logo-maybe-vn
Mở app

Đạo diễn Todd Phillips công bố tựa Joker mới - Folie à Deux: Rối loạn tâm thần truyền nhiễm

Sau một khoảng thời gian được bật đèn xanh cho phần sau phim Joker, đạo diễn Todd Phillips cuối cùng cũng công bố tựa phim cùng đồng biên kịch Scott Silver. Folie à Deux là một rối loạn tâm thần chia sẻ, xảy ra ở hai người trở lên, thường là trong một gia đình. Tựa phim khơi gợi tò mò và nhiều giả thuyết xoay quanh nội dung phần sau của Joker.

Joker do Todd Phillips đạo diễn ra mắt năm 2019 đã đạt nhiều thành tựu vang dội, được nhắc đến nhiều nhất là diễn xuất của nam chính Joaquin Phoenix - vốn đã mang về cho anh tượng vàng Oscar. Đã 3 năm kể từ phần phim đầu tiên, Joker: Folie à Deux mới đi vào giai đoạn sản xuất. Hiện giả thuyết nhiều người nghiêng về nhất là sự xuất hiện của Harley Quinn. Hoặc là, Folie à Deux ám chỉ cả Bruce Wayne, có thể cả 3 cùng điên. Dù sao thì khả năng cao, trong thời gian tới, chúng ta hãy nín thở chờ thêm một Harley mới.

Folie à Deux là gì?

Folie à Deux là thuật ngữ tiếng Pháp có nghĩa “điên cả đôi”, ngoài ra còn có nhiều từ đồng nghĩa khác như “loạn trí kép”, “loạn trí truyền nhiễm”...v.v. Nó bao gồm một số triệu chứng tâm thần, nhất là hoang tưởng, xảy ra ở hai người trở lên có tiếp xúc gần gũi, thường là sống cùng một nhà, môi trường biệt lập, có trường hợp cả gia đình 3-4 người cùng “điên”.

Nhưng trong Folie à Deux chỉ có một người bị bệnh thật sự, (những) người còn lại chỉ bị ảnh hưởng và triệu chứng có thể biến mất nếu được tách khỏi bệnh nhân nguyên phát. Rối loạn đôi này dễ xảy ra ở những gia đình biệt lập, người bệnh nguyên phát có vị trí thống trị dễ ảnh hưởng đến các thành viên còn lại. Thế nên Folie à Deux rất hiếm gặp và thường là những trường hợp rất đặc thù.

Cụm từ Folie à Deux không xuất hiện trong DSM-5 như một rối loạn riêng mà được chia thành 4 mục phụ:

Folie imposée: Người khỏe mạnh trở thành bệnh nhân thứ phát do ảnh hưởng hoang tưởng từ người bệnh nguyên phát.

Folie simultanée: Hai bệnh nhân cùng có bệnh tâm thần phát triển những hoang tưởng chung.

Folie communiquée: Tương tự Folie imposée, nhưng trước đó người bệnh thứ phát có giai đoạn phản kháng lại, cuối cùng vẫn bị ảnh hưởng bởi người bệnh đầu tiên.

Folie induite: Một người đã có bệnh tâm thần rồi nhưng tiếp nhận thêm ảo tưởng của bệnh nhân khác có tiếp xúc gần gũi.

Một số trường hợp Folie à Deux

Trong một bài nghiên cứu của Indian Journal Psychiatry có dẫn trường hợp Folie à Deux, xảy ra ở 2 mẹ con. Người mẹ 40 tuổi đã ly dị, sống cùng con trai 20 tuổi. Bà có triệu chứng hoang tưởng đã 8 năm nay, kết tội hàng xóm là phù thủy và thường chửi bới họ to tiếng. Bà ép con trai chỉ được ở trong nhà, cắt hết liên hệ với lối xóm. Người con trai này bắt đầu thay đổi hành vi từ 4 năm nay và cũng tin nhà mình bị hàng xóm ếm bùa, chửi bới họ như mẹ. Hai mẹ con này được người cậu mang đi Viện Sức Khỏe Tâm Thần và Thần Kinh Kozhikode, chữa trị riêng và khởi sắc sau một tháng. Người con trai khi ra viện đồng ý sống với cậu, tách khỏi mẹ.

Ngoài ra, trong lịch sử có nhiều vụ án mạng gây ra bởi hai hung thủ có mối quan hệ gần gũi và chung hoang tưởng. Như vụ án kinh hoàng gây ra bởi Nathan Leopold và Richard Loeb năm 1924 tại Mỹ, cặp đôi đồng tính có học thức cao này gây ra nhiều vụ phóng hỏa và đột nhập, sau cùng là sát hại một cậu bé 14 tuổi.

Hay cặp chị em người Pháp Christine và Lea Papin làm giúp việc tại nhà Lancelin. Hai chị em có tuổi thơ bị bạo hành và lạm dụng bởi người cha, lớn lên làm việc tại nhà Lancelin, họ được miêu tả là khép kín, không giao thiệp với ai. Bản thân bà chủ Leonie cũng không bao giờ nói chuyện với người hầu mà dần dần mệnh lệnh được giao qua giấy viết tay trong suốt 7 năm.

Năm 1933, trong một lần cãi nhau với chủ, Christine đột nhiên chuyển mình, từ người hầu ngoan ngoãn trở thành con quái vật, móc mắt cô con gái lớn Genevieve Lancelin bằng tay không. Lea cũng nhanh chóng tham gia bằng hành vi tương tự với bà Leonie. Hai chị em hành thích mẹ con chủ theo cách tàn bạo đến mức mặt họ không còn nhận diện được nữa rồi vào phòng khóa cửa. Người chồng Rene cùng con rể trở về không mở cửa được và nhà tối đen nên đã gọi cảnh sát, từ đó phát hiện vụ việc.

Hai chị em họ bị tách nhau ra để các nhà tâm lý học nghiên cứu. Theo ghi chép, trong thời gian bị chia cắt, người chị Christine cực kỳ căng thẳng. Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi tại Pháp bởi vấn đề giai cấp. Các nhà tâm lý học cũng nhắc đến Folie à Deux trong trường hợp hai chị em, thế nhưng thời điểm đó chẩn đoán bệnh tâm thần rất khó khăn và trong mắt tòa, hai chị em này quá đỗi bình thường.

Christine bị xử tử hình còn Lea phạt 10 năm lao động khổ sai. Thế nhưng, trong thời gian chờ thi hành án, Christine có động thái tự móc mắt mình nên người ta đành trói cô trong bộ đồ dành cho bệnh nhân tâm thần. Cuối cùng, Christine nhịn ăn đến chết, còn Lea sau khi thi hành án thì dọn về sống với mẹ một đời im lặng với cái tên giả.

  • 3260
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
491

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)