logo-maybe-vn
Mở app

Những câu chuyện siêu nhiên trong Tử Cấm Thành

Từ xưa tới nay, Tử Cấm Thành luôn được coi là một chốn tồn tại linh thiêng và chiếm một vị trí không thể thay thế trong lòng người dân Trung Quốc. Trên diện tích 720.000 mét vuông, với hơn 70 cung điện và hơn 9.000 căn phòng, nơi đây đã chứng kiến sự thăng trầm của cả hai triều đại là nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời cũng là nơi lưu truyền rất nhiều sự kiện siêu nhiên mà tới nay khoa học vẫn chưa thể giải thích nổi.

Muốn hiểu rõ về Tử Cấm Thành thì trước tiên phải tìm hiểu về phong thủy của nó. Tương truyền, núi Côn Lôn ở Trung Quốc là tổ tiên của tất cả các ngọn núi trong đất nước này, đồng thời cũng là nơi khởi nguồn của tất cả các vân rồng. Lấy dãy núi Côn Lôn làm điểm xuất phát, ba đường vân rồng chính và các nhánh long mạch ở phía Đông, Nam và Tây đã được phát triển, thành phố Bắc Kinh nằm ở nhánh xa của long mạch phía Đông. Tử Cấm Thành là nơi tọa lạc của long mạch ở Bắc Kinh, tức Tử Cấm Thành là nơi có các hang rồng.

Trong Tử Cấm Thành, từ năm 1420 đến năm 1910, cung Càn Thanh luôn có chủ, không chỉ trấn áp được Long hồn mà còn thu phục được ý dân nên ít có chuyện lạ xảy ra. Hầu hết các sự kiện siêu nhiên trong Tử Cấm Thành đều được kể lại từ những năm 1990. Người dân cho rằng nguyên nhân chính là bởi sau khi nhà nước thành lập Tân Trung Quốc, Tử Cấm Thành đã không còn là trung tâm quyền lực khiến dương khí tiêu tán. Cùng với sự phát triển của các dự án xây dựng, long mạch ở Tử Cấm Thành đã bị tổn thương, dẫn đến năng lượng của rồng bị ảnh hưởng, từ đó cũng khiến các loại yêu ma dễ dàng thoát ra ngoài gây rối.

Phổ Nghi và Uyển Dung hoàng hậu
Phổ Nghi và Uyển Dung hoàng hậu

Bên cạnh đó, Tử Cấm Thành còn là mồ chôn của rất nhiều người, đặc biệt là các cung nữ, những người không thể tùy tiện rời khỏi cung. Thậm chí trước những sự việc siêu nhiên xảy ra trong Tử Cấm Thành, hoàng đế cuối cùng của triều Thanh là Phổ Nghi đã viết lại trong hồi ký của mình rằng nếu tất cả những câu chuyện ma mà ông biết trong Tử Cấm Thành được viết ra, vậy thì chắc chắn chúng sẽ dày hơn và li kỳ hơn cả Liêu Trai Chí Dị (một bộ tiểu thuyết của tác giả Bồ Tùng Linh, nội dung xoay quanh các câu chuyện hư cấu về tâm linh, ma quái và thường có mối liên hệ tình cảm giữa người còn sống và yêu tinh, hay người đã mất).

Cụ thể, Phổ Nghi từng tiết lộ rằng ông biết có một nhóm ma nữ sống ở trong cái giếng xây ngoài cổng Cảnh Hòa, nhưng may mắn chúng không thể vào trong vì bị tấm lưới sắt trên cổng khống chế. Ngoài ra, từng có một phi tần treo cổ ở lối đi phía sau cung điện Vĩnh Hòa, thỉnh thoảng các thị vệ đi tuần qua đó đều nhìn thấy linh hồn của bà ta lang thang ở nơi đó.

Trong đó, một trong những sự kiện siêu nhiên đã từng xảy ra ở Tử Cấm Thành, khiến tất cả du khách đều phải chấn động chính là sự kiện "Hành Lang Âm Binh". Cụ thể vào năm 1992, trong một chiều mưa to ở Tử Cấm Thành, khi khách du lịch đang vội vã tìm một nơi để trú mưa thì đã bất ngờ được chứng kiến một sự kiện lạ. Sau tiếng sấm sét nổ vang trời, dưới chân bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, hình ảnh một nhóm cung nữ mặc trang phục Thanh triều xếp hàng đi ngang qua đã khiến mọi người cực kỳ kinh ngạc. Thậm chí, một số người còn vô thức giơ máy ảnh lên ghi lại cảnh tượng kinh hãi và kỳ quái này.

Sau khi bức ảnh trên được lan truyền rộng rãi, một số chuyên gia đã đứng ra giải thích rằng hiện tượng này là do bức tường của cung điện được sơn màu đỏ, trong thuốc sơn có chứa nhiều chất sắt tetroxide. Trong trường hợp khi sét đánh xuống, nếu một cung nữ tình cờ đi ngang qua vào thời điểm này thì bức tường cung điện sẽ giống như một cuộn băng ghi hình, có thể tự động ghi lại cảnh tượng trên.

Tuy nhiên, có một số người đã tỏ ra nghi ngờ về điều này. Họ cho rằng tường của Tử Cấm Thành đã được sơn đi sơn lại nhiều lần, thậm chí nếu có bỏ thêm chất sắt tetroxide thì chắc chắn nó cũng đã bị che mất rồi. Thêm vào đó, nhiều năm liền trôi qua như vậy, tại sao mọi người chỉ có thể nhìn thấy các cung nữ mà không thể nhìn thấy những người khác?

Câu chuyện siêu nhiên nổi tiếng thứ hai ở Tử Cấm Thành chính là giếng Trân phi. Tương truyền, Trân phi khi còn sống là người thiếp được sủng ái nhất của Hoàng đế Quang Tự nhờ tính tình hoạt bát và cởi mở, rất tâm đầu ý hợp. Mặc dù nàng được Hoàng đế yêu thương, vậy nhưng lại không được lòng Từ Hi Thái Hậu vì nhiều lần cậy vào việc mình được sủng ái mà cư xử vô lễ với Thái Hậu, thậm chí còn cả gan mua quan bán tước.

Năm 1900, trước khi Bát đại liên quân tiến vào Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái Hậu đã sai thái giám Thôi Ngọc Quý ném Trân phi xuống giếng để trừng phạt. Có lẽ vì thế mà linh hồn của người thiếp này vẫn luôn ẩn chứa nỗi uất hận. Nhiều người nói rằng mỗi khi thời tiết u ám, ở trong Tử Cấm Thành, bạn có thể nhìn thấy bóng của một người phụ nữ mặc trang phục Thanh triều đứng gần miệng giếng, đôi lần cô ấy còn thổn thức và lẩm bẩm như đọc thơ. Khi trời sáng, cái bóng này cũng biến mất giữa những bức tường đỏ và ngói vàng nơi cung điện.

Ngoài ra, miệng giếng Trân phi hiện tại đã được san lấp thành rất nhỏ, rõ ràng không thể chứa nổi một người. Nhiều người cho rằng việc san lấp miệng giếng là để trấn áp một số thứ tà môn, thậm chí có du khách còn kể lại mỗi khi đến Tử Cấm Thành, chỉ cần tới gần giếng Trân phi thì họ sẽ dựng tóc gáy, đầu óc tê dại, cảm nhận được cơn gió lạnh lướt qua cơ thể.

Tuy nhiên, chuyện kỳ lạ không dừng lại ở đó. Vào những năm 1980, có một đội lính cứu hỏa được lệnh đóng quân trong Tử Cấm Thành. Trong một đêm mùa hè, sau cuộc diễn tập vất vả, một vài người đã kéo nhau tới nghỉ ở cung điện Trữ Tú, nơi từng là chỗ ở của Từ Hi Thái Hậu trong suốt 10 năm.

Hai giờ sáng, một người đang ngủ thì bị gió mát đánh thức, lúc ngơ ngác mở mắt ra mới phát hiện bản thân đang ngủ ở hành lang ngoài cửa. Chuyện này khiến anh cảm thấy vô cùng sợ hãi, nhưng dù sao cũng là quân nhân được huấn luyện chuyên nghiệp, vậy nên người lính này vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, lặng lẽ chui lại vào buồng ngủ trong cung Trữ Tú. Tuy nhiên sang đến ngày hôm sau, tình trạng tương tự tiếp tục xảy ra. Sau khi suy nghĩ, anh cảm thấy chắc chắn những thành viên khác trong đội đang trêu đùa mình, vì vậy tức giận nói: "Đừng làm phiền tôi, tại sao buổi tối lại hùa nhau quăng tôi ra ngoài? Ban ngày huấn luyện đã mệt rồi, mấy người còn có tâm trạng làm chuyện linh tinh?"

Đồng đội thấy lạ liền trả lời: "Chúng tôi không quăng anh ra ngoài. Sáng thức dậy đã thấy anh ngủ ở ngoài, có phải anh bị mộng du không?" Mấy ngày sau đó, người lính này đã thử nghiệm bằng cách liên tục ngủ tại cung Trữ Tú, nhưng lần nào thức giấc cũng thấy mình đang ngủ trên hành lang. Dần dần những người khác trong đội cũng biết tới chuyện này và kể từ đó không còn ai dám qua đêm tại cung điện Trữ Tú nữa. Có người cho rằng có thể là do bát tự của anh lính kia thuộc kiểu dễ chiêu mộ những thứ ô uế, hoặc do sức khỏe của anh ta không được tốt như những người khác nên dương khí không trấn áp nổi.

Vào năm 2015, ban quản lý Tử Cấm Thành lần đầu tiên lên tiếng phản đối về các sự kiện siêu nhiên diễn ra ở đây, tuyên bố các thế hệ nhân viên từng làm việc trong Cố Cung chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ bóng ma nào. Tuy nhiên, lời đáp trả này của ban quản lý đã nhận về sự chỉ trích của rất nhiều cư dân mạng, nguyên nhân chính là ở Tử Cấm Thành có quá nhiều điều cấm kỵ, ví dụ như 70% diện tích Cố Cung không được mở cửa cho du khách tham quan, trong cung điện Khôn Ninh và điện Khâm An (nơi thờ cúng thần linh) không được sử dụng loa phát thanh. Thậm chí, trước đây Tử Cấm Thành còn chỉ cho phép mở cửa đến 5 giờ chiều với lý do cần được dọn dẹp, trong khi hầu hết các điểm tham quan ở Trung Quốc đều được chia thành hai ca thăm quan vào ban ngày và ban đêm.

Ngoài ra, trong bộ phim tài liệu "Tử Cấm Thành 100", khi bước tới tòa nhà Phạm Hoa Lâu, một khu vực chưa được mở cửa trong Tử Cấm Thành, các nhân viên quay phim trước khi bước vào đã phải hét to: "Chúng tôi mở cửa, xin làm phiền mọi người!". Chuyện này đã khiến rất nhiều khán giả khi xem bộ phim tài liệu trên đều cảm thấy vô cùng ngạc nhiên, thậm chí có người còn phát hiện ở trên cánh cửa của Phạm Hoa Lâu còn có những lá bùa được dán chéo.

Bên cạnh những câu chuyện được lưu truyền, cũng có rất nhiều người đã kể lại trải nghiệm kinh hoàng của mình trong Tử Cấm Thành. Ví dụ như Tử Cấm Thành không cho phép nữ nhân viên ở lại qua đêm, trong một ca trực, có một nam nhân viên đã nghe thấy tiếng nước chảy nhưng khi chạy tới kiểm tra thì lại không thấy gì. Ngoài ra, vào một đêm của năm 1995, một người lính canh trong Tử Cấm Thành đã nhìn thấy một người đàn ông mặc áo choàng đen ngồi ở ngoài cổng khu vực trưng bày bảo vật. Khi anh ta và đồng nghiệp đuổi theo người đàn ông này thì bàng hoàng phát hiện hóa ra ông ta không có mặt. Vài ngày sau, một trong hai người lính đã gặp tai nạn xe hơi tại cổng Đông Hoa của Tử Cấm Thành, còn người còn lại chết tại nhà do đột ngột nhồi máu cơ tim.

Bất kể đúng hay sai, ở một nơi như Tử Cấm Thành với bề dày hàng trăm năm lịch sử văn hóa, có lẽ còn nhiều điều mà khoa học chưa thể lý giải được.

  • 2599
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
795

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)