logo-maybe-vn
Mở app

10 truyền thuyết đô thị nổi tiếng nhất ở Đài Loan (Phần 1)

Tuy đa số các câu chuyện đều được truyền miệng và ít nhiều bị khuếch đại, nhưng chúng vẫn là những truyền thuyết đô thị phổ biến được bàn tán suốt nhiều năm.

Dưới đây là 10 câu chuyện truyền thuyết đô thị nổi tiếng nhất được truyền lưu ở Đài Loan, hầu hết đều có thể tìm thấy trên các trang mạng và có rất nhiều dị bản khác nhau, nên tất cả tình tiết trong bài viết này chỉ mang tính tham khảo.

10. Nhà vệ sinh phía tây Thành Công Lĩnh.

Những câu chuyện kinh dị trong quân đội xưa nay không hề ít, nổi tiếng nhất ở Đài Loan phải kể đến câu chuyện ở nhà vệ sinh phía tây Thành Công Lĩnh.

Thành Công Lĩnh là khu vực quân sự được bộ quốc phòng Đài Loan dùng để huấn luyện lính mới. Diện tích khu vực này cực kì rộng lớn, có thể chứa được hơn mấy chục ngàn người, nhưng hầu hết các khu nhà bên trong đều khá cũ kỹ, một số còn được xây lẫn giữa rừng cây để cho các tân binh dễ dàng tập luyện khi cần thiết.

Ở khu vực phía tây có một khu nhà vệ sinh, nơi này luôn rất bí ẩn, nghe đồn bất kì người nào mới đến đều sẽ bị những người vào trước, thậm chí là đội trưởng dặn dò không được bén mảng đến đó.

Một cô gái từng chia sẻ trên mạng rằng trong quá trình luyện binh, bạn trai cô từng được điều đến khu vực này. Lúc vào anh chàng cũng được cảnh cáo là chớ nên bén mảng tới khu nhà vệ sinh phía tây, nhưng anh chàng gan lớn vả lại cũng không tin chuyện ma quái lắm, thế là một đêm nọ anh chàng chạy tới xem thử thế nào. Tối đó về phòng, anh chàng mơ thấy một cô gái nhờ mình giúp đỡ, anh không thèm để ý tới cô ta, nhưng khi giật mình tỉnh lại, thì thấy “một cô gái trôi nổi trên đầu mình, mặt nhìn thẳng xuống, cực kỳ đáng sợ”. Anh ta kinh hãi lấy bùa hộ mệnh gia đình ép đem theo, quăng vào người cô gái kia rồi bỏ chạy thục mạng.

Không ít cư dân mạng khi đọc được cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Có người nói trước đây có rất nhiều tin đồn về khu nhà vệ sinh ở Thành Công Lĩnh, thậm chí những ai từng đi lính ở đây đều có nghe nói hoặc từng trực tiếp gặp phải chuyện ma quái. Như khi đi vệ sinh nghe có tiếng người ca hát, nhưng đi tìm thì không gặp, có người còn bảo đang đi vệ sinh thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập, nhưng mở ra thì không thấy ai, cũng chẳng nghe được tiếng bước chân gì.

Vài người biết chuyện kể lại rằng khoảng 10, 20 năm trước ở Thành Công Lĩnh từng xảy ra một vụ án mạng, nạn nhân khi ấy là một cô gái còn rất trẻ. Trong ngày thăm người thân hàng năm, cô ta đã đến Thành Công Lĩnh thăm bạn trai, nhưng lại bị mấy gã khốn bắt và cưỡng hiếp. Sau đó vì quá đau đớn, xấu hổ, nên đã nghĩ quẩn và treo cổ tự sát trong nhà vệ sinh phía tây, sau đó bạn trai cô cũng tự sát theo.

Từ đó về sau khu nhà vệ sinh phía tây thường nghe được những tiếng động lạ, hoặc gặp phải những chuyện không thể giải thích, có người còn nói nếu ai vô tình đi vào khu nhà vệ sinh này, nhẹ thì mang bệnh vào người, nặng thì nằm liệt giường.

9. Ma thần tử

Theo lời đồn, hầu hết các Ma thần tử đều có vóc dáng nhỏ thó nhưng bù lại động tác cực kỳ nhanh nhẹn. Chúng thường mê hoặc, giở những trò đùa hù dọa con người, thường xuyên lừa gạt trẻ con, người già đi vào trong rừng, tuy nhiên chúng cực kỳ sợ hãi tiếng động lớn.

Hầu hết các địa phương ở Đài Loan đều có truyền thuyết về việc những đứa trẻ, những bà lão, ông cụ bị Ma thần tử giấu đi hoặc bắt cóc, khá giống với truyền thuyết về kami kakushi ở Nhật.

Khi có tin đồn về ai đó bị Ma thần tử bắt cóc, người dân trong khu vực sẽ đi cúng vái thần linh mà họ thờ phụng như Vương Gia, Hào Gia,… nhờ thần linh đi tuần, rồi đi khắp thôn làng gõ chiêng trống, đốt pháo để đuổi Ma thần tử đi, đồng thời tìm kiếm người bị mất tích.

Những người bị mất tích thường nói mình bị một kẻ có vóc người nhỏ thó mời ăn cơm, đùi gà, canh hầm,… rồi mất đi ý thức, sau khi tỉnh lại thấy miệng đầy phân, xác côn trùng, cành khô hoặc đất đá.

Ngoài ra ở một số nơi, người ta miêu tả Ma thần tử là một người thấp lùn như trẻ con, mặc quần áo đỏ đi giày đỏ, đầu đội mũ đỏ, thường xuyên lừa con người vào trong núi, dụ dỗ họ thắt cổ chết.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về Ma thần tử diễn ra vào những năm Dân Quốc 40:

Hôm nọ, có một công nhân khoảng 30 tuổi làm trong xưởng trà bị mất tích, người ta chia nhau đi tìm suốt mấy ngày vẫn không thấy, bẵng qua hơn 10 hôm, có người vô tình phát hiện công nhân mất tích kia nằm hấp hối đằng sau nhà xưởng, miệng đầy giun gián, tình huống khá nguy kịch, nhưng may mà vẫn cứu được.

Những nhà dân tộc học ở Đài Loan từng phân tích về hiện tượng này, chọ cho biết: Khi con người nhìn thấy động vật đáng yêu đều sẽ muốn bắt về nuôi, chăm chút và đút chúng ăn những thứ con người cho là chúng ăn được, nhưng chỉ sau mấy hôm, những động vật này thường sẽ suy yếu và chết đi.

Hành vi của Ma thần tử cũng tương tự như vậy, chúng thích bắt những người chúng cho là thú vị về nuôi, đút những thức ăn chúng thường ăn cho vật nuôi của mình, mà thức ăn của chúng là các loại giun gián, bùn đất,... nên nếu may mắn tìm được sớm, người bị chúng bắt còn có cơ hội sống sót, nhưng nếu quá trễ họ cũng sẽ giống những động vật bị con người bắt nuôi, chết dần chết mòn...

8. Lâm Đầu tỷ

Lâm Đầu tỷ là câu chuyện dân gian lưu truyền rộng rãi nhất ở Đài Loan, câu chuyện về Lâm Đầu tỷ thường có hai phiên bản, một phiên bản được trích từ tập hợp những câu chuyện về hòn vọng phu, trong những câu chuyện ấy, thường có một người phụ nữ nuôi con một mình, ngày ngày đứng trông chồng về, nhưng người chồng đi mãi không về. Một phiên bản khác là Lâm  Đầu tỷ bị gã chồng khốn nạn của mình phụ tình.

Diễn biến câu chuyện và kết cục của Lâm Đầu tỷ trong mỗi phiên bản lại mỗi khác, nhưng điểm chung đều là sau khi bị lừa tiền lừa sắc, nữ chính sẽ đi vào rừng thắt cổ tự sát, sau khi chết oan hồn cô không cách nào siêu thoát và trở thành Lâm Đầu tỷ.

Câu chuyện về truyền thuyết vọng phu

Làng nọ có một người phụ nữ, vì chồng theo thuyền rời bến đi xa, đi mãi không thấy về, nên ngày ngày cô ra đứng ở bến thuyền đợi chồng trở về. Năm này tháng nọ trôi qua, cô đợi mãi vẫn không thấy người thường về, cuối cùng khóc chết dưới tán cây dứa gai (trong tiếng Trung cây dứa gai được gọi là lín tóu – Lâm  Đầu). Oan hồn cô không thể tiêu tan, vì thế cứ quanh quẩn mãi bên những tán dứa gai. Từ đó về sau người dân địa phương thường trông thấy hồn ma nữ quỷ tóc xõa dài che mặt đi dọc theo bờ biển gần những bụi dứa gai, nên gọi hồn ma đó đó là Lâm Đầu tỷ.

Câu chuyện về gã đàn ông bạc tình

Cuối đời Thanh, ở phía tây nam Xích Khám Lâu, Đài Nam, có một quả phụ tên Lý Chiêu Nương sống cùng ba đứa con thơ. Mấy năm trước chồng cô lên thuyền đi xa làm ăn, không may gặp sóng lớn, con thuyền bị đánh chìm ở eo biển Đài Loan, chồng cô cũng rớt xuống biển qua đời.

Sau khi  chồng qua đời, Lý Chiêu Nương dựa vào di sản chồng để lại, một mình nuôi dưỡng ba đứa con. Trong thời gian khó khăn này, Chu Á Tư – bạn thân của chồng cô thường hay đến nhà giúp đỡ, từ đó cả hai dần nảy sinh tình cảm. Chuyện này nhanh chóng bị hàng xóm chung quanh biết được, họ xa lánh, trách móc, sỉ vả cô, nhưng vì Chu Á Tư từng thề sẽ luôn ở bên chăm sóc cô và các con, nên Lý Chiêu Nương bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, quyết ý gả cho Chu Á Tư, đồng thời giao hết tài sản của chồng cho hắn xử lý.

Nhưng Chu Á Tư tiếp cận Lý Chiêu Nương chỉ vì tài sản của cô, sau khi lấy được gia sản, hắn bỏ một số tiền lớn mua long não và đường đỏ vận chuyển đến Hongkong, nhờ đó thu về một mớ lãi kếch xù. Ngay sau khi tích góp đủ tiền hắn lập tức trở về Sán Đầu, Quảng Đông, cưới vợ mới, vứt bỏ Lý Chiêu Nương đang một lòng một dạ đợi mình ở Đài Loan.

Lý Chiêu Nương không hề biết chuyện, vẫn chờ đợi Chu Á Thư về, nhưng chờ mãi vẫn không có tin tức gì, chẳng mấy chốc cô đã xài hết tiền chồng trước để lại. Không tiền, không bạc, lại bị hàng xóm khinh ghét, Lý Chiêu Nương không cách nào nuôi nổi 3 đứa trẻ, ít lâu sau, hai đứa con cô lần lượt chết vì đói rét. Vì quá đau lòng nên trong một đêm mưa, Lý Chiêu Nương đã bóp chết đứa con út rồi treo cổ tự sát trên cây dứa gai. Từ đó về sau, trong khu rừng dứa gai, người ta thường nhìn thấy bóng một ma nữ bay qua bay lại ven bìa rừng. Dân địa phương thấy thế rất sợ hãi, vì để được an bình, họ bèn xây miếu thờ cúng, tôn xưng ma nữ là Lâm Đầu tỷ.

Nhưng miếu thờ vẫn không thể xua tan oán khí của Lý Chiêu Nương, cô vẫn âm thầm chờ đợi mong báo được thù. Ngày nọ, trong cơn mưa to, một thầy bói đến từ Sán Đầu chạy vào miếu trú mưa, oan hồn Lý Chiêu Nương xuất hiện kể lại chuyện đời mình, nhờ thầy bói giúp đưa mình đến Sán Đầu tìm Chu Á Tư, thầy bói nghe xong chuyện, đồng ý giúp đỡ.

Sau khi đến được Sán Đầu, oan hồn Lý Chiêu Nương bay thẳng tới nhà tìm Chu Á Tư đòi nợ, Chu Á Tư hoảng sợ hoá điên, thường xuyên thì thào tự trách, cuối cùng cầm dao giết vợ và hai đứa con rồi tự sát.

Mỗi một nơi lại có những chi tiết khác nhau, như người đưa Lý Chiêu Nương đến Sán Đầu không phải thầy bói mà là nha dịch, kẻ lừa Lý Chiêu Nương không phải bạn tốt của chồng cũ mà là du côn địa phương.

Có nơi nói miếu thờ không phải người dân lập, có nơi lại bảo oan hồn Lý Chiêu Nương sẽ phù hộ những kẻ cờ bạc,… tuy nhiên dù là bản nào thì Lý Chiêu Nương cũng sẽ tự sát dưới cây dứa gai và hóa thành lệ quỷ.

7. Tiễn bánh ú

Vùng duyên hải ở Chương Hóa truyền lưu một nghi thức cực kì thần bí – tiễn bánh ú.

Bánh ú này không phải bánh ú chúng ta hay ăn vào dịp tết Đoan Ngọ, mà là một tập tục mai táng lưu hành ở vùng duyên hải Tây Bắc Chương Hoá, Lộc Cảng, Phúc Hưng,… ở Đài Loan. Trong số đó vì Lộc Cảng thường xuyên cử hành tập tục mai táng này nên được hiểu là nơi bắt nguồn, ngoài ra phong tục này còn có tên là "tiễn sát" hoặc "ăn sợi mì".

Truyền rằng vì sợ những người chết do treo cổ có oán khí quá nặng, không siêu thoát được mà hóa thành quỷ đi giết người nhằm thế thân cho mình, nên người ta sẽ tổ chức nghi thức tiễn bánh ú để đưa tiễn sát khí của người chết (lấy dây thừng treo cổ làm đại diện) đến bờ biển thiêu huỷ. Nhưng vì tránh bất kính với người chết, người dân bản xứ không gọi tập tục này là đuổi ma quỷ mà uyển chuyển gọi là tiễn bánh ú.

Sở dĩ gọi là tiễn bánh ú là vì vào dịp Đoan Ngọ, người dân Đài Loan thường hay làm bánh ú, sau đó dùng dây buộc chặt và treo chúng lên vách nhà, trông giống hệt như những người treo cổ. Cũng vì thế ở Lộc Cảng, trói bánh ú ám chỉ người thắt cổ.

Nghi thức tiễn bánh ú thường được miếu thờ ở địa phương lên kết với những nơi chuyên tổ chức pháp hội để tổ chức, các bên sẽ quy hoạch một con đường đi từ miếu thờ gần nhất đến nơi người treo cổ được phát hiện rồi đi thẳng ra biển.

Trước khi diễn ra nghi thức, miếu thờ sẽ thông báo cho người dân trên tuyến đường biết trước thời gian để người dân không bị ảnh hưởng.

Nghi thức thường cử hành vào khoảng 23 giờ khuya, nhưng bắt đầu từ 20 giờ, những người tham dự đã có mặt ở miếu thờ để làm lễ rước thần, rồi mới di chuyển đến nơi phát hiện thi thể. Tại đây, người ta sẽ bày đặt bàn cúng lễ để rước sát (họ sẽ lấy dây thừng siết cổ người chết hoặc một mảnh trên xà nhà nơi người chết treo cổ làm đại diện), đúng 23 giờ đoàn người sẽ bắt đầu di chuyển ra biển. Vừa đi họ sẽ vừa thả pháo để trừ tà, diệt sát khí.

Người dân sống trên tuyến đường sẽ đóng chặt cửa nhà, dán bùa chú lên cửa để tránh oán khí lẻn vào gây hại.

Ở Chương Hóa, tiễn bánh ú là nghi thức cực kỳ trọng đại, phải thông báo cho toàn bộ người dân trong thôn xã, phát bùa chú cho mỗi nhà và cảnh báo trước để người dân né tránh, nếu không thông báo sẽ bị người dân ngăn cản không cho thực hiện.

6. Cương thi, đảo ma

Hòn đảo Tây Cát ở Bành Hồ, Đài Loan sở hữu một hang động đá bazan tự nhiên thuộc hàng đẹp nhất Đài Loan. Nơi đây từng vì một bức ảnh chụp mà nổi tiếng khắp mạng internet, nhờ vậy dịch vụ du lịch có bước phát triển vô cùng to lớn.

Trong số các dịch vụ được cung cấp ở đây, dịch vụ nổi tiếng nhất phải kể đến việc ngồi thuyền độc mộc đi thám hiểm hang động: trước mặt là những tảng đá biển to lớn, trải qua trăm ngàn năm tích lũy hình thành nên hệ thống hang động cực kì đồ sộ, khi ánh mặt trời chiếu xuống, ánh sáng ánh lên đá kết hợp với màu xanh của nước biển chung quanh làm người xem như lạc vào tiên cảnh. Sau khi thuyền vào hang, du khách sẽ được đặt chân lên hang động để tự mình khám phá vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của hang động, cảm nhận được sự sắc sảo và điêu luyện của thiên nhiên.

Dù sở hữu cảnh quan đẹp tới khó tả nhưng cư dân mạng lại đồn rằng hang động ven biển này từng là nơi dân cư địa phương dùng để vứt bỏ thi thể trẻ sơ sinh, là nơi cực âm. Vả lại năm 1978 sau khi chính phủ chỉ đạo dời thôn, đảo Tây Cát trở thành hòn đảo quỷ, từ đây lời đồn cương thi thường xuyên xuất hiện trên đảo bắt đầu nổi lên.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng đây chỉ là lời đồn vô căn cứ, còn lý do có lời đồn hang động ven biển này được dùng làm nơi vứt thi thể trẻ sơ sinh, một phần là do cha mẹ trên đảo thường doạ những đứa trẻ hư rằng họ sẽ vứt chúng vào hang nếu chúng không nghe lời.

Về lời đồn Tây Cát là đảo quỷ thì rất có thể là do gần khu vực này đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu, vụ đầu tiên là vào năm 1953, có gần 90 người chết. Đến khoảng 3 năm sau, một con tàu khác cùng đã bị đắm ở đó và làm 101 người tử nạn, cư dân và chính phủ trong khu vực đã làm một bia đá kỷ niệm ngay trên đảo.

Vào khoảng những năm 1980, vùng duyên hải Đài Loan rộ tin đồn là vào đêm sẽ có cương thi bơi lên bờ, lẻn vào thôn làng ăn thịt người. Đến sau này lời đồn được chứng thực là do bọn buôn lậu lan ra để tiện cho việc hoạt động phi pháp của mình.

Nhưng dù câu chuyện về cương thi và hòn đảo quỷ có thật không thì vẻ đẹp của đảo Tây Cát cũng là điều không thể nghi ngờ.

Đọc bài phần 2 tại đây.

THEO: KKNEWSDỊCH: THANH YÊN/LOSTBIRD

  • 3013
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
753

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)