logo-maybe-vn
Mở app
K
K2 năm trước
Reading

Mắt Sói - Một chú sói sẽ dạy chúng ta những gì về thiên hiên?

Hồi nhỏ, tôi từng ước rằng mình có khả năng nói chuyện với động vật đề tìm hiểu xem chúng thường nghĩ gì, đã trải qua những gì, và cuộc đời chúng ra sao. Hồi đó, tôi bị nghiện phim hoạt hình nặng nên cứ mỗi lần nhìn thấy bọn chó mèo gà vịt chạy quanh xóm, tôi lại được dịp giở chiêu “đấu mắt thần giao cách cảm” với bọn chúng giống Siêu Nhân (Superman) vậy. Hàng xóm bảo tôi điên, bố mẹ bảo tôi còn đùa rằng phải học tiếng loài vật rồi mới hiểu chúng được. Dĩ nhiên, tôi không tin. Mãi sau này vào lớp 1 rồi tôi mới ngộ ra: hóa ra mình từng ấu trĩ đến khó tin! 

Nhưng rồi, thời gian trôi đi, những hoài niệm tuổi thơ cũng trở thành nỗi nhớ, thành dư vị khó quên trong đời. Đôi khi, tôi lại nghĩ về điều ước trẻ con ngày xưa đó, mong sao nó thành hiện thực, dù chỉ một thoáng, để tôi trở về tuổi thơ. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi tôi đọc cuốn Mắt Sói của Daniel Pennac - một câu chuyện tưởng tượng phong phú, đầy hấp dẫn về thế giới giữa người và động vật đã xóa nhòa rào cản ngôn ngữ, nơi chúng ta đều hiểu nhau. 

Daniel Pennac sinh năm 1944 tại Casablanca (Ma rốc). Thuở nhỏ, ông đã theo chân bố mẹ đi khắp nơi trên thế giới: Châu Âu, Châu Á, Châu Phi... Trải nghiệm sống phong phú có được qua những chuyến phiêu lưu ấy đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đa dạng về thể loại trong sáng tác của nhà văn. Và ông đặc biệt ghi dấu ấn trong nền văn học Pháp với những câu chuyện viết cho thiếu nhi, đặc biệt với những cuốn Mắt Sói, Cún Bụi Đời,...

Ngay từ chương đầu Mắt Sói đã khiến tôi nhớ đến một người bạn thân thiết của mình, người dành hàng giờ trong sở thú để nhìn con sói mắt láo liên, chạy quanh chuồng liên tục như phát rồ. Nó cũng khiến tôi nhớ rằng mình cũng đã từng ngồi nhìn những loài vật đó với ánh mắt đầy hứng thú và phấn khích như vậy. 

Mắt Sói là một cuộc giao tiếp bất bình thường giữa hai thế giới xa lạ. Không lời chào. Không lời mở đầu. Không bất cứ ngôn ngữ nào được sử dụng. Chỉ có ánh mắt giữa người và sói là hình thức giao tiếp duy nhất. Nếu ban đầu Sói dửng dưng trước sự chú ý của cậu bé thì chính sự kiên nhẫn, đồng cảm của cậu bé đã khiến Sói - động vật kiêu hãnh của rừng xanh, một ngày kia quyết định gạt bỏ tự tôn của mình, gạt bỏ lời thề quyết không quan tâm đến con người và nhìn vào sâu trong đôi mắt cậu. Và rồi cuộc phiêu lưu về Châu Phi và những điều lý thú bắt đầu hiện ra. Một tình bạn kì lạ nảy nở qua song sắt sở thú, và rồi lan rộng, lan rộng ra khắp lục địa Châu Phi. 

CÁCH CON NGƯỜI ĐỐI XỬ VỚI THIÊN NHIÊN

Gửi gắm qua lăng kính cái nhìn của Sói về con người, Pennac muốn nói về cách chúng ta đối xử với thiên nhiên. Men theo suy nghĩ và lời thề của Sói “không một mảy may về con người, không một cái nhìn, tuyệt nhiên không có gì” và qua lời căn dặn của mẹ Sói - Hắc Hỏa, con người hiện lên như hiểm họa của muôn loài: 

“Con người! Một toán đi săn… Họ đang săn lùng cả nhà sói... Vậy tuổi thơ của mi là như vậy sao, Sói Lam? Đó là những cuộc trốn chạy các toán đi săn ư? Vâng, nó như thế đấy.”

Trong câu chuyện, ta thấy cả tuổi thơ Sói gắn liền với việc trốn chạy con người nhưng đâu trốn được mãi, việc chạm mặt con người dường như điều không thể tránh khỏi. Đó là khi cậu nhìn thấy chính người em Ánh Vàng của mình bị con người bắt. Là một người anh cả, Sói đã bất chấp hiểm nguy bay “lên trên làn không khí bỏng rát trên đám lửa” để cắt sợi dây và cứu em mình. Để rồi sau đó chính mình bị bắt và bị nhốt vào sở thú!

Khi cậu bé nhìn sâu vào mắt Sói, cậu bé còn trông thấy trong con mắt đó là cả một trời tuyết trắng Alaska. Đó là tuổi thơ của Sói khi sống cùng sói mẹ Hắc Hỏa và các anh chị em tại vùng tuyết trắng Cực Bắc Canada. Cuộc sống của đàn sói là hành trình dài dằng dặc, liên tục di chuyển để trốn tránh sự săn đuổi của con người, và sau cùng, nó bị tách ra khỏi thế giới của chính mình và bị đưa tới “thế giới khác”, thế giới của con người, thế giới bị vây bọc bởi những lưới sắt và tường bê tông, thế giới mà bọn trẻ bắt chước những trò ngốc nghếch của lũ khỉ còn lũ khỉ thì bắt chước điệu bộ của con người.

“Tất cả vườn thú này, tất cả những con thú thoáng gặp này, chúng cũng bị giam cầm nên buồn vô cùng, những gương mặt người qua lại mà nó vờ như không nhìn thấy này, rồi những đám mây của bốn mùa bay qua, chiếc lá cuối cùng trên cây của nó rớt xuống, cái nhìn lần cuối của Gà Gô và cái ngày nó quyết định không động tới khẩu phần thịt của nó nữa…”

MONG ƯỚC TRỞ THÀNH BẠN VỚI THIÊN NHIÊN 

Nếu hiện lên trong mắt Sói, con người là một hiểm họa thì trong con mắt của cậu bé Phi Châu, con người và động vật gắn bó với nhau như những người bạn. Hành trình lưu lạc của cậu bé khắp ba miền Châu Phi đều gắn liền với những người bạn động vật. Từ Châu Phi Vàng - Châu Phi của cát hay sa mạc Sahara của lặng im, Châu Phi Xám - nơi của thương mại, mua bán cho đến Châu Phi Xanh - nơi của rừng rậm và cây cối tươi tốt. Mỗi lần đến vùng đất mới cậu đều kết giao với những bạn loài vật khác nhau. Nào là lạc đà Hàng Xén, báo, bầy dê, cừu…Tất cả đều là những người bạn đường tuyệt vời trong suốt những năm tháng lưu lạc đó.

Thế giới cuối cùng mà cậu bé đặt chân đến là “một thế giới khác”. Ở đó không còn Vua Dê, Lão Toa, không có thương nhân nào cả, ở đó cậu gặp được gia đình yêu thương cậu và chung sống hài hòa với thiên nhiên.

“...- Đấy, con nhìn xem. Cha Bia nói, cách đây không lâu, rừng còn trải dài đến tận chân trời. Giờ đây người ta đã chặt hết cây rồi. Và khi cây không còn thì trời cũng chẳng mưa nữa. Đất sẽ cứng đến mức chó cũng không thể chôn xương của nó xuống.”

KẾT

Điều tôi ấn tượng nhất trong câu chuyện có lẽ là cách mà tác giả truyền tải thông điệp đến bạn đọc. Nếu là trẻ con có lẽ sẽ thích thú với thế giới loài vật, với những cuộc phiêu lưu mới lạ. Nhưng với người lớn có lẽ đó không chỉ là câu chuyện của những chuyến đi mà đó là những vấn đề nổi cộm của xã hội ngày nay: nạn săn bắt động vật. Tiểu thuyết của Daniel Pennac nhẹ nhàng, giản dị, ông viết cho trẻ em nhưng lại khiến người lớn ngỡ ngàng. Còn với riêng tôi, cuốn sách mang lại niềm an ủi cho giấc mộng thuở thiếu thời, cho những niềm mộng mơ của con trẻ, dù tôi đã lớn. 

Tôi đã nghĩ, sau này tôi sẽ muốn đọc lại cuốn sách này cho một đứa em, đứa cháu nhỏ nào đó trong nhà nghe, để dụ bé đọc sách, và thế nào bé cũng mê tít câu chuyện về những con sói biết trò chuyện. Quyển sách có đầy đủ những điều mà tôi muốn nói với một cô bé, cậu bé; và tuyệt hơn là có những điều mà chúng sẽ say mê: một chuyến phiêu lưu hồi hộp đầy trắc trở, những người bạn hào hiệp sẵn sàng giúp đỡ bạn, lòng can đảm, sự quyết tâm,...

Daniel Pennac, bằng giọng văn hài hước mà không kém phần sâu lắng, đã viết nên câu chuyện đẹp đẽ về tình bạn giữa con người và loài vật, về cuộc phiêu lưu xuyên lục địa vô cùng thú vị. Cuốn sách mang lại sức hấp dẫn khó cưỡng với độc giả ở mọi lứa tuổi, cùng những bài học về mối tương quan mật thiết giữa loài người với tự nhiên, về cách chúng ta đang thực sự đối xử với mẹ thiên nhiên. 

ĐÁNH GIÁ: 4/5*

15/5/2022 

  • 2599
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
386
K
K2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)