logo-maybe-vn
Mở app

Olga xứ Kiev - Bà Thánh không ai dám va chạm

Olga xứ Kiev là người Nga đầu tiên được phong thánh thuộc Giáo hội Công giáo lẫn Chính thống giáo Đông phương, là vị thánh bảo trợ cho góa phụ và người cải đạo. Tuy nhiên, bà không phải dạng “thánh” nhân từ hiền hậu như ta hình dung đâu, chơi rất “khô máu” là đằng khác.

Olga xứ Kiev sinh vào khoảng trước sau năm 900 sau CN, bà được cho là một Varangian - hậu duệ của những người Viking đầu tiên an cư tại vùng đất mà nay là thành phố Pskov, Nga. Olga cưới Igor Đệ Nhất, ông hoàng trị vì Kievan Rus, vùng lãnh thổ ngày nay là Nga, Ukraine và Belarus. Cha Igor là Oleg, người thành lập nên Kievan Rus và bành trướng thế lực lên các vùng lân cận. Tuy nhiên, có một dân tộc khá cứng đầu là Drevilans.

Drevilans dưới thời Oleg từng liên minh với Kievan Rus chống lại đế chế Byzantine, đồng thời cống nạp cho mẫu quốc. Tuy nhiên, khi Oleg băng hà và Igor lên ngôi, dân tộc này dở chứng không cống nạp nữa mà chuyển gói kinh phí sang cho một lãnh chúa trong vùng.

Igor mới thân chinh tới thủ đô Iskorosten của dân Drevilans (nay là Korosten ở Bắc Ukraine). Người Drevilans đón tiếp hoàng thân xứ lân cận bằng cách tàn sát ông dã man. Trong biên niên sử Byzantine do nhà sử học Leo the Deacon biên soạn mô tả như sau: “Họ kéo chùng hai cây dương xuống và buộc hai chân hoàng tử vào đó, từ từ nhả hai cây lại cho đến khi thân thể Igor bị xé toạc”.

Con trai Igor là Svyatoslav khi ấy mới 3 tuổi, nên Olga trở thành nhiếp chính của Kievan Rus, khi ấy bà khoảng đâu 20 tuổi.

Olga nhận xác chồng
Olga nhận xác chồng

Người Drevilans dường như chỉ biết tên mà không biết máu mặt Olga, nên đã ô dề tới mức giết chồng bà xong rồi còn đề nghị hôn phối giữa bà với hoàng tử Mal, âm mưu khỏi phải cống nạp mà còn thống trị Kievan Rus. Người Drevilans gửi sang đó 20 đại diện để thuyết phục.

Olga một mặt bảo các sứ giả chờ ngoài thuyền, một mặt sai lính đào sẵn cái hố. Sau đó bà đón tiếp hàng tuyển Drevilans bằng cách cho quân bắt tất cả ném xuống hố, lấp đất chôn sống từ từ.

Nhưng nhiêu đó thôi chưa đủ. Trước khi tin tức về 20 sứ giả tới được Drevilans, Olga viết thư giả vờ “đang cân nhắc mối quan hệ”, yêu cầu Mal gửi sang Kyiv một đội để rước bà sang chỗ ngài. Chưa biết số phận của đám người trước ra sao, cũng không ngờ được ngọn lửa hận thù của Olga, Mal phái tiếp một đoàn thủ lĩnh sang. Olga mời tất cả vào phòng tắm hơi để thư giãn sau chuyến đi dài, nhưng khi chúng vào phòng hết rồi, bà vặn kín cửa lại rồi châm lửa thiêu sống cả đám trong đó.

Trước khi Mal nhận thức được tin tức về hai đoàn trước, bà nhanh chóng tiến triển kế hoạch 3. Olga thân chinh ra đến thủ đô phía Bắc Drevilans, mở một đám tang cho chồng và mời quân Drevilans tới để chứng minh lòng thành. Khi đám lính đã ngà ngà say, quân của Olga tuốt gươm tàn sát hết 5000 quân địch.

Tới lúc này thì tộc Drevilans bắt đầu run sợ trước Olga và hứa cống nạp đầy đủ cho Kievan Rus, nhưng Olga từ chối và tiến hành bao vây thủ đô hơn một năm. Cho tới khi Drevilans không chịu được nữa phải phủ phục cầu xin lòng thương xót, Olga mới tỏ lòng "yêu hòa bình" theo cách của bà. 

Trong biên niên sử về Kievan Rus, Tale of Bygone Years có ghi chép rằng, Olga yêu cầu mỗi nhà dân Drevilans giao nộp cho bà 3 con bồ câu và 3 con chim sẻ. “Ta không giống như chồng ta đòi hỏi quá lớn, mà chỉ cần món quà nhỏ như vậy thôi, do các ngươi cũng quá nghèo đói sau cuộc vây thành”.

Người Drevilans ngạc nhiên với đề nghị quá sức đơn giản, liền đồng ý mà gom góp bồ câu cùng chim sẻ. Với đội quân chim thu được, Olga cho buộc vào chân chúng một miếng vải tẩm lưu huỳnh và vào đêm đó ra lệnh thả tất cả về thủ đô. Những con chim nhớ tổ lập tức bay về, thiêu cháy cả Iskorosten.

Dân chúng tháo chạy ra khỏi thành đều bị quân của Olga bắt lại, một số bị tàn sát, một số bán làm nô lệ, một số cực may mắn được tha mạng để xây dựng lại mảnh đất. Kế hoạch trả thù của Olga đến đây đã hoàn thành, bà rời Drevilans lúc này tan hoang nhưng đã chịu cống nạp và liên minh với Kievan Rus.

Chiến thắng của Olga không chỉ mang tính cá nhân là trả thù cho chồng mà còn mang mục đích chính trị. Là người phụ nữ giữa chế độ phụ hệ, bà góa phụ Olga cùng con trai 3 tuổi đang đứng trước trước thế lực đe dọa cả trong lẫn ngoài. Hành động cứng rắn của Olga khi ấy vừa đe dọa được Drevilans lẫn những bộ tộc lân cận, đồng thời còn thắng được lòng dân, lòng trung thành từ quân đội, bảo toàn được ngôi vị trước bất kỳ âm mưu lật đổ nào.

Tại sao Olga được phong thánh?

Mặc dù tàn sát gần như cả một dân tộc, Olga vẫn được gọi là thánh? Tại sao vậy?

Đó là do bà là lãnh đạo đầu tiên mang Cơ đốc giáo vào Kievan Rus và cải đạo toàn dân, ngoại trừ con trai bà vẫn muốn là một pagan. Nhà thờ ghi nhận công lao của bà nên 600 năm sau đã phong làm thánh bảo trợ cho góa phụ và người cải đạo. Họ ca ngợi bà là người thanh sạch nhất giữa những người mà họ miệt thị là “đám ngoại đạo”.

Tuy nhiên, hành động cải đạo của Olga cũng là một nước cờ chính trị. Theo ghi chép trong Primary Chronicle, nữ hoàng đã có chuyến thăm đến Constantinople thuộc Đế chế Byzantine, lúc này do Constantine VII  trị vì. Hoàng đế có lời cầu hôn Olga và hứa cho bà trị vì bên ngài. Thế nhưng, Olga nhã nhặn từ chối với lý do bà là một Pagan (thuật ngữ chỉ tất cả những người không theo Thiên chúa giáo, đương nhiên cũng do dân Công giáo dùng). Hoàng đế sau đó đã rửa tội và cải đạo cho bà sang Công giáo để có thể cưới ông. Đến đây thì Olga lại bảo, bây giờ bà là con gái của Hoàng đế xét theo đức tin, vì chính ông là người rửa tội cho bà. Theo Công giáo, mối quan hệ thế này là loạn luân, là bậy lắm à nhe.

Constantine nể phục tài trí của bà, tiễn bà ra về cùng nhiều châu báu gấm quý. Sau khi về Rus, bà vận động xây dựng nhà thờ Cơ đốc và kêu gọi cải đạo, nhưng vẫn tôn trọng quyết định "ngoại đạo" của con trai. Olga đang ở cái thế phải dĩ hòa vi quý nhiều mặt bởi Byzantine lúc ấy giàu mạnh hơn Kievan Rus nhiều và người dân cũng dựa vào giao thương với quốc gia đó nhiều.

Cuối cùng, chuyện Olga tàn sát Drevilans được viết lại 200 năm sau khi bà qua đời và dường như đã có chút nhấn nhá hơi quá tay, nhằm tạo sự tương phản với giai đoạn bà cải đạo. Câu chuyện được viết bởi các thầy tu công giáo và nhấn mạnh vào sự tàn bạo của bà trong khoảng thời gian còn là một pagan.

Olga xứ Kiev, bà Thánh, hay nữ hoàng khát máu, hay nhà chính trị tài ba? Dù là gì thì bà cũng tạo nên ảnh hưởng rộng lớn đối với lịch sử Nga và Ukraine. Những cải cách chính trị kinh tế mà Olga đặt nền móng đã được hậu duệ áp dụng trong nhiều thế hệ cầm quyền về sau. Triều đại Rurik đã trị vì hơn 700 năm trước khi bị thay thế bởi triều đại Romanov.

  • 2764
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
215

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)