logo-maybe-vn
Mở app

Đường thốt nốt - Một trong những niềm tự hào của người dân An Giang

An Giang gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách bởi vẻ đẹp bình dị của vùng đất miền Tây sông nước, nơi có sự pha trộn và hội tụ của nhiều nền văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm, Hoa. Bên cạnh đó, An Giang còn níu chân nhiều du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, nên thơ bởi cánh đồng lúa xanh ngắt với những hàng thốt nốt vút tận trời cao. Người An Giang sống chung với cây thốt nốt đã hàng trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ, đặc biệt gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Bảy Núi, nhất là bà con người dân tộc Khmer. 

Ấn tượng ban đầu, cây thốt nốt cao chừng 20m, nhìn từ xa giống cây dừa, nhưng thân cây to và cao, lá xòe tán như lá cọ. Cây thốt nốt cái kết thành từng chùm 50-60 quả, mỗi quả nhỏ hơn trái dừa Xiêm, bên trong có nước và lớp cơm màu trắng đục. Còn thốt nốt đực chỉ ra hoa, không ra quả, và khác với suy nghĩ của nhiều người, sản phẩm đường thốt nốt - đặc sản của vùng thốt nốt - được chế biến từ nước của hoa thốt nốt đực, dù quả thốt nốt cũng có nước nhưng rất ít, chủ yếu là lớp cơm mềm dẻo, thanh ngọt.

Tại đây, có một nghề được gọi là nghề "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời", cái tên này được đặt cho những người trèo cây thốt nốt.

Thốt nốt ngoài là một món ăn khá thú vị và một loại nước giải khát lạ miệng, hương thơm ngọt ngào khiến nhiều người mê mẩn, đây còn là một nguyên liệu đặc biệt cho một loại đường cũng khá đặc biệt, đặc trưng tại vùng đất An Giang - Đường Thốt Nốt.

Cái nghề làm đường thốt nốt trông thật gian nan, nghe cái tên "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời" liệu có đủ để chúng ta hình dung được cái gian nan đó. Để làm cái nghề này, những người nông dân đã bắt đầu công việc từ 4,5 giờ sáng, trên những ngọn thốt nốt cao vút kia, leo thoắt thoắt từ cây này sang cây nọ. Họ lấy trái và lấy mật. Đeo những chiếc chai quanh lưng, cùng với đó là con dao và chiếc kẹp gỗ. Cứ mỗi sáng lại thấy những hình bóng quen thuộc trên những ngọn cây cao tới 20m, từ sáng sớm tới tầm trưa, rồi chiều lại tiếp tục hành trình thu mật. 

Những năm qua, cây thốt nốt giúp cho nhiều gia đình Khmer ở An Giang nói chung và đồng bào Khmer sinh sống ở huyện Tịnh Biên nói riêng thoát nghèo, đời sống bà con cũng nhờ thốt nốt mà ngày càng khấm khá. Nhưng giờ đây gần như cũng ít ai tha thiết với nghề làm đường thốt nốt truyền thống, một phần vì cực, một phần vì hành vi khách hàng đa số sử dụng đường cát mà quên lãng đi loại đường truyền thống này. Nhiều người trẻ chẳng còn hứng thú với nghề nữa, họ rủ nhau lên Sài Gòn, Bình Dương làm việc để kiếm thu nhập tốt hơn mà công việc cũng đỡ cực nhọc, nắng nôi hơn. 

Thu mật từ sáng sớm tới trưa nắng, chiều lại bắt đầu công cuộc làm đường, để làm được 1kg đường sệt nguyên chất, phải tốn tới 7 lít nước thốt nốt, và phải mất tới gần 10 giờ đồng hồ để nấu thành 50kg đường nguyên chất, trải qua các công đoạn: đun sôi, lọc, chiết qua 3 nồi nước khác nhau. Sau khi đường quánh lại thì cô chú phải đem ra đánh máy thêm 30 phút cho đường tơi ra và không còn bị vón cục, khi này màu đường trắng đục chuyển thành màu nâu vàng đặc trưng của Thốt nốt. Bên những bếp lửa hồng đang nhả khói, cùng với đó là mùi thơm nồng nàn, nhẹ nhàng của mùi đường thốt nốt, đây cũng là một vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất An Giang này.

Đường thốt nốt dường như ngày càng ít được quan tâm, bởi sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của ngành đường mía. Giờ đây những người làm nghề đường thốt nốt truyền thống cũng dần chuyển sang các hướng đi khác, một vài người vẫn yêu nghề nhưng lại chạy theo lợi nhuận mà đánh mất hương vị truyền thống của đường thốt nốt. Còn sót lại một vài cô chú vẫn quyết tâm giữ nghề truyền thống, một lòng với niềm tự hào truyền thống của người An Giang. Làm đường theo cách truyền thống, không chỉ có cực, còn phải bỏ công sức nhiều hơn, lượng đường mỗi lần chế biến cũng ít hơn, nhưng cô chú vẫn quyết giữ lấy nghề. Vậy mới thấy yêu hơn những con người, những vẻ đẹp truyền thống của vùng đất An Giang.

  • 1
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
530

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)