logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Chốn Cô Độc Của Linh Hồn: Quá khứ đã vận hành và tác động lên con người như thế nào?

Yiyun Li là một nhà văn khá đặc biệt. Bà sinh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sau đó đến Mỹ vào năm 23 tuổi. Toàn bộ các tác phẩm của Yiyun Li đều được viết bằng tiếng Anh và có rất ít trường hợp được dịch, phát hành tại quê hương. Nhưng dù vậy, ký ức và trải nghiệm từ một thế hệ trẻ lớn lên giữa xã hội Trung Quốc đầy biến động hầu như không hề bị phân tách khỏi các sáng tác của bà. Chốn Cô Độc Của Linh Hồn cũng không ngoại lệ. Khi trả lời phỏng vấn với tờ The Guardian, Yiyun Li đã nói: “Đó là câu chuyện của thế hệ chúng tôi, là những gì chúng tôi đã trải qua.”

Tiểu thuyết lấy bối cảnh sau khi sự kiện biểu tình tại Thiên An Môn bị dập tắt. Nhưng bối cảnh lịch sử không được Yiyun Li tái hiện lại chi tiết hoặc sử dụng để mô tả lại tinh thần đại đoàn, mà bà tập trung đào sâu tâm thức con người cá nhân, từ đó phác ra diện mạo của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc đang từng bước thoát khỏi tinh thần tập thể truyền thống - thứ liên kết bền chặt như Yiyun Li đã mô tả là “từ bữa sáng trở đi, giống như một thứ của chung, chuyện của người này can hệ đến người kia”. 

Tiểu thuyết xoay quanh sự kiện một cô gái trẻ tên là Tiểu Ái bị đầu độc. Tai nạn này đã ảnh hưởng đến cuộc đời ba người bạn của cô. Hai trong ba người đã chuyển đến Mỹ, không hề quay lại quê hương trong suốt hơn hai mươi năm sau đó. Người còn lại vẫn ở Bắc Kinh và nhận lấy trách nhiệm chăm sóc Tiểu Ái nhưng cũng có đời sống khá hờ hững và thiếu đi các liên kết tình cảm bền chặt. Từ đây, Yiyun Li phơi bày sự lạc lõng và cô đơn của một thế hệ trẻ đã có ý thức tự phản nhưng cũng không đủ can đảm để dấn thân. Ba người bạn của Tiểu Ái đều lựa chọn lùi một bước trước sự kiện của cô nên đồng thời, họ cũng tự lưu đày mình trong dòng thác ký ức không thể xoá nhoà. Sự cô đơn sinh ra, bị giữ chặt trong tâm hồn họ và họ không thể chia sẻ với ai. 

Trong toàn tiểu thuyết, chỉ có Tiểu Ái là người trực tiếp dám nhắc đến cuộc biểu tình Thiên An Môn và bản thân cô cũng là người tham gia biểu tình, vì thế mà ai cũng lo sợ rằng Tiểu Ái sẽ bị loại khỏi hệ thống - tức môi trường tập thể an toàn mà họ đang sống. Nhưng cũng chính với hành động dấn thân của mình, Tiểu Ái là người duy nhất bứt phá một cách (gần như) toàn diện khỏi những khung kìm được xây dựng dựa trên niềm tin của thế hệ đi trước. 

Với mình, Chốn Cô Độc Của Linh Hồn thú vị ở chỗ Yiyun Li mô tả nỗi cô đơn trong rất nhiều hình dạng, nhiều hoàn cảnh và từ đó, tác giả nêu lên cách quá khứ vận hành lẫn tác động lên một con người. Ba người bạn của Tiểu Ái đều có cuộc sống tự chủ sau này, nhưng họ cũng đồng thời tự lưu đày mình trong dòng thác quá khứ. Ở một mức độ nào đó, biến cố của Tiểu Ái đã tác động và thay đổi con người họ. 

Không chỉ mô tả qua những người trẻ, sự cô đơn thầm lặng của người thuộc thế hệ đi trước cũng được Yiyun Li khám phá để chỉ mặt tiêu cực của tinh thần tập thể. Mình vẫn không thôi ám ảnh với hình ảnh ông nội Tiểu Ái. Ở tuổi gần đất xa trời, ông sống trong một căn phòng hết sức tối giản, bị bệnh tật giày vò và mất khả năng hoạt động. Một con người từng kinh qua nhiều biến động và cuộc Cách mạng ở quá khứ, bỗng chốc dễ dàng bị rơi vào lãng quên bởi chính tập thể mà ông từng sống. Họ nhìn ông như “một ông lão sắp chết”, “một nhúm xương bọc da”, thậm chí họ chối bỏ căn tính vốn có của ông và nói với nhau rằng, “đừng nên nhầm ông với người thật”. Từ đây, Yiyun Li chỉ ra sự mong manh của con người cá nhân đối với tập thể. Chúng ta có thể dễ dàng tự đồng bộ mình với người khác nhưng đồng thời, người khác cũng thật dễ dàng để từng bước xoá bỏ sự hiện diện của ta - nếu ta không còn trở nên giống họ được nữa. 

Đây là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi mình không thích và không quá ấn tượng với bất kì một nhân vật nào, dù Yiyun Li xây dựng hệ thống nhân vật khá độc đáo và không có sự lặp lại (nên thật “kì diệu” khi mình không thích nổi một ai). Những người trẻ trong này đều có xu hướng vượt thoát khỏi tinh thần tập thể truyền thống, nhưng họ cũng có một sự thờ ơ và vô tâm sinh ra từ hành trình trốn tránh quá khứ trong cô đơn. Mình đọc Chốn Cô Độc Của Linh Hồn khá chậm. Yiyun Li liên tục đẩy nhân vật vào dòng thác ký ức và để họ sống giữa lằn ranh của thực tại và quá khứ, các góc kể hay những câu chuyện đan xen chừng như trở nên phi tuyến tính. Vì thế mà trong quá trình đọc, khi thì mình bị lạc vào ký ức của nhân vật, khi thì mình bị kéo lại cuộc sống hiện tại của họ. Bị dắt qua dắt lại như vậy cũng khá mất thời gian để mình chuyển hướng tập trung. 

Điều thú vị khác nữa mà mình tìm được ở tiểu thuyết này là sự đối chọi giữa con người cá nhân và tinh thần tập thể. Nhưng khi viết về vấn đề này, Yiyun Li cũng đồng thời nêu lên vấn đề con người cá nhân khi dấn thân và có những lựa chọn tự do - sự tự do không bao giờ có thể tách khỏi trách nhiệm đi kèm, nếu không, con người sẽ vĩnh viễn tự lưu đày mình và không thể vươn lên để đạt được sự đích thực. Đây là điều khiến mình hài lòng và cảm thấy tất cả các vấn đề được nhắc đến trong tiểu thuyết đều có sự cân bằng. Khi mà hiện nay có rất ý kiến rao giảng về sự tự do, lý trí, và quyền tự quyết cá nhân mà bỏ quên trách nhiệm thì Chốn Cô Độc Của Linh Hồn đã trỏ thẳng tới cái đích cuối cùng tạo nên ý nghĩa của một con người: Tự do lựa chọn và tinh thần gánh vác trách nhiệm với lựa chọn của mình. 

Đánh giá cá nhân: 3/5

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1039
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)