logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Một Thạch Lam rất khác trong Sợi Tóc

Đã rất lâu kể từ khi rời khỏi giảng đường đại học và bắt đầu cuộc đời người lớn, tôi đã luôn muốn tự thưởng cho mình vài giờ tạm dừng ngắn ngủi để suy ngẫm lại những gì đã trải qua. Một nút dừng, một nốt trầm, một khoảng lặng, bạn gọi sao cũng được. Tôi muốn tìm đến nó mỗi khi khó khăn, mỗi khi cần phấn chấn tinh thần. Mỗi khi buồn, tôi cũng muốn tạm dừng. Mỗi khi vui, cũng phải tạm dừng. Để làm gì ư? Để nghỉ ngơi, để trí óc thanh thản. Đôi khi, còn còn để lưu lại một khoảnh khắc quý giá, một kỉ niệm đáng nhớ, cốt sao mãi mãi không quên. Và Sợi Tóc của Thạch Lam chính là một cuốn sách ẩn chứa nhiều khoảng lặng như vậy. 

Khi chạm tay vào cuốn sách này, bỗng dưng tôi thấy cả một thế giới kì lạ hiện ra sừng sững: một thế giới nơi niềm vui và nỗi buồn đều ngưng tụ cùng vào một thời khắc tuyệt đẹp. Ở đó đang dậy mùi hoàng lan của tuổi ấu thơ. Ở đó có nỗi buồn của mối tình đầu lỡ dở, có một đêm ba mươi ấm cúng của những phận đời trôi dạt, có cả niềm hoài niệm tuổi xuân của người phụ nữ làm nghề hàng xén. Cũng có lúc, niềm hưng phấn và những trăn trở suy tư cùng xuất hiện trong một khoảnh khắc tội lỗi vụt qua cũng đủ khiến tôi được một phen hồi hộp đến thót tim, như Thành khi lần đầu ăn trộm trong truyện Sợi Tóc.  

Thạch Lam ra mắt công chúng tập Sợi Tóc vào năm 1942, vào thời điểm này ông đã cận kề cái c.h.ế.t vì căn bệnh lao phổi. Với chỉ vỏn vẹn 5 truyện ngắn, cuốn sách đập vào mắt tôi với hình hài nhỏ bé, mỏng manh đến dễ sợ, nhưng vẻ ngoài nhỏ bé hóa ra lại để che giấu sự lớn lao bên trong. Như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nói, những truyện ngắn trong Sợi Tóc xứng đáng được xếp vào hàng những đoản thiên tiểu thuyết hay nhất trong văn chương Việt Nam. Mỗi truyện ngắn đều là một lần ông thử nghiệm, tìm tòi và xây dựng một lối đi tách bạch hẳn phong cách trữ tình truyền trống. Đọc Sợi Tóc như diện kiến một Thạch Lam khác biệt: một con người trầm tư, băn khoăn trong những suy nghĩ trăn trở về con người, thời thế. 

Lòng tôi cứ dâng lên một nỗi buồn nhè nhẹ mỗi lần lướt sang một truyện mới. Buồn vì cảnh đời, cảnh người. Buồn vì giọng văn hồn nhiên trong sáng bấy lâu nay của Thạch Lam nay đã có thêm dư vị ngọt bùi đắng cay. Thạch Lam miêu tả những khoảnh khắc đời thường êm như ru, nhưng sao mà man mác nỗi buồn. Ông chỉ nhẹ chạm đến rồi thôi, nhưng nhẹ vậy mà lòng người cứ cảm giác tê tê một cách khó tả, khó nói thành lời. 

Phải chăng, khi con người càng cận kề sinh tử thì họ trở nên sầu đời hơn, già dặn hơn ư? Và có lẽ, Thạch Lam vào thời điểm đặt bút viết Sợi Tóc chính là như vậy. Khác với những Gió Đầu Mùa, Nắng Trong Vườn trước đó, trong Sợi Tóc, ông đã không còn đứng ngoài những câu chuyện của mình nữa. Ông đã nhập vào họ, vào anh Thành, vào cô hàng xén, vào chị em giang hồ, để một lần dấn thân chiêm nghiệm những góc khuất u tối của cõi nhân sinh. 

Thật vậy, khi đọc Sợi Tóc, tôi được biết rằng một kẻ trộm như anh Thành ấy thế mà cũng không hẳn là kẻ xấu xa hoàn toàn, rằng trong anh vẫn còn vá víu chút mầm mống thiện lương. Dõi theo câu chuyện của anh làm tim tôi cảm thấy hồi hộp, pha lẫn phấn khích như đang đọc một truyện trinh thám giật gân thực thụ, để rồi đến khi kết thúc, tôi lại thấy xúc động, thấy sướng rơn trước sự đắc thắng của lương tri. Khi đọc Cô Hàng Xén, tôi biết rằng cô là một thiên sứ giáng trần khi đã hy sinh tương lai xán lạn, từ bỏ cuộc sống hạnh phúc để cha mẹ và các em được ăn no mặc ấm. Dẫu cho cuộc đời cô không được như ý, nhưng khi nhìn thấy nụ cười hằn lên đôi môi mỗi người thân của mình, cô bỗng chốc lại trở về dáng vẻ người thiếu nữ hạnh phúc thuở nào. 

Thạch Lam không ngần ngại úp mở mặt sáng và góc tối nơi con người, nhưng đến cuối cùng ông vẫn chọn tin vào bản chất lương thiện nơi thẳm sâu trong tim họ. Nói đúng hơn, ông để các nhân vật tự do trong câu chuyện của mình. Tự đấu tranh. Tự truy vấn. Tự chọn lựa. Là người đứng sau cánh gà, Thạch Lam đóng vai một người dẫn đường thầm lặng, dùng lời văn mà lay động tâm hồn họ và cả tâm hồn người đọc. Để đến cuối cùng, mỗi câu chuyện của ông, dù buồn hay vui, đều khép lại nhẹ nhàng, hướng thiện, đầy tươi sáng trong lòng độc giả.

Sợi Tóc là một áng văn thánh thiện, giàu sức lay động và thấu hiểu với những tình cảnh éo le của con người. Thạch Lam đã viết nên những câu văn giàu chất thơ như cất lên tiếng lòng thương xót cho những đau đớn, bất hạnh, bi kịch và nỗi tuyệt vọng của con người đồng thời khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Một màn chốt hạ sự nghiệp đầy ấn tượng với dư âm còn vang vọng đến ngày nay. 

ĐÁNH GIÁ: 4/5 

21/5/2022 

  • 3136
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
803
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)