logo-maybe-vn
Mở app

Lụa - Sức mê hoặc không có lời giải thích

Alessandro Baricco là nhà văn, đạo diễn người Ý. Tiểu thuyết Lụa là một tác phẩm thành công của ông, ra đời vào năm 1996 và được dịch sang 37 thứ tiếng tính đến năm 2013. Cuốn sách cũng đã được chuyển thể thành phim vào năm 2007.

Bối cảnh của Lụa là năm 1861, khi những trận dịch bệnh xảy ra với loài tằm trên toàn cõi châu Âu, khiến cho ngành công nghiệp tơ lụa ở đây có nguy cơ bị tàn phá. Nhân vật chính là Hervé Joncour - một thương nhân người Pháp chuyên mua bán trứng tằm - đã quyết định tìm đến Nhật Bản để mua được loại trứng tằm thượng hạng.

Để cứu vớt ngành chăn tằm ở quê hương, Hervé Joncour đã chịu khó đi hàng ngàn cây số, băng qua bao vùng miền xa lạ, núi đồi, thảo nguyên và biển cả để đến được đất nước phương Đông bí ẩn mà anh chỉ biết tới qua những huyền thoại. Ở Nhật Bản, một gã đàn ông quyền lực tên Nguyên Mộc là người đã bán trứng tằm cho Hervé Joncour. Chuyện chẳng có gì đặc biệt nếu Hervé Joncour không phải lòng người phụ nữ của Nguyên Mộc. Tất nhiên đó là thứ tình cảm bí mật, vì bản thân anh cũng đã có vợ. Vì tình yêu cấm kỵ ấy mà anh quay lại Nhật Bản năm lần bảy lượt, bất chấp quãng đường xa xôi và tình hình chính trị rối ren ở đó.

Nguồn ảnh: Người đô thị
Nguồn ảnh: Người đô thị

Điều đặc biệt tạo nên chất riêng của Lụa chính là ngôn từ khúc chiết và những chi tiết gãy gọn trải dài suốt 160 trang sách. Alessandro Baricco không miêu tả kỹ càng về bất cứ sự vật hay sự việc nào. Người phụ nữ của Nguyên Mộc có vẻ đẹp như thế nào? Vì sao Hervé Joncour lại say đắm cô ấy như thế? Người vợ của Hervé Joncour nghĩ gì khi thấy chồng mình cứ chăm chăm hướng về Nhật Bản? Không ai có thể trả lời được. Mọi thứ trong Lụa cứ như được phủ một màn sương mờ để cho độc giả tự dò dẫm. Một số chi tiết được lặp lại nhiều lần, có lẽ là để nhấn mạnh cảm giác mơ hồ của Hervé Joncour khi anh cứ đi theo tiếng gọi của tình yêu một cách mê muội.

Cái tên Lụa của tác phẩm chắc chắn không chỉ đơn giản là dùng để nói đến loại vải làm từ tơ tằm. Tác giả đã mô tả về lụa rằng “Nó nhẹ như thể không có gì giữa những ngón tay”. Mình đoán rằng “lụa” ám chỉ những cám dỗ vô hình mà Hervé Joncour gặp phải trên đất nước Nhật Bản. Hervé Joncour vốn là một thương nhân giàu có, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bên cạnh người vợ dịu dàng, thế mà anh vẫn bị cuốn vào tình yêu với một người phụ nữ xa lạ mà anh thậm chí còn không biết tên. Thứ cám dỗ ấy bao bọc lấy Hervé Joncour một cách mơ hồ, nhẹ nhàng như lụa, và có lẽ anh còn không biết rằng đó là cám dỗ, mặc dù nó thật sự tồn tại.

Ngay cả mối quan hệ giữa Hervé Joncour và người phụ nữ Nhật Bản cũng giống như “lụa” vậy. Tuy đó là những sự tiếp xúc hoàn toàn vô ngôn vì họ không nói cùng ngôn ngữ, nhưng ngòi bút của Alessandro Baricco vẫn có thể khắc họa sự say mê chìm đắm của cả hai nhân vật chỉ với số lượng câu từ ít ỏi. Giữa họ hầu như không có tương tác về mặt vật lý, vì thế những tình ý họ trao nhau cũng giống như tấm lụa phủ lên đôi mắt của người ngoài cuộc: âm thầm và kín đáo, một ngụm trà thay thế cho nụ hôn, một cái liếc mắt thay thế cho vòng tay ôm ấp.

“Lụa” cũng là sự ẩn nhẫn của Hélène, khi cô ấy thấy được sự xao lãng của chồng cô là Hervé Joncour trong những khoảnh khắc nhỏ nhặt của cuộc sống gia đình. Sau khi cô qua đời, Hervé Joncour mới hiểu được cô yêu anh đến nhường nào.

Mình nghĩ sự khiêm tốn trong việc miêu tả của tác giả có lý do đặc biệt. Đôi khi chúng ta cứ hành xử một cách cảm tính, nương theo cảm xúc của bản thân mà không buồn lý giải tính hợp lý của hành động. Dựa vào đó, Alessandro Baricco hướng tới sự tối giản trong cách kể chuyện, gọt bỏ đi mọi chi tiết không cần thiết. Không cần phải vận dụng nhiều lý trí hay tốn nhiều lời lẽ để mổ xẻ ý nghĩa, tất cả chỉ đơn giản là một chuyện tình cấm kỵ với cái kết cay đắng không thể nào tránh khỏi. Ngay cả nhân vật chính là Hervé Joncour cũng không thể nào giải thích được hành động của chính anh ta.

“Vào những ngày trời gió, Hervé Joncour đi xuống tận hồ và ngồi hàng giờ ngắm nhìn nó, vì hình như anh thấy phác họa trên mặt nước cái cảnh tượng nhẹ, như lụa và không thể nào giải thích được, đời anh”.

Baricco đã dựng lên một câu chuyện ẩn chứa sự chấp nhận rằng không có một sự an ủi nào, không có sự thay đổi hay đảo ngược dành cho cái kết của một hành động không đúng đắn. Mặc dù có sự sáng tạo trong lối viết, mình không thích Lụa cho lắm vì cốt truyện quá đơn giản, cộng với cách kể chuyện chứa nhiều ẩn khuất nhưng không gợi được sự tò mò đối với mình.

Chấm điểm: 7/10.

  • 2764
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1702

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)