logo-maybe-vn
Mở app

Bác sĩ Ignaz Semmelweis - Cả đời lao đao vì thuyết phục mọi người rửa tay

Bạn có biết rằng, việc đơn giản mình làm hằng ngày như rửa tay, mà lại có một hành trình lịch sử chông gai, phải năn nỉ, viết sách thì các ông các bà, nhất là bác sĩ mới chịu làm theo không?

Đó là điều xảy ra ở châu Âu giữa TK19, thời ấy chẳng mấy ai kể cả bác sĩ, những người khâu vá, thọt tay vào nội tạng của chúng ta ý thức việc rửa tay cả. Điều đó khiến tỷ lệ người bị thương chết vì nhiễm trùng, thai phụ chết vì sốt hậu sản luôn cao. Các bác sĩ thời đó chưa biết nhìn lại tay mình, mà họ nghĩ do đủ thứ lý do từ sản phụ như mất cân bằng máu, căng thẳng vì bác sĩ nam đỡ đẻ...

Bác sĩ sản khoa người Áo-Hung Ignaz Semmelweis là người đầu tiên nhận ra sự tương đồng giữa vệ sinh tay và giảm tỷ lệ tử vong của thai phụ. Thời gian làm việc ở bệnh viện Vienna, lượng sản phụ chết nhiều nhất là ở khu 1 đào tạo bác sĩ (10%), còn khu 2 đào tạo nữ hộ sinh tỷ lệ thấp hơn (4%). Nguyên nhân là vì những bác sĩ tương lai đó có tham gia học phẫu thuật phân tích tử thi và họ để nguyên bàn tay vừa chạm vào tử thi đó để đỡ đẻ cho sản phụ mà không rửa. Thời đó những người phụ nữ sợ hãi phân khu bác sĩ tới mức quỳ lạy để được sang khu 2, hoặc họ đẻ ngay trên đường đi để khỏi phải đến bệnh viện. Những sản phụ đẻ trên đường đó, tỷ lệ mắc bệnh vẫn thấp hơn đẻ ở phân khu 1.

Nhận ra điều đó, Semmelweis đặt một lọ dung dịch clo và bắt các bác sĩ trước khi khám cho sản phụ phải rửa tay bằng dung dịch đó. Kết quả là tỷ lệ chết đã giảm còn 2.2% vào tháng 6/1847, và chỉ còn 0% vào 2 tháng sau khi tuân theo quy định an toàn vệ sinh. Không còn nghi ngờ gì nữa, sốt hậu sản là do truyền nhiễm, từ vi khuẩn trên tay bác sĩ.

Semmelweis lập tức gửi thư trình bày học thuyết của mình cho cộng đồng y tế châu Âu nhưng bị khinh thường và bác bỏ. Tất cả là do sự bảo thủ của những kẻ làm việc để cứu mạng người, họ không đồng ý nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân họ và cho rằng việc rửa tay chẳng khác nào việc làm xúc phạm danh dự. (Ủa? chắc họ nghĩ bác sĩ là thánh thần, tay khỏi rửa cũng tự sạch).

Chẳng mấy chốc ông bị mất đi sự tôn trọng của đồng nghiệp và người trong ngành, và bị đuổi khỏi bệnh viện đa khoa Vienna. Ông quay về quê nhà Budapest làm việc không lương tại Szent Rókus, nơi đây ông cũng áp dụng quy trình rửa tay và kết quả vẫn thành công như mong đợi, tỷ lệ tử vong giảm còn chưa tới 1% từ ngày ông công tác tại đây. Vậy mà họ vẫn một mực bác bỏ, thậm chí một giáo sư đầu ngành tại đó còn cho rằng cho ruột sản phụ không sạch mới bị chết và áp dụng phương pháp thanh lọc cơ thể cho họ.

Google vinh danh Ignaz
Google vinh danh Ignaz

Sách ông viết về học thuyết vô trùng cũng bị chỉ trích dữ dội, mà Semmelweis lại rất nhạy cảm với những lời chỉ trích (khi cả thế giới ngu ngốc mà chỉ có mình tỉnh thì cũng dễ hóa điên lắm). Không được coi trọng ở bệnh viện, sách viết ra không ai chú ý, sản phụ vẫn chết khắp châu Âu, ông rơi vào trầm cảm và dần mắc bệnh tâm thần.

Suốt ngày ông chỉ nói về sốt hậu sản, nghiện rượu và dần mắc chứng mất trí nhớ. Năm 1865, thầy ông Ferdinand Ritter von Hebra dụ ông vào bệnh viện tâm thần, nhưng lừa ông bằng cách bảo rằng đến thăm học viện mới. Khi đến nơi nhận ra sự thật, Semmelweis cố bỏ trốn nhưng bị đám lính bắt lại đánh đập dã man khiến ông bị thương tay phải, sau đó bị nhốt trong ngục tố. Ông qua đời 2 tuần sau ở tuổi 47, vì nhiễm trùng máu ở vết thương, thứ mà ông dành cả đời thuyết phục người ta rửa tay để không mắc phải.

Tượng đài ông ở Budapest
Tượng đài ông ở Budapest

Nhiều năm sau cái chết của ông, phải nhờ Louis Pasteur phát triển học thuyết mầm bệnh và đưa ra lời giải thích có hệ thống những phát hiện của Semmelweis, công trình của ông mới được công nhận và người ta mới chấp nhận thủ tục sát trùng tay chân cùng dụng cụ y khoa.  

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
419

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)