logo-maybe-vn
Mở app
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

"Nhuỵ Khúc" và lối viết sương mù phi thực: Điều gì sẽ xảy ra nếu ta đi trong sương mù quá lâu?

Mỗi khi đọc xong một cuốn sách, mình gần như có thể quyết định luôn mình thích nó hay không, và mình nghĩ gì về nó. Nhưng với Nhuỵ Khúc, đầu óc mình là một mảng trắng trơn sau khi gấp lại tiểu thuyết hơn hai trăm trang này. Không phải vì bất ngờ hay choáng ngợp, mà vì tất cả những chỉ dẫn, chi tiết gợi mở trong sách đến cuối hoá thành một mớ bòng bong. Không còn đủ hấp dẫn để mình suy nghĩ tiếp, cũng không đủ thoả mãn để mình thở dài một hơi và hồi tưởng lại những gì vừa đọc. 

Nhuỵ Khúc là một tiểu thuyết có không gian và thời gian chồng chéo nhau. Với lối viết sương mù, nhưng cũng vừa đủ để không xoá nhoà tất cả các đường biên giữa quá khứ và hiện tại, mơ và thực, mở đầu của tiểu thuyết này gây được cho mình cảm giác chờ mong và bị thu hút. 

Nhuỵ khúc là một loài cây không có thực nhưng trong thế giới ấy, những chiếc lá nhuỵ khúc luôn ám ảnh trên bầu trời của Trang - nhân vật có điểm nhìn của người kể chuyện. 

Tuổi thơ cô lớn lên trong sự xung đột lặng thầm của bố mẹ và thái độ gay gắt, bạo lực của bố. Thị trấn có nhuỵ khúc của Trang luôn luôn nhuốm màu buồn bã và  ẩm ướt của những cơn mưa. Đó là một mảnh đất bí ẩn với những hình ảnh luôn bám chặt lấy ký ức của Trang: tờ giấy trắng giữa bố mẹ, ngôi mộ đá vô danh trên núi, hay những tấm màn sẽ được vá và chôn cùng chủ nhân của nó khi qua đời… Những câu chuyện lạ lùng về thị trấn ấy luôn được đảo đi đảo lại xuyên suốt cuốn sách, khiến những lớp sương mù dường như lại dày thêm. Hành trình ngược về thị trấn của Trang vượt khỏi cơn mơ khi cái chết của Vũ - người bạn cô quen tại tiệm sách cũ, xảy ra. Cô đi tìm hiểu nguyên do về cái chết của bạn mình, hay đi nhặt lại những mảnh vỡ quá khứ và ghép chúng lại với thực tại? Hoặc có thể là cả hai. Với Nhuỵ Khúc, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi tới mọi ngõ ngách của quá khứ và thực tại, lội lại dòng thời gian để nhìn theo những câu chuyện đã qua.

Vũ và Trang đều là những con người mang nhiều ẩn ức. Nhưng ẩn ức nơi Vũ khiến mình tò mò và thích thú hơn, có thể là vì những phân đoạn ký ức của Trang nhiều quá, thành ra có cảm giác bị kể lể dông dài và bớt đi phần bí ẩn. Không khí kì bí huyền ảo của Nhuỵ Khúc mang cho mình cảm giác bồng bềnh, nhẹ tênh. Những địa danh, câu chuyện được kể bên trong vừa giản dị chân thực, lại vừa mang gì đó phi thực. Đó là phố Chìa với vụ án mất tích trong sương mù, và những người lính Pháp không hề biết vào ngày định mệnh ấy, họ sẽ bốc hơi khỏi thế gian, hay căn nhà của Choi Choi - cậu bé mang tên một loài chim từ phương Bắc, sống ẩn dật ở nơi không có trên bản đồ… Tất cả chồng chéo, đan xen và ít nhiều có liên quan đến nhau, nhưng cho đến tận cùng thì những liên quan ấy không nói lên được điều gì nhiều lắm.

Nhuỵ Khúc là một tiểu thuyết dễ gây hứng thú bởi cách viết gần như luôn luôn cài cắm bí ẩn của tác giả, không bao giờ nói rõ ràng bối cảnh hay thực hư một câu chuyện nào. Nhưng những bí ẩn cứ kéo dài mãi, các dữ kiện được phơi bày rải rác không rõ có chủ ý hay không. Chính cái kéo dài mãi này khiến mình mệt mỏi, vì khi sự hồi hộp cứ dâng cao mãi thì tất cả sẽ bị bão hoà, không còn muốn tìm hiểu gì thêm nữa. Những ký ức của Trang về nhuỵ khúc làm mình mong chờ một câu chuyện phía sau loài cây không có thật này, nhưng rồi sau cùng, mình lại đành tự mặc định đó chỉ là một thứ “đạo cụ” giống như ngôi mộ đá, tấm màn,... Để tô đậm thêm quá khứ bất-thường của nhân vật, không hơn. Không riêng gì hình tượng nhuỵ khúc, rất nhiều chi tiết được bày ra trong tiểu thuyết này cho mình cảm giác thừa thãi. Có thể bí ẩn và gây hứng thú đấy, nhưng càng đọc càng thấy bối rối và thấy “thừa”.

Mình không rõ nên xếp cuốn sách này vào dòng tâm lý, trinh thám (nếu là trinh thám thì nhiều chi tiết lại trở nên thiếu logic và thiếu tính liên kết), hay đơn giản chỉ là một cuốn sách mang quá nhiều ẩn ức cá nhân. Cảm giác yếu tố nào cũng được nhồi một ít, và đến cuối thì tất cả hoá hư không (hoặc hoá thành một vết thương hở chưa được giải quyết triệt để). Tác giả có sáng tạo trong việc khai thác lại dòng chảy của lịch sử, cùng giọng văn bình tĩnh và nhẹ như những giấc mơ khiến độc giả dễ tiếp cận tiểu thuyết hơn. Nhưng đến cuối cùng, phải nói thật rằng mình khá thất vọng khi gấp lại cuốn sách. Các chi tiết được cài cắm xuyên suốt tạo ra một mê cung lớn (thực sự là mê cung với rất nhiều ngõ cụt), mà khi đi đến tận cùng thì chỉ thấy một lối ra rất hẹp. Khi đọc xong Nhuỵ Khúc, mình tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra khi ta đi trong sương mù quá lâu? Với mình, đó là cảm giác mệt mỏi và muốn nằm xuống ngủ một giấc cho xong.

Đánh giá cá nhân: 2/5.

  • 2104
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
126
Ha Ha
Ha Ha2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)