logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha3 năm trước
Reading

Nếu có nút Ctrl F(ind) trong tay, hẳn tôi sẽ đọc xong "Hội Vệ Nhân" nhanh hơn

Vì những cái tên trong cuốn sách cứ lộn tùng phèo hết cả! Sao lại có nhiều tên đến thế? Bởi Hội Vệ Nhân là một cuốn tiểu thuyết trinh thám - hình sự, nên dĩ nhiên có sự góp mặt của rất nhiều luật sư, bị cáo, bồi thẩm đoàn, chuyên gia, nghi phạm... Thành ra lúc mới đọc mình bị ngộp và bị bối rối trong việc nhận dạng từng người (tác giả còn hay luân phiên khi gọi tên, lúc gọi họ của các nhân vật nữa nên mình càng lú). 

Hội vệ nhân (tên đầy đủ: Hội mục vụ Vệ nhân) là một tổ chức phi chính phủ chuyên về luật. Họ giúp đỡ những tù nhân bị oan bằng cách nhận thư từ phạm nhân khắp nơi trên thế giới. Tôn chỉ của hội là sẽ đọc và phản hồi tất cả các thông tin (dù họ có nhận vụ đó hay không), sau đó chọn lọc, tìm hiểu và xúc tiến xét xử hậu tuyên án của một số trường hợp để lật lại các bản án oan sai.

Dung lượng sách không dài (chỉ khoảng hơn 300 trang) nhưng mình đã mất khoảng ba tuần để đọc xong vì nội dung có phần lê thê, rời rạc và thiếu điểm nhấn. 

Tiểu thuyết xoay quanh vụ án của Quincy Miller. Anh bị kết tội đã bắn chết một luật sư ở Seabrook. Điều nực cười là bồi thẩm đoàn lại có niềm tin tuyệt đối vào lời khai của những kẻ chỉ điểm và “chuyên gia nghiên cứu”(*) để xét xử Quincy. Rõ ràng rất nhiều uẩn khúc trong vụ án nhưng mọi người đều nhắm mắt làm ngơ. Niềm tin của đám đông đã đánh bại sự thật hãy còn bỏ ngỏ và Quincy bị tống vào tù. Sau cú sốc vì công lý không được thực thi, luật sư biện hộ của Quincy đã rời Seabrook và không muốn quay lại thị trấn ấy nữa. Nhưng có thật là viên luật sư ấy chạy trốn chỉ vì thất vọng với hệ thống tư pháp nơi đây? 

Khi Cullen Post thuộc hội vệ nhân tiếp nhận bản án của Quincy, anh đã ở tù oan 22 năm. Hội vệ nhân bắt đầu xem xét lại các manh mối cũ và nỗ lực tìm manh mối mới, đồng thời Cullen Post cũng đi gặp các nhân chứng khi xưa để thuyết phục họ ký vào biên bản xác nhận lời khai hơn hai mươi năm trước của họ không đúng sự thật. Những cái tên trong truyện ngày càng nhiều thêm và tác giả còn xen kẽ thêm một vụ án khác nữa, thành ra đôi khi mình phải ngừng lại để nhớ xem nhân vật vừa xuất hiện nằm ở đâu trong bản đồ phá án của Cullen Post. 

Bản án của Quincy dần trở nên nguy hiểm và nhiều bí ẩn hơn khi Post và cộng sự phát hiện được nhiều manh mối quý giá: Hơn hai mươi năm trước, kho lưu trữ vật chứng ở Seabrook đã bị cháy nhưng có thể đó không phải là một sự cố; vụ việc một cảnh sát trẻ bị bắn khi đang trên đường làm nhiệm vụ cũng không phải sự cố;... Vậy nếu không phải sự cố, thì bàn tay nào đã sắp đặt những sự kiện này và tại sao họ phải tống Quincy vào tù? Kẻ sát nhân thực sự là ai?

Nếu đọc đến đây mà bạn đã thấy hơi tò mò, hồ hởi và mong chờ những cú twist thì xin chúc mừng bạn vừa quay vào ô mừng hụt như mình đã từng. John Grisham rất kiên trì trong việc khẳng định Cullen Post không phải thám tử hay cảnh sát để mà phá án. Anh muốn tìm ra sự thật, nhưng chỉ là sự thật để cứu thân chủ của anh khỏi cảnh đi tù oan mà thôi. Những câu chuyện, chi tiết nguy hiểm được thêm vào tiểu thuyết không hơn gì là một cú giật cho người đọc tỉnh ngủ và tiếp tục hành trình với Cullen Post: Đi gặp gỡ những nhân vật cần thiết cho vụ án, nói chuyện, kể chuyện… và thế là hết.

Xét về ý nghĩa thì đây là một câu chuyện nhân văn. Cullen Post là người có đạo đức, ưa lẽ phải. Chính vì thế, anh đã từ bỏ công việc làm luật sư công để gia nhập hội vệ nhân. Khi là luật sư làm công ăn lương, có những khi anh buộc phải biện hộ cho một thân chủ có tội, nhưng với hội vệ nhân, anh có thể đưa người vô tội ra khỏi tù. Nếu không có Hội mục vụ Vệ nhân, rất nhiều người vô tội sẽ chết rục xương sau song sắt vì các phán quyết sai lầm của toà án. Những phán xét, phân biệt về màu da, chủng tộc đều được xoá mờ (hoặc dùng để phản ánh sự yếu kém của hệ thống tư pháp) trong tiểu thuyết. Nhưng vấn đề của John Grisham là có vẻ ông bị ám ảnh với màu da, thành ra nhiều chi tiết mô tả các nhân vật mang cho mình cảm giác thừa thãi. 

Có những chương, đoạn thiếu liên kết với nhau khiến mình phải vẽ ra một dấu hỏi to đùng trong đầu. Ví dụ, một phút trước, nhân vật còn đang trên hành trình giải quyết vụ án, một phút sau, anh ta đã xuất hiện ở nhà mẹ đẻ và kể chuyện về mẹ mình. Từ các chương sau, câu chuyện về bà mẹ bốc hơi và chẳng đóng vai trò gì trong toàn bộ các chi tiết truyện cả. Đây là một trong những phân đoạn mình cho là thừa thãi nhất trong tiểu thuyết và nếu muốn nhân vật có những khoảng nghỉ, hẳn John Grisham đã có thể sắp đặt các chi tiết khéo léo hơn thế.

Hội Vệ Nhân là một trong những tác phẩm hiếm hoi mình phải cảm thán dịch giả đã cứu cả câu chuyện. Sự ổn định trong dịch thuật và giọng điệu vừa hài hước vừa châm biếm của Cullen Post được bản dịch mô tả lại rất tốt, nhiều đoạn khiến mình phải phì cười. Nhưng mình không đánh giá cao một cuốn sách mà mọi ấn tượng tốt đẹp nhất đều dồn hết vào người chuyển ngữ chứ không phải bản thân tác phẩm. Nếu bạn muốn đọc câu chuyện trinh thám hình sự không có twist, không cao trào, chỉ đơn giản là kể lại một hành trình (không hẳn là) phá án cùng vài chuyện râu ria bên lề thì có thể đọc thử Hội Vệ Nhân. Nhưng nếu bạn là một người ưa những thứ “bánh cuốn”, tìm kiếm những cảm xúc hồi hộp, dồn dập và đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa các sự kiện thì mình nghĩ câu chuyện này không phù hợp với bạn lắm đâu.

Đánh giá cá nhân: 2/5.

(*) Vào thời gian Quincy bị xét xử, người ta vẫn chưa có công nghệ xét nghiệm ADN. Các chuyên gia trên toà hầu như không có chuyên môn nghiệp vụ. Họ theo học các khoá học ngắn hạn để lấy chứng chỉ hành nghề nhưng lại rất được bồi thẩm đoàn tin tưởng.

  • 2228
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1224
Ha Ha
Ha Ha3 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)