logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r3 năm trước
Reading

Nhảy Nhảy Nhảy: “Khi cậu đã chọn một con đường thì phải theo nó đến cùng mới được.”

Lâu lắm rồi mình mới quay lại viết review sách của ông bác, chắc tại dạo này lười đọc sách dày. Lần này mình đọc Nhảy Nhảy Nhảy - phần truyện nằm tiếp sau Cuộc Săn Cừu Hoang, nhưng có vẻ nội dung cũng chẳng liên quan với nhau mấy. So với các cuốn khác thì mình thấy bầu không khí trong Nhảy Nhảy Nhảy khá nhẹ nhàng. Murakami từng nói ông viết cuốn tiểu thuyết này để cân bằng lại sau thành công không ngờ tới của Rừng Nauy, chắc vì thế nên nó dễ đọc hơn hẳn.

“Cuộc sống của tôi là của tôi, cuộc sống của bạn là của bạn. Chỉ cần bạn hiểu rõ mình đang tìm kiếm cái gì thì bạn cứ việc sống theo ý nguyện của bản thân. Người khác nói gì cũng hãy mặc kệ.”

Một anh freelancer đâu đấy trên ba mươi tuổi, có cuộc sống bận rộn, nhàm chán (theo anh ta tự thấy thế) nhưng luôn được sắp xếp gọn gàng. Đã ly dị vợ, cũng từng trải qua dăm ba mối tình không quá đáng nhớ. Nói chung là một kiểu nhân vật chính điển hình của Haruki Murakami. Theo đúng motif thì sẽ có biến cố gì đấy lôi nhân vật chính ra khỏi cuộc sống thường nhật, và tất nhiên quyển này không phải là ngoại lệ. Những giấc mơ gợi anh ta nhớ về một cô gái trong quá khứ và dẫn anh vào một cuộc hành trình kì lạ xen giữa hư cấu và thực tại. Nhân vật “tôi” quay lại nơi anh từng đến trong quá khứ - khách sạn Cá Heo.

“Một khách sạn bí ẩn. Nó gợi cho tôi liên tưởng đến trạng thái ngưng trệ trong quá trình tiến hóa của sinh vật. Một sự thoái hóa gien. Một sự cố quái đản của tự nhiên đã khiến vài sinh vật lạc lối, không đường trở lại. Vector tiến hóa đã biến mất, thể sống mồ côi bị bỏ lại run rẩy đằng sau tấm màn lịch sử, tại Miền Đất Bị Thời Gian Lãng Quên. Và không phải lỗi tại ai. Không ai chịu trách nhiệm, không ai cứu vớt nó.”

Trong cuộc hành trình tìm lại những thứ “bị bỏ quên”, anh ta bắt gặp những người tưởng chừng không liên quan nhưng cuối cùng lại “đều có liên hệ với nhau”.

Yuki – một cô bé mới 13 tuổi nhưng đã có những suy nghĩ của người trưởng thành.

Gotanda – cậu bạn học cũ nay đang làm diễn viên, có một cuộc sống với bề ngoài hào nhoáng nhưng thực ra rất cô đơn và mệt mỏi.

Yumiyoshi – cô tiếp tân ở khách sạn Cá Heo, cực kì không thích sự thay đổi trong cuộc sống hay công việc.

Kiki – cô gái có hình bóng ẩn hiện xuyên suốt truyện và đến tận cuối cũng không có cái kết rõ ràng.

Chẳng ai trong số họ quen biết nhau, điểm chung duy nhất có lẽ là cùng quen biết nhân vật “tôi” và cùng chung một cảm giác lạc lõng giữa thế giới. Có người thiếu tình cảm gia đình, có người mệt mỏi vì tình yêu, có người lại tự tách mình khỏi những người khác. Mỗi người ôm một nỗi đau riêng nhưng lại được kết nối với nhau trong một thế giới mơ hồ nào đó. Thế giới dành riêng cho những kẻ cô đơn của Haruki Murakami. Với mình nỗi cô đơn do ông viết bao giờ cũng vô cùng chân thực và dễ chạm đến cảm xúc người đọc. Dù câu chuyện ấy có bao nhiêu yếu tố phi lý, có bao nhiêu tình tiết hư cấu thì tâm trạng cô đơn mà các nhân vật truyền tải vẫn luôn rất thật.

“Bạn cần phải làm một người trưởng thành, không được phép có cảm xúc, cũng không được phép ngoảnh đầu nhìn lại. Đi ra ngoài cuộc sống để nhìn ngắm nhiều hơn. Bạn phải nghe lời, ‘Không phải tất thảy mọi chú cá đều bơi trong cùng một khoảng biển.’.”

Có một phân đoạn mình rất thích là khi “tôi” và cô bé Yuki cùng đi nghỉ hè ở đảo, đó chỉ là một khoảng thời gian ngắn nhưng rất tuyệt vời (nếu không tính đến những món quà “bất ngờ” từ bố Yuki). Một người đàn ông 34 tuổi và một cô bé 13 tuổi cùng nhau dạo biển, uống cafe, cùng trải qua những ngày chỉ đơn giản là “không muốn làm gì”. Những ngày trôi qua thật nhẹ nhàng, đơn giản và có cảm giác rất “healing”. Mình cũng muốn có được một chuyến đi như thế, chỉ một mình mình cũng được và mình nghĩ nhiều độc giả khác cũng vậy. Đó sẽ là khoảng thời gian cho phép chúng ta bỏ lại hết những áp lực sau lưng.

Dựa trên bối cảnh trong truyện thì có thể thấy đây là khoảng thời gian nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phát triển, tốc độ công nghiệp hóa cao dẫn đến đời sống tinh thần của con người cũng thay đổi. Ví dụ như khách sạn Cá Heo và quang cảnh vùng Sapporo, nhân vật “tôi” gần như không nhận ra nơi cũ vì quang cảnh đã thay đổi quá nhiều. Các nhà cao tầng, đô thị mọc lên nhanh chóng đã xóa đi gần hết những ấn tượng trong quá khứ.

Dòng chảy của sự phát triển buộc người ta phải thích nghi với sự vội vã của nó, nếu chậm chân thì bạn sẽ bị bỏ lại. Nó đẩy con người đi nhanh hơn và cũng đẩy họ cách xa nhau hơn. Như khi “tôi” dẫn Yumiyoshi đi đến căn phòng của Người Cừu, họ đã lạc mất nhau chỉ vì một lần lỡ buông tay. Thử nghĩ thì sẽ thấy thế giới của chúng ta giờ cũng thế, thật khó để giữ chặt một ai đó khi dòng chảy của cuộc sống càng ngày càng nhanh.

“Tôi vẫn luôn cho rằng con người sẽ chầm chậm mà già đi, thật ra thì không phải như vậy, con người đều sẽ già đi trong nháy mắt.”

Đánh giá cá nhân: 4.5/5 

Hoàng Linh

  • 2558
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1564
hoanglinh.r
hoanglinh.r3 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)