Tro Bụi, nhưng Đốt Cỏ Ngày Đồng khiến tôi thất vọng vô cùng và sau tiểu thuyết này, có lẽ tôi sẽ dừng không đọc Đoàn Minh Phượng nữa.

Thay cho lời kết về bài viết dành cho một cuốn sách không đầu không cuối: Thật may nó chỉ có 167 trang. Tôi không muốn đọc tiếp sang trang thứ 168 khi không thể hình dung được diễn tiến câu chuyện và các móc nối phi logic bên trong. 

Đánh giá cá nhân: 1.5/5. Cả cuốn sách này là một đống bụi vô nghĩa và là một đống bụi khiến tôi phát bực vì sự co kéo có vẻ nguy hiểm trong suy tư nhân vật.

Ps. Có lẽ người bình thường duy nhất là ông chủ hiệu sách xuất hiện ở đầu. Ông là người giữ lại cuốn sách “tôi” giấu đi ở một góc khuất với ý định sẽ quay lại mua nó sau. Cũng chính ông đưa cuốn sách cho “tôi” khi cô quay lại, ngỏ ý sẽ bán cho cô giá rẻ thôi. Và rồi ông nhận được một câu hỏi:

“Tôi mua cuốn sách này để làm gì?”

“Nó là một cuốn sách quý.”

“Nó quý chỗ nào?”

“Cô không biết đọc sách thì đến đây để làm gì?”

Tình tiết này không chỉ khiến tôi bật cười vì câu trả lời của ông chủ tiệm, mà còn vì ông đã từ chối gia nhập cuộc hội thoại co kéo lật đi lật lại một vấn đề của “tôi”. Nếu những trang sau cũng có nhiều cú đập như thế, có lẽ cuốn tiểu thuyết này sẽ sáng rõ hơn?

  • 2558
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1592
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)