logo-maybe-vn
Mở app
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Mê Cung Thần Nông - Ta có thể là ai trong những câu chuyện cổ tích?

Cảnh báo: Review có tiết lộ nội dung truyện

__

Guillermo del Toro là đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất và tiểu thuyết gia người Mexico. Thể loại phim mà Guillermo làm vô cùng đa dạng, nổi bật nhất là các tác phẩm kì ảo u tối như Mê Cung Thần Nông, Hình Hài Của Nước, Hellboy… Ông từng giành giải Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, giải Quả Cầu Vàng, giải BAFTA và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Mê Cung Thần Nông (Pan’s Labyrinth) là cuốn sách được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của ông, do Cornelia Funke chấp bút. Trước khi bản tiểu thuyết ra đời năm 2019, bản phim năm 2006 được đón nhận nồng nhiệt và cũng giành được hàng loạt giải thưởng quốc tế như 3 giải Oscar, 3 giải BAFTA, giải thưởng phim Ariel…

Nội dung:

“Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa sống tại vương quốc dưới lòng đất, nơi không tồn tại những dối trá hay khổ đau…”

Mê Cung Thần Nông mở đầu như bao câu chuyện cổ khác, vẫn là lời chào “ngày xửa ngày xưa”, vẫn là nàng công chúa, phép thuật và những cận vệ, song cái kết của nàng tại đây lại chẳng hề có hậu. Vốn sẵn niềm tò mò với thế giới trên mặt đất, công chúa đã trốn vua cha và hoàng hậu để đến nơi có bầu trời, vậy nhưng ta không được nghe hành trình khám phá thế giới ấy của nàng lý thú ra sao, bởi “Chẳng mấy chốc, mặt trời đã xoá sạch mọi kí ức của nàng, khiến nàng quên mất mình là ai hay bản thân từ đâu mà tới. Nàng cứ thế lang thang trên mặt đất, chịu đựng giá rét, bệnh tật và khổ đau. Rồi cuối cùng nàng qua đời.”

Mà khi nhân vật chính của một câu chuyện cổ tích đã chết, vậy làm sao để câu chuyện ấy có thể tiếp tục?

Không chỉ đức vua và hoàng hậu, mà mọi cư dân dưới Vương quốc lòng đất đều mong ngóng ngày công chúa của họ trở về, bởi rằng dẫu thể xác có thể tan biến, nhưng linh hồn nàng bất tử. Thế là họ dùng đủ mọi cách, tìm mãi, tìm mãi mà không thấy công chúa của mình đâu. Thời gian trôi qua lâu đến nỗi người ta không thể đếm được tháng ngày. Rồi cuối cùng khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra trên thế giới mặt đất, Thần Nông - vị thần đầu sừng, cũng là người đã tìm kiếm nàng công chúa qua khắp các triều đại, thức tỉnh cùng các nàng tiên. Bởi rằng có một bàn tay con người đã chạm vào họ. Con người ấy chính là cô bé Ofelia - kiếp này của người mà họ vẫn hằng ngóng trông. 

Thông thường trong các câu chuyện cổ, nếu tìm được người cần tìm thì tác giả có thể đặt một dấu chấm hết thật trọn vẹn cho nó rồi. Thế nhưng Mê Cung Thần Nông thì ngược lại: Chỉ khi Ofelia được tìm thấy thì câu chuyện trong cuốn sách này mới bắt đầu.

Cảm nhận cá nhân:

Với mình, Mê Cung Thần Nông là một cuốn sách có cách kể khá thú vị. Lấy bối cảnh cuộc nội chiến Tây Ban Nha, tác giả pha trộn yếu tố thần thoại bằng cách kể song song các sự việc xảy ra ở hai tuyến thời gian: hiện tại ở Trái Đất của Ofelia và quá khứ trong thế giới mang màu sắc thần thoại của nàng công chúa bỏ trốn. Sau mỗi sự kiện xảy ra ở hiện tại là một bí mật trong quá khứ được tiết lộ. Rời khỏi Vương quốc dưới lòng đất, giờ đây Ofelia không còn là nàng công chúa được người người nâng niu, mà là một cô bé mất cha từ sớm, có người mẹ yếu đuối và một gã cha dượng máu lạnh. Và rồi vào lúc Ofelia đang muốn thoát khỏi cuộc sống tù túng như ngục đày này, cô được một nàng tiên dẫn lối tới mê cung của Thần Nông. Thần tiết lộ về thân thế của Ofelia và giao cho cô ba nhiệm vụ để hoàn thành. Chỉ khi hoàn thành được ba nhiệm vụ ấy, thân phận công chúa của Ofelia mới được khôi phục và cô mới có thể trở về Vương quốc của mình.

Nhân vật thực hiện nhiệm vụ để đạt được một phần thưởng nào đó không phải là một mô típ xa lạ trong truyện cổ tích. Song ở Mê Cung Thần Nông, nó vẫn hoàn thành khá tốt vai trò khơi gợi sự tò mò của mình. Các mẩu truyện cổ tích về Vương quốc dưới lòng đất và những chuyện đã xảy ra trên mặt đất từ xưa xửa xừa xưa xuất hiện với hình thức các truyện nhỏ độc lập chen ngang tuyến thời gian hiện tại. Tuy nhiên, cốt truyện vẫn được gắn kết với nhau bằng cách liên kết thân phận của từng người phàm tưởng như không liên quan gì đến truyện cổ, thế nhưng lại là một nhân vật từng xuất hiện trong đó, hoặc là có quan hệ với nó theo một cách nào đó. Trong truyện cổ tích, ta có thể là bất cứ ai. 

Tuy nhiên, Mê Cung Thần Nông có lẽ là một câu chuyện hơi đen tối với trẻ em, vì cuốn sách này không chỉ là chuyện cổ, mà còn là hiện thực. Trước khi bước vào thế giới của nàng tiên, Thần Nông, hay của Quỷ Nhợt Nhạt (Quỷ Ăn Thịt Trẻ Con), con cóc khổng lồ dưới lòng đất… Ofelia đã chịu đủ cảnh đọa đày ở thế giới hiện thực. Cô bé cố gắng bảo vệ mẹ trước uy quyền của Vidal - gã cha dượng mà cô luôn tự gọi là Sói, chỉ coi mẹ cô không hơn gì một công cụ sinh sản và coi cô như một thứ phiền nhiễu cần phải tống đi. 

Trong thời gian Ofelia ở nhà máy xay (căn cứ của Vidal và lính của hắn), cuộc nội chiến Tây Ban Nha vẫn diễn ra, và ta sẽ được thấy sự tàn bạo của Vidal khi tra tấn những người chống đối mình. Tim mình đã thắt lại khi chứng kiến những người tốt, những người nhân hậu, ngã xuống vì bảo vệ anh em, cha mẹ, gia đình mình. Hãy chuẩn bị tinh thần nếu bạn nghĩ đây là một câu chuyện cổ tích nhẹ nhàng và tươi sáng, vì thật sự mà nói, nội dung của nó có màu giống như chiếc bìa vậy.

Có lẽ vì được viết lại từ bộ phim cùng tên nên mình cảm thấy diễn biến truyện hơi nhanh. Mình đã hi vọng rất nhiều vào ba lần thực hiện nhiệm vụ của Ofelia nhưng tất cả diễn ra khá chớp nhoáng. Có lẽ khi lên phim thì những cảnh này sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn chăng? Hậu quả của sự chớp nhoáng này là khi đọc, mình chỉ biết rằng nó “khá là khó khăn” với Ofelia, ngoài ra không đọng lại gì nhiều. 

Một điểm nữa mà mình thấy khá đáng tiếc ở tiểu thuyết này là tâm lý nhân vật không được khắc hoạ quá đặc sắc. Thậm chí vì sự khai thác hơi hời hợt mà mình còn hơi ác cảm với nhân vật, như mẹ Ofelia chẳng hạn. Bà thật sự rất yếu ớt, luôn nghĩ rằng cần gửi gắm số phận vào một người đàn ông nào đó, và chỉ có tái giá với một người mạnh mẽ thì mới bảo vệ được bản thân và con mình. Mình thấy bà thật đáng thương vì không thể tự làm chủ cuộc đời mình, nhưng bên cạnh đó bà cũng thật đáng trách khi muốn lấy lòng Vidal mà không quan tâm đến cảm nhận của Ofelia. Chưa hết, hơi ngược đời một chút là mình thấy tâm lý của nhân vật phản diện Vidal còn được đầu tư hơn các nhân vật chính, về việc vì sao hắn lại có tâm lý máu lạnh và méo mó đến thế, tất cả đều có tiền căn hậu quả khá rõ ràng.

Chia sẻ thêm là mình đọc được một giải thích hơi đáng sợ cho câu chuyện này. Đó là thật ra, không có nàng công chúa nào cả. Tất cả những nàng tiên, Thần Nông, và việc thoát khỏi tên bạo chúa Vidal chỉ là tưởng tượng của Ofelia. Đó là lí do vì sao các nhân vật trong truyện cổ có tính cách và thân thế giống với một số người ở thế giới thực với cô bé. Và cuối cùng, quả thực Ofelia đã trở thành công chúa của Vương quốc dưới lòng đất, nhưng đó chỉ là một cách nói giảm nói tránh về việc cô đã mãi mãi ra đi với viên đạn găm vào ngực. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha vẫn tiếp diễn sau đó, vẫn có những người chết, những người máu lạnh như Vidal, và phải một thời gian nữa, cái kết được coi là có hậu cho hầu hết mọi người (khi cuộc chiến kết thúc) mới xảy ra.

Tuy nhiên sau tất cả, mình nghĩ ta có thể coi đây là những áng cổ tích sinh ra từ nỗi buồn chiến tranh. Và thì trí tưởng tượng có thể dẫn lối ta đến một kết cục nào đó khác, có thể hạnh phúc, có thể đau thương, như một chiếc mê cung có nhiều ngả ra vậy. 

Chúc bạn tìm được đường ra khỏi Mê Cung Thần Nông mà mình muốn.

Đánh giá: 3/5

  • 2187
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1654
Soda Chanh
Soda Chanh2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)