logo-maybe-vn
Mở app
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Đánh bắt loài cá xâm lấn cực độc ở vùng biển Caribbean để lấy da phục vụ cho ngành thời trang

Trong vài thập kỉ trở lại đây, cá mao tiên (hay còn gọi là cá sư tử) – loài cá có nhiều tua dài, màu sắc sặc sỡ và vô cùng bắt mắt – đã trở thành loài xâm lấn, gây hại cho cả đa dạng sinh học lẫn con người ở khu vực biển Caribbean.

Có nguồn gốc từ Ấn Độ Dương, dưới tác động của biến đổi khí hậu, loài cá này dần lan rộng đến nhiều khu vực, bao gồm từ bờ biển Florida đến Caribbean, cùng một số địa điểm khác ở Brazil, Mexico và Địa Trung Hải.

Ngược lại với vẻ ngoài thướt tha, thu hút, đây lại là loài cá ăn thịt và có nọc độc. Vì không có thiên địch và tốc độ phát triển cực nhanh (mỗi cá thể cá mao tiên cái trưởng thành đẻ khoảng 2 triệu trứng mỗi năm), chỉ trong vòng 5 tuần sau khi xuất hiện, chúng có thể tiêu diệt tới 79% lượng sinh vật biển ở những khu vực này.

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có chính sách tái định cư đã giúp di dời hơn 100 cá thể cá mao tiên mỗi ngày ở khu vực biển mà chúng xâm lấn.  

Aarav Chavda, một thợ lặn ở khu vực biển Florida suốt nhiều năm nay, cảm thấy vô cùng thất vọng, vì mỗi lần lặn là một lần anh nhìn thấy sự đa dạng sinh học của khu vực lại mất đi một chút. Vì vậy, anh cùng người bạn thời thơ ấu Roland Salatino đã nảy ra ý tưởng lấy da của những con cá mao tiên được đánh bắt để phục vụ cho ngành may mặc.

Đây không chỉ là giải pháp giúp giải quyết vấn đề xâm lấn, mà còn tạo ra nguồn cung da bền vững cho ngành công nghiệp thời trang.

Những tấm da cá thu được sau khi trải qua quá trình chế biến và nhuộm, Chavda sẽ bán lại cho các công ty đối tác để sản xuất thành nhiều sản phẩm như ví, thắt lưng và túi sách.

Mặc dù khá mỏng, nhưng nhờ cấu trúc sợi đan chéo đặc biệt mà da cá mao tiên lại có độ đàn hồi và chắc chắn không thua kém gì nhiều loại da nhân tạo khác.

Tuy nhiên, vì đây là loài cá ăn thịt và những chiếc gai quanh cơ thể chúng có thể phóng ra nọc độc, nên Chavda không khuyến khích mọi người đi săn cá mao tiên.

Thay vào đó, anh đã tiến hành phổ cập kiến thức cho những người dân chài nghèo và phụ nữ sống ở các ngôi làng cạnh bờ biển, giúp họ hiểu về đặc tính của cá mao tiên và khuyên họ nên trang bị những biện pháp an toàn để bắt chúng nếu vô tình gặp phải trong khi đánh bắt những loại hải sản khác.

“Sự đa dạng sinh học thuộc những khu vực dọc theo bờ biển Florida đến Caribbean – kế sinh nhai của những người dân thu nhập thấp ở đây – đang bị cá mao tiên đe dọa trầm trọng. Mặc dù họ hoàn toàn có thể săn cá mao tiên để cung cấp cho chúng tôi, nhưng vì công việc này rất tốn thời gian và nguy hiểm, nếu chỉ bắt chúng, họ sẽ không còn thời gian chăm lo cho cuộc sống thường ngày. Vì vậy, tôi chỉ khuyến khích họ bắt những con cá mao tiên họ vô tình gặp phải trong quá trình lặn để tìm kiếm tôm hùm và cá mú, với những biện pháp bảo vệ an toàn.”

Ý tưởng này của Chavda đã thành công thu hút sự chú ý của một công ty được giao quyền đảm nhiệm xử lý tình trạng cá mao tiên xâm lấn. Sau đó, họ đã cùng bắt tay thành lập lên hợp tác xã, với mục đích giúp những người dân chài được trang bị những dụng cụ hỗ trợ an toàn, đồng thời cung cấp chính sách đảm bảo rủi ro 100% trong quá trình đánh bắt cá mao tiên.

  • 0
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu2 năm trước
Earth

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)