logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Thư Gửi Bố: Một góc tình cảm day dứt và chân thành của Franz Kafka

Franz Kafka đã không còn là một cái tên lạ, mà là một cái tên mang tính biểu tượng cho nền văn chương thế kỉ 20. Số tác phẩm được xuất bản của ông không nhiều nhưng đủ để hình thành một hệ tư tưởng riêng (Kafkaesque) và đưa tên tuổi Franz Kafka lên ngang hàng với Marcel Proust, James Joyce. Vậy lá thư gửi bố của ông có gì để được xem như một tác phẩm? Đây là cuốn sách mà mình nghĩ sẽ mang đến cho độc giả phần còn lại của một Franz Kafka toàn vẹn, một góc rất chân thực khác hẳn với những gì ông thể hiện ở Biến Thân, Vụ Án hay Lâu Đài.

Ngay từ đầu Kafka đã giải thích về những bất hòa trong mối qua hệ giữa hai bố con, ông cho rằng nó bắt đầu từ sự “khác nhau hoàn toàn, và trong sự khác biệt này chúng ta trở nên nguy hiểm với nhau”. Ông không thể đáp ứng những mong mỏi của bố cũng như bố không thể thấu hiểu tâm hồn ông, điều này làm cho hai con người đáng lẽ thân thiết nhất lại phải dè chừng nhau trong mỗi lần gặp mặt. Kafka bày tỏ sự day dứt khi không cách nào tìm được điểm hòa hợp giữa hai người, dù đã biết rõ lý do dẫn đến tình trạng ấy.

Theo Kafka sự cách biệt trong mối quan hệ bố con đến từ rất nhiều lý do và bắt đầu nhen nhóm từ những cử chỉ nhỏ nhặt trong suốt tuổi thơ ông. Mình nghĩ có lẽ nhiều người sẽ thấy quen thuộc khi đọc những dòng bày tỏ trong lá thư này. Người Bố đại diện cho thế hệ lớn lên trong gian khổ, là người thích thể hiện sức mạnh qua cả lời nói lẫn hành động, và coi trọng lợi ích thực tế hơn những suy nghĩ mông lung. Người Con thuộc thế hệ sau được bảo bọc nhiều hơn, có phần yếu đuối về thể chất và luôn cảm thấy tâm lý bị đè nặng trước những yêu cầu của Bố.

Kafka lý giải cách dạy con và đối xử với những người dưới quyền của bố mình là “sự cai trị”, mà chính ông là người nằm ở vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Ông dùng các mối quan hệ khác trong gia đình để chứng minh cho luận điểm đó của mình, từ cách bố đối xử với mẹ, với các con và sau này là các cháu. Cách giáo dục của người bố đến từ quá trình ông đã trải qua, ông cố gắng dạy các con theo cách của riêng mình nhưng những đứa trẻ lại không phù hợp với phương pháp giáo dục đó.

Đôi lúc Kafka làm mình cảm thấy giống như đang đọc nhật kí của một đứa trẻ trong hình hài người lớn. Đứa trẻ đó kể lại những chuyện vụn vặt vẫn luôn canh cánh trong lòng và mong muốn được đồng cảm. Điều được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong lá thư có lẽ là những lần khẳng định “bố không sai”, dẫu có vô số lần bố đã làm con buồn.

Có đôi chỗ Kafka sẽ bất ngờ làm tim ta mềm xuống vì những kỉ niệm hạnh phúc với bố như thế này đây. Ta sẽ thấy dù bố được tả là một người cứng rắn đến nhường nào thì cũng luôn muốn quan tâm đến con cái. Mình nghĩ chính những khoảnh khắc ngọt ngào hiếm hoi ấy đã làm Kafka dù có nhiều bất mãn với bố thì cũng không tài nào căm ghét bố được.

Xuyên suốt bức thư không lúc nào mình không cảm nhận được sự day dứt giữa nỗi đau và niềm hạnh phúc Kafka từng trải qua. Ông dùng ngòi bút tinh tế để truyền đạt cảm xúc của mình đến với người đọc, đáng lý là người bố yêu quý của ông. Một bức thư tay dài 103 trang được viết với tất cả mong muốn của người con cuối cùng lại không bao giờ đến tay người nhận. Trong di thư của mình, Kafka nhờ người bạn thân Max Brod tiêu hủy tất cả văn bản bao gồm cả thư từ. Nhưng vì không nỡ nhìn những gì còn sót lại của tài hoa ấy hóa tro theo ngọn lửa, Max đã cho xuất bản Thư Gửi Bố cùng với các tiểu thuyết còn dang dở khác của Kafka. Vậy nên lá thư ấy đã đến với chúng ta – những độc giả Kafka không ngờ tới. 

Mình chưa bao giờ thấy các tác phẩm của Kafka dễ đọc và dễ hiểu, nhưng Thư Gửi Bố là một ngoại lệ. Không khó để bắt gặp hình ảnh của bản thân đâu đó trong các dòng thư của ông. Không khó để cảm nhận những tâm tình của một người con yêu quý bố vô cùng nhưng lại không tài nào bộc lộ ra hết. Bởi vì ông không viết nó dưới tư cách của một nhà văn mà viết với tư cách một đứa trẻ, một đứa con khao khát được thấu hiểu và yêu thương.

Đánh giá cá nhân: 4/5 

Hoàng Linh 

  • 2723
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1342
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)