Như Một Hoài Niệm - Nỗi niềm hoài cổ qua ánh sáng kỳ diệu của màu nước
Ở Việt Nam, người ta thường đánh đồng tranh màu nước với những bức tốc họa, diễn họa, những bức tranh không có nhiều giá trị. Đứng trước quan điểm đó, họa sĩ Đoàn Quốc đã lựa chọn vẽ tranh màu nước để mang lại sự đổi mới cho dòng tranh này. Theo mình, anh đã thực sự thành công trong việc thay đổi quan điểm của người xem về sự quan trọng của màu nước qua triển lãm Như Một Hoài Niệm.
Họa sĩ Đoàn Quốc sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi, đang học tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh bắt đầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2014, đã đạt được một số giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác tranh màu nước và nhiều lần tham gia triển lãm màu nước quốc tế IWS. Như Một Hoài Niệm chính là triễn lãm cá nhân đầu tiên của anh.
Các tác phẩm màu nước của Đoàn Quốc thể hiện sự trăn trở của một người đương thời về khát vọng âm thầm của những thân phận con người trong quá khứ. Trong bộ tranh này, Đoàn Quốc không dùng hình ảnh con người, mà mượn đồ vật, con vật, hoa lá để kể câu chuyện của con người. Anh không chủ ý thể hiện nét văn hóa cụ thể của thời đại nào, mà tập trung vào việc tạo ra bầu không khí hoài cổ.
Những bức tranh như được phủ một lớp ánh sáng mờ ảo, mang lại cho mình cảm giác khoan thai, mơ màng như lạc vào một không gian cổ tích nơi lầu son gác tía, nơi những căn buồng sang trọng của cậu ấm cô chiêu thời xưa. Đoàn Quốc thể hiện sự quan tâm đến tinh hoa văn hóa Việt Nam bằng những chi tiết như hoa văn của các làng gỗ truyền thống, gốm sứ cổ truyền, tranh dân gian,... Hoa cũng xuất hiện rất nhiều trong tranh của Đoàn Quốc. Anh cho biết anh thích vẽ hoa, đặc biệt là những loài hoa có sự gắn kết mật thiết với đời sống người Việt.
Mình thích thú trước sự tỉ mỉ của Đoàn Quốc trong việc vẽ những hoa văn tinh xảo trên đồ gỗ và đồ gốm. Cách anh thể hiện ánh sáng trong tranh cũng rất ấn tượng. Anh đã chạm tới sự biểu đạt màu nước một cách hoàn thiện, làm cho màu nước không thua kém khi đặt lên bàn cân với những loại màu khác.
Cùng mình xem qua một số bức tranh trong triển lãm Như Một Hoài Niệm nhé!
Những hoa văn tinh xảo khắc trên gỗ và những bình gốm Bát Tràng mang lại vẻ sang trọng cho cả căn phòng, nhưng tông màu nâu mang lại không khí ngột ngạt, buồn tẻ. Những cánh bướm mỏng manh trở nên lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời yếu ớt xuyên vào phòng. Có vẻ như chúng muốn bay tiến tới gần hơn với mặt trời, nhưng chẳng thể nào làm được vì đôi cánh mỏng manh của chúng có thể bốc cháy bất cứ lúc nào. Chúng tượng trưng cho khát khao của những cô gái muốn thoát khỏi cảnh khuê phòng chán chường, nhưng lại bị định kiến xã hội kìm kẹp.
Nhìn kỹ, ta thấy cái bóng của lồng chim hắt trên sàn, cho thấy rằng bầy chim đã thoát ra khỏi lồng và được tự do. Bức tranh “Bà Triệu cưỡi voi” hiện ra thật sống động trong mắt của bầy chim, như thể chúng cũng muốn giống như Bà Triệu, muốn trở nên mạnh mẽ và làm được điều gì đó thật to lớn.
Có lẽ chủ nhân của khuê phòng này ước được như loài chim tung bay trên trời, không còn phải ngắm nhìn bầu trời qua cửa sổ của căn buồng kín nữa.
Bức tranh vẽ góc đèn sách của một đấng nam nhi. Trên bàn chỉ có sách vở, bút mực, tráp đựng giấy tờ, và một bức tượng sĩ tử cưỡi ngựa trên đường “vinh quy bái tổ”. Bức tượng ấy có lẽ là để nhắc nhở chủ nhân của nó phải cố gắng học hành đỗ đạt để có được sự nghiệp ổn định và làm rạng danh dòng tộc.
Những tờ giấy vương vãi cho thấy người sĩ tử đã mỏi mệt, nhưng nhìn chung góc thư phòng vẫn rất ngăn nắp, có lẽ là vì người con trai ấy không dám vứt bỏ hai chữ công danh.
Trong bức tranh là ước mơ của con người Việt Nam từ cổ chí kim: có một cái Tết an khang, sung túc. Nhành hoa đào, bao lì xì đỏ, tranh cá chép thể hiện sự đủ đầy, thịnh vượng. Đặc biệt, tranh cá chép tượng trưng cho tài lộc, thăng quan tiến chức và sức khỏe dồi dào.
Vẫn là khung cảnh ngày Tết với bao lì xì đỏ, hoa cúc và cặp tranh “Vinh hoa - Phú quý”. Cặp tranh ấy mang ý nghĩa chúc tụng cho gia đình có được một cuộc sống giàu sang, phú quý, con cái tròn đầy, có trai, có gái. Nhìn chung, đó vẫn là quan niệm về cuộc sống gia đình hạnh phúc của nhiều người Việt Nam từ trước tới nay.
Bộ tranh “Tố Nữ Đồ” trên bức tường tượng trưng cho nét duyên dáng, vẻ đẹp và tài năng của người phụ nữ Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho gánh nặng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi họ bị trói buộc trong những tiêu chuẩn “cầm kỳ thi hoạ”, “công dung ngôn hạnh”
- 3095
- 0Bình luận