logo-maybe-vn
Mở app

Của Chuột Và Người - Phải chăng số phận của con người cũng ngang hàng với con chuột?

[BÀI VIẾT CÓ SPOIL]

John Steinbeck (1902 – 1968) là tiểu thuyết gia người Mỹ đạt giải Nobel Văn học năm 1962. Các tác phẩm của ông thường viết về số phận con người dưới áp bức và bất công, được Hội đồng Nobel đánh giá là “những tác phẩm văn chương vừa hiện thực vừa giàu trí tưởng tượng, kết hợp giữa sự hài hước đầy cảm thông và cách nhìn xã hội thấu đáo."

Tiểu thuyết Của Chuột Và Người được xuất bản vào năm 1937, là tác phẩm nổi tiếng nhất của John Steinbeck bên cạnh Chùm Nho Phẫn Nộ. Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim và kịch nhiều lần.

Của Chuột Và Người được viết ở ngôi thứ ba khách quan. Trái với ngôi thứ ba toàn tri, ngôi thứ ba khách quan không cho người đọc tiếp cận trực tiếp với bất kỳ suy nghĩ và cảm xúc nào của nhân vật. Người đọc chỉ có thể suy ra những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật thông qua những gì họ làm và nói. Chính vì điều này, mình gặp không ít khó khăn trong việc tìm hiểu cảm xúc của các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là hai nhân vật chính là  George và Lennie.

Trong bối cảnh thời kỳ Đại khủng hoảng ở Mỹ, George và Lennie chỉ là hai kẻ làm công sống cảnh nay đây mai đó, cứ xong việc ở trang trại này thì lại tìm việc ở trang trại khác. George nhỏ con nhưng thông minh lanh lợi, còn Lennie to lớn, có sức vóc hơn người nhưng lại chậm phát triển về mặt trí tuệ. Lúc nào Lennie cũng là kẻ gây rắc rối, và lúc nào George cũng là người giải quyết mớ rắc rối ấy. Tuy trái ngược nhau như thế, và cũng chẳng phải anh em ruột thịt, giữa họ lại có mối quan hệ thân thiết đến kỳ lạ.

Mình ấn tượng trước sự tử tế của George dành cho Lennie. Đáng lẽ ra anh có thể sống một cuộc đời tự do tự tại nếu không phải kèm cặp người bạn khù khờ của mình. Rất nhiều lần George phàn nàn việc Lennie gây phiền nhiễu cho anh như thế nào, nhưng anh chỉ nói vậy cho đỡ bực dọc, rồi đâu lại vào đấy. "Tao vẫn muốn mày ở với tao đấy chứ, Lennie". Khi mọi người đều chật vật để kiếm cái ăn trong thời kỳ Đại khủng hoảng thì việc George cưu mang một kẻ khờ quả là hành động cao cả.

George yêu thương Lennie nhiều như vậy có lẽ là vì anh sợ cô đơn. Trong lúc xã hội đầy rẫy những kẻ lừa đảo, sự ngây thơ của Lennie khiến George cảm thấy an tâm. Anh mơ ước có một mảnh đất cho riêng mình, rồi cùng Lennie gầy dựng một nông trại nhỏ, không còn phải đi làm thuê làm mướn cho người ta nữa. Lennie là gã hay quên, cứ bắt George kể đi kể lại về cuộc sống mơ ước của họ. Mình đoán rằng sau mỗi lần “kể lại” ấy, George lại có thêm động lực sống. Nếu không có Lennie nhắc nhở về ước mơ đó, có lẽ George chỉ biết chôn vùi nó vào lòng và sống vô định, rồi cũng đâm ra hung dữ như bao kẻ làm mướn khác. Sự hiện diện của Lennie giúp anh phần nào quên đi cái khắc nghiệt của thực tại. 

“Tôi chẳng có gia đình thân thích. Tôi thấy dân làm mướn trong trại cũng một thân một mình vậy. Chả ra làm sao cả. Họ chẳng còn cái thú gì nữa. Rốt cuộc họ trở thành hung dữ.”

Về phần Lennie, anh ta quá ngây thơ, không có khả năng suy nghĩ phức tạp, lúc nào cũng nghe theo lời George. Trong đầu anh lúc nào cũng chỉ có bầy thỏ, vì anh thích vuốt ve những thứ mềm mại. Anh thường chơi với chuột thay cho thỏ, nhưng lần nào cũng lỡ tay bóp chết chúng.

Số phận của những con chuột mà Lennie chăm sóc phản ánh số phận của chính anh. Chuột bị coi là một mối phiền toái và thường bị loài người tìm cách tiêu diệt. Lennie bị thiểu năng trí tuệ, vì thế không ai coi trọng sự tồn tại của anh, thậm chí anh còn bị xúc phạm nhiều lần. Lennie nhận ra những phẩm chất đáng giá của loài chuột: anh thích vuốt ve bộ lông mềm mại của chúng và xem chúng như một nguồn an ủi dịu dàng, nhưng lại vô tình giết chúng. Tương tự, George cũng xem trọng bản chất hiền lành của Lennie, luôn yêu thương Lennie, nhưng cuối cùng phải xuống tay với Lennie một cách không cam lòng.

Mình nghĩ dụng ý của cái tên Của Chuột Và Người chính là đặt số phận con người ngang hàng với con chuột: đều yếu đuối và mỏng manh trước loài người, không có khả năng tự quyết định vận mệnh của chính mình. Cuối cùng thì Lennie mất mạng, còn George mất đi viễn cảnh về cuộc sống yên bình tự tại. Mình nghĩ George tự tay kết liễu Lennie là để Lennie không chết trong sự rủa xả của người ngoài. Anh biết Lennie là một quả bom nổ chậm, chắc chắn một lúc nào đó sẽ phát nổ khiến những người xung quanh sợ hãi. Anh biết điều đó không thể tránh khỏi, nên có lẽ từ lâu anh cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc kết liễu người bạn đồng hành mà anh thương mến. Chỉ là sau khi xuống tay, George mới thấu được nỗi đau khi mất hết mọi hy vọng sống. Đó là sự sắp đặt của số phận mà bao kế hoạch của con người không thể thay đổi được.

Chỉ với hơn 100 trang giấy và văn phong đơn giản, tác giả đã làm tốt các khâu xây dựng nhân vật, tạo kịch tính và giải quyết vấn đề, thể hiện được một câu chuyện trọn vẹn. Cái kết khiến mình thấy hơi chạnh lòng, nhưng dẫu sao đó mới là cái kết thực tế nhất cho câu chuyện này.

Chấm điểm: 8/10.

  • 3012
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1537

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)