logo-maybe-vn
Mở app

Con Cú Mù - Thế giới nội tâm đầy hỗn độn của kẻ chán đời

Sadegh Hedayat (1903 - 1951) là một nhà văn và dịch giả người Iran, được biết đến nhiều nhất với tiểu thuyết Con Cú Mù. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1936 tại Bombay khi tác giả đang du học ở Ấn Độ. Đến tận năm 1941, Con Cú Mù mới xuất hiện ở Iran lần đầu, nhưng sau đó bị cấm lưu hành vì nó khiến nhiều độc giả đi đến con đường tự vẫn. Hiện tại, Con Cú Mù đã được nhìn nhận là là tác phẩm kinh điển của văn học Iran thế kỷ 20.

Con Cú Mù kể về dòng suy tưởng của nhân vật “tôi” - một người đàn ông làm nghề vẽ trang trí hộp đựng bút. Anh ta nhốt mình trong phòng, nhập nhằng giữa thực và hư, vẫy vùng trong bể hoang tưởng về sự yếm thế, sầu não và chết chóc.

Xuyên suốt tác phẩm là lời của nhân vật “tôi” kể chuyện đời mình với cái bóng in trên tường. Anh ta xem những người xung quanh là “đám dân đen” ngu dốt. Mối quan hệ giữa anh với vợ thì quá tệ hại. Nói tóm lại, anh không thể thích nghi với cái thế giới anh đang sống. Anh đâm ra uất hận, quẫn trí. Anh không còn tỉnh táo nữa, có lẽ là do tác dụng của thuốc phiện. Dòng suy tưởng của anh xen lẫn vô số các yếu tố siêu thực khiến người đọc không thể biết được phần nào trong câu chuyện anh kể là thật.

Mình không thể mô tả tiến trình của các sự kiện trong câu chuyện của nhân vật “tôi” vì đó là một câu chuyện liên miên về những ảo tưởng và ký ức cay đắng, bị chi phối bởi mối bận tâm về cái chết và sự thối rữa. Từ thời thơ ấu cho đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của nhân vật “tôi” không hề xuất hiện dấu hiệu về mặt thời gian. Ranh giới giữa trí nhớ, giấc mơ và ảo giác của nhân vật “tôi” không hề tồn tại. Điều đặc biệt nhất trong cách kể chuyện ở đây, cũng là điều khiến mình thích thú nhất, chính là sự tuần hoàn của những hình ảnh, sự vật, sự việc nhất định. 

Trong lời kể của “tôi” có khá nhiều nhân vật, nhưng các nhân vật này luôn được thể hiện bằng các chi tiết miêu tả giống hệt nhau, nên nhìn chung, mình có thể tóm gọn tất cả các nhân vật bằng bốn hình tượng:

  • “Nàng” - cô gái có đôi mắt quyến rũ mặc chiếc áo dài đen, người thiên nữ mà “tôi” thầm mến mộ, người mà “tôi” mang xác đi chôn, người được vẽ trên cái bình cổ tráng men mà “tôi” được tặng, người mẹ ruột của “tôi”; 
  • “Vợ tôi” - người phụ nữ lớn lên cùng “tôi” từ nhỏ, một người phụ nữ đầy nhục dục chuyên ăn nằm với nhiều gã đàn ông khác mà không dành chút tình cảm nào cho chồng mình, là người mà “tôi” vừa mê đắm vừa căm phẫn. 
  • “Đám dân đen” - là xã hội loài người ở thế giới bên ngoài, đám đàn ông mà “vợ tôi” dan díu, và cả bà Vú - người đã nuôi nấng “tôi” từ tấm bé.
  • “Ông già” - lão già đầu đội khăn xếp, cổ quấn khăn choàng, có giọng cười ghê rợn, là người chú, người cha ruột, gã đánh xe ngựa, người cha vợ, gã bán hàng rong, ông thầy thuốc, người đã ngủ với “vợ tôi’, và cuối cùng là chính “tôi”.

“Nàng” và “vợ tôi” là những người phụ nữ mà “tôi” mong nhận được tình yêu từ họ, nhưng họ lại chết, hoặc mất tích, hoặc đi yêu người khác, khiến cho “tôi” đau khổ tột cùng. “Đám dân đen” chẳng bao giờ hiểu nổi “tôi”, xem “tôi” là gã điên, nên “tôi” cảm thấy bản thân không thuộc thế giới của bọn họ. “Ông già” là những gã đàn ông quái đản mà “tôi” từng gặp, và cũng là bản thể tội lỗi của “tôi”: một kẻ cười chê tôn giáo, đam mê nhục dục, muốn giết người, muốn tự vẫn.

Sự nhồi nhét nhiều nhân vật vào một hình tượng tạo ra một mê cung phức tạp và huyền bí, dẫn dắt mình vào thế giới hư ảo của nhân vật “tôi”. Đôi khi đang đọc tác phẩm mà mình còn ngờ ngợ tự hỏi có phải mình đọc đoạn này rồi hay không, vì cứ liên tục bắt gặp những hình ảnh quen thuộc. Mình không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi vì phải tiếp xúc với cái thế giới cô lập hoàn toàn trong căn phòng “tựa như nấm mồ” của nhân vật “tôi”: u tối, ngột ngạt, điên loạn, một nơi mà đạo đức không còn ý nghĩa gì. Cứ đọc khoảng 10 trang là mình lại cảm thấy đau đầu, vì thế mình mất khá nhiều thời gian để đọc cuốn sách này dù nó chỉ dài hơn 100 trang.

Về hình tượng con cú, nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu viết rằng: “Văn hóa truyền thống Ả Rập – Ba Tư hình dung con cú là loài chim đơn độc, mang điềm gở cho loài người, sống trong hoang tàn và bóng tối. Khi chết, người ta nhìn thấy chính mình hóa thân thành một con cú, đậu trên nấm mồ của mình mà khóc than nhục thân đã mất.” Như vậy, mình hiểu cái tên Con Cú Mù ám chỉ tâm hồn u tối và sự ham muốn cái chết của nhân vật “tôi”. Sau khi chết, anh ta muốn hóa thành con cú mù, không cần phải chứng kiến và khóc than cho thân xác mục rữa của mình, bởi vì sự mục rữa là tất cả những gì anh ta mong muốn.

Mình vốn không thích những tác phẩm văn học mang không khí nặng nề ủ dột, nhưng Con Cú Mù là một ngoại lệ. Bất chấp những cơn đau đầu mà tác phẩm mang lại, mình đánh giá cao văn phong đặc sắc, cách xây dựng bầu không khí khéo léo, cách tận dụng liên hồi những hình ảnh mang tính ước lệ đậm nét văn hóa Ba Tư của tác giả. Đọc Con Cú Mù là một trải nghiệm văn chương vô cùng mới lạ đối với mình.

Chấm điểm: 9/10.

  • 2063
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
533

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)