logo-maybe-vn
Mở app

Kim Các Tự - Nỗi ám ảnh về cái đẹp

Vào ngày 2/7/1950, ngôi chùa Kim Các Tự - bảo vật quốc gia hơn 500 năm tuổi ở Kyoto - bị một tiểu tăng tên là Hayashi Yoken đốt cháy. Dựa trên sự kiện gây chấn động cả nước Nhật này, Mishima Yukio - một nhà văn và nhà biên kịch Nhật Bản, người từng được đề cử giải Nobel Văn chương ba lần - đã viết nên tác phẩm Kim Các Tự để lí giải động cơ phóng hỏa của vị tiểu tăng.

Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, xưng “tôi”. Nhân vật “tôi” tên là Mizoguchi, một thiếu niên mắc tật nói lắp. Việc không thể nói năng trôi chảy khiến cho cậu thu mình lại và trở nên xa cách với thế giới xung quanh. Cũng chính vì thế mà thế giới nội tâm của cậu trở nên sâu sắc và phức tạp. Cậu tự cho rằng tật nói lắp biến cậu thành người đặc biệt, như thể có một sứ mệnh lớn lao mà chỉ mình cậu thực hiện được.

Cha của Mizoguchi là một thầy tu ở Maizuru. Từ nhỏ, cậu đã được nghe cha kể về ngôi chùa Kim Các Tự xinh đẹp ở Kyoto. Trong trí tưởng tượng của Mizoguchi, Kim Các Tự là sự hiện diện của một cái đẹp vô song mà không vẻ đẹp nào khác có thể sánh bằng. Khi nhận thấy bệnh tình của bản thân trở nặng, người cha dẫn Mizoguchi đến Kim Các Tự để gửi gắm con trai cho Hòa thượng trụ trì. Sau khi nhìn thấy Kim Các Tự ở đời thực, Mizoguchi đã thất vọng vì đó chỉ là một ngôi chùa tầm thường, không giống như trong tưởng tượng của cậu. “Nó chỉ là một tòa kiến trúc ba tầng cổ kính, tối tăm, và nhỏ bé. Con phượng hoàng trên nóc trông giống như một con quạ khoang hạ cánh xuống đó để nghỉ ngơi”.

Sau khi cha mất, Mizoguchi được Hòa thượng trụ trì cho làm chú tiểu trong Kim Các Tự. Hằng ngày, cậu dành rất nhiều thời gian để ngắm nghía ngôi chùa và dần dần cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Mizoguchi bị ám ảnh đến mức khi nhìn thấy cái gì đẹp cậu cũng đem ra so sánh với Kim Các Tự. Lên đại học, Mizoguchi tập tành chơi bời với phụ nữ như một nỗ lực để hòa nhập với cuộc sống của người bình thường. Thế nhưng, mỗi khi sắp làm “chuyện ấy”, Mizoguchi lại nghĩ đến Kim Các Tự và mất hứng với phụ nữ. Nói cách khác, cậu bị vẻ đẹp của Kim Các Tự trói buộc.

Vì sao trong lần đầu tiên thấy ngôi chùa, Mizoguchi nghĩ nó xấu xí, nhưng sau đó lại bị ám ảnh đến mức tôn thờ vẻ đẹp của nó? Có lẽ đó là “bản năng tự vệ” của cái đẹp. Nó khoác lên mình lớp vỏ tầm thường để né tránh những hiểm nguy từ bên ngoài, nhất là trước những kẻ yếm thế giống như Mizoguchi. Nhưng cho dù có bản năng tự vệ, Kim Các Tự cũng chỉ là một vật vô tri, không thể ẩn nấp mãi mãi, cũng không thể tránh khỏi bàn tay phá hoại của con người. Cuối cùng, Mizoguchi đã phóng hỏa đốt chùa để tự giải thoát mình khỏi sự giam hãm trong cái đẹp của Kim Các Tự.

Để sáng tác nên cuốn sách này, tác giả đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu về Kim Các Tự, thậm chí ghé thăm Hayashi Yoken trong nhà lao để có thêm tư liệu viết sách. Nhờ đó, ông có thể giúp cho người đọc mường tượng ra ngôi chùa một cách sống động, đồng thời dẫn dắt người đọc theo sát diễn biến nội tâm của nhân vật. Sự kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu bối cảnh cộng với sự chắc tay trong việc truyền tải triết lý cá nhân đã tạo nên câu chuyện “đốt chùa” vừa gần với đời thực vừa mang đậm màu sắc riêng biệt của tác giả. 

Bối cảnh của tác phẩm là năm 1950, khi Mỹ đang chiếm đóng Nhật Bản. Nỗi e sợ rằng những gì thuộc về truyền thống, về cái đẹp của Nhật Bản có nguy cơ bị lai tạp hay bị đạp đổ bởi luồng văn hóa ngoại nhập là hoàn toàn hợp lý. Mishima vốn cho rằng “Đẹp là cái gì tàn bạo, dũng mãnh để đi tới chỗ tự huỷ hoại hoặc bị hủy hoại.” Vì vậy, Mishima để cho nhân vật Mizoguchi đốt Kim Các Tự có lẽ không chỉ để giải thoát cậu ta khỏi sự cầm tù của ngôi chùa, mà còn để ấn tượng đẹp đẽ nhất về nó in sâu trong tâm trí cậu, bảo vệ cậu khỏi hình ảnh mục nát của ngôi chùa sau này. Sự hiện hữu của cái đẹp trong tâm tưởng của kẻ tôn thờ còn thiêng liêng và trường tồn hơn cả sự hiện hữu vật chất của chính nó, và đó là cách mà văn hóa được gìn giữ. 

Cho dù là miêu tả cảnh hay miêu tả tâm lí, văn phong của Mishima lúc nào cũng hết sức đẹp đẽ và không kém phần phức tạp, trừu tượng, nhiều tầng nghĩa. Chính vì thế mà có lúc mình thấy hấp dẫn, có lúc lại thấy nản lòng vì càng về sau, mức độ trừu tượng của cuốn sách càng tăng lên. Mình cũng không có chút kiến thức nào về Thiền học, nên việc hiểu hết những gì Mishima viết là không thể. Mặc dù vậy, mình không thể phủ nhận rằng Kim Các Tự là minh chứng cho tài năng xuất sắc của Mishima trong việc diễn giải câu chuyện lịch sử bằng bản sắc cá nhân với mức độ trau chuốt tuyệt đỉnh.

Chấm điểm: 8/10.

  • 3095
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
496

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)