logo-maybe-vn
Mở app

Quốc tế Thiếu nhi, đọc sách gì? Hãy cùng mình xem qua những tác phẩm nhận giải Newbery

Văn học thiếu nhi có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ, tư duy, và đặc biệt là nhân cách của trẻ em. Vì thế, nhiều giải thưởng trên khắp thế giới đã ra đời nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong lĩnh vực văn học dành cho các đối tượng nhỏ tuổi, trong đó có Huân chương Newbery của Mỹ.

Huân chương Newbery là giải thưởng văn học hàng năm do Hiệp hội Dịch vụ Thư viện cho Trẻ em (ALSC) trao cho những tác giả có đóng góp xuất sắc nhất cho nền văn học thiếu nhi của nước Mỹ.

Vào tháng 1 hàng năm, ALSC sẽ lựa chọn và trao Huân chương Newbery (Newbery Medal) cho một tác giả có đóng góp nổi bật nhất đối với nền văn học thiếu nhi Mỹ trong năm trước đó. Bên cạnh đó, 1 - 5 giải thưởng Sách Danh dự (Newbery Honor) cũng được trao cho những tác phẩm nổi bật khác lọt vào danh sách bầu chọn. Tất cả những quyển sách này đều được in hình huân chương lên bìa sách. 

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, xin giới thiệu với các bạn một số tác phẩm đạt Newbery Medal và Newbery Honor đã được xuất bản ở Việt Nam.

1. Hố

Hố là một trong các tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn Louis Sachar, giúp ông giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Hoa Kỳ năm 1998 và Giải Newbery Medal năm 1999.

Nhân vật chính của Hố là Stanley Yelnats, một cậu bé khổ sở vì lúc nào cũng gặp xui xẻo. Bố cậu hay bảo rằng do một lời nguyền được truyền từ đời cụ cố nên bất cứ hậu duệ nào của nhà Stanley Yelnats cũng gặp phải vận rủi lớn. Vận rủi lớn nhất của cậu bé Stanley là bị kết tội oan. Cậu phải chọn một trong hai: vào tù hoặc đi cải tạo ở trại Hồ Xanh. Stanley chọn trại Hồ Xanh.

Ở trại Hồ Xanh đầy khô cằn, hàng ngày, Stanley và những cậu bé hư hỏng khác phải đào những cái hố và báo cho Trại Trưởng những gì chúng tìm được. Định mệnh đã đưa đẩy Stanley trốn khỏi trại. Từ đây những bức màn dần hé mở cho người đọc: Tại sao tên là trại Hồ Xanh mà lại khô cằn không có lấy một giọt nước? Tại sao lại phải đào hố mỗi ngày? Liệu việc đào hố có thực sự là để bồi dưỡng nhân cách bọn trẻ hay không? Vì đâu mà lời nguyền xui xẻo ra đời? 

Nhìn theo góc độ của mình, đây là một câu chuyện “ở hiền gặp lành”. Lúc đầu mình nghĩ rằng Stanley nhu nhược, ngốc nghếch, nhưng càng đọc mình càng nghĩ khác về Stanley. Cậu bé này kiên cường và lạc quan đến mức khó tin. Ở trại Hồ Xanh, Stanley phải sống trong điều kiện hết sức kinh khủng, bị bóc lột sức lao động, bị những đứa trẻ khác lợi dụng. Ấy thế mà cậu vẫn giữ nguyên sự ngay thẳng, tốt bụng. Mình tin rằng chính sự cố gắng của Stanley đã đem lại cho cậu những trái ngọt không ai ngờ đến.

Đối với mình, điều hấp dẫn ở Hố là lối dẫn truyện phi tuyến tính. Lối dẫn truyện này không phải điều gì mới mẻ, tuy nhiên lại phát huy rất tốt trong tác phẩm này để tạo nên bầu không khí bí ẩn, khiến cho mình tò mò và muốn đọc thêm nữa để giải đáp những thắc mắc trong đầu. Lối viết của tác giả rất rõ ràng, rành mạch. Không thừa hay thiếu một chi tiết nào, mọi thứ đều vừa đủ một cách hoàn hảo.

Chấm điểm: 10/10.

2. Gia đình dưới chân cầu

Gia Đình Dưới Chân Cầu là tác phẩm được trao Newbery Honor năm 1959 của nữ nhà văn Natalie Savage Carlson.

Tác phẩm khắc họa cuộc sống của tầng lớp vô gia cư ở Paris trong tiết trời cuối năm đầy buốt giá. Nhân vật chính là ông già Armand, một người vô gia cư độc thân đang rất hài lòng với cảnh “màn trời chiếu đất”. Mặc dù Armand quý mến trẻ em, ông cố gắng không để “chúng thó mất trái tim mình”, bởi vì “Trẻ con đồng nghĩa với nhà cửa, trách nhiệm cùng một công việc ổn định”. Nếu phải chăm sóc trẻ con thì Armand sẽ phải từ bỏ cuộc sống lang thang mà ông yêu thích. 

Đúng là người tính không bằng trời tính, vào một ngày nọ, Armand bắt gặp ba đứa trẻ vô gia cư đang chiếm lấy chỗ ở dưới chân cầu của ông. Chúng mồ côi cha, và mẹ chúng thì bận làm việc cả ngày ở tiệm giặt ủi. Không nỡ để lũ trẻ chịu đói và rét, Armand đã đứng ra chăm sóc chúng bằng lòng nhân hậu, sự yêu thương, và tất cả những gì mà một người vô gia cư có thể làm được. Ba đứa trẻ đã đánh thức những tình cảm mà Armand luôn cố gắng chôn sâu. Chưa bao giờ ông thấy hạnh phúc hơn lúc ông cưu mang lũ trẻ. Cuối cùng, sau bao đấu tranh nội tâm, Armand cũng đã dứt khoát từ bỏ kiếp sống nay đây mai đó để trở thành một người lao động chân chính. Nhờ vậy, ông có thể mang tới cho lũ trẻ điều chúng hằng mong ước: một căn nhà che nắng che mưa. 

Mình nhất định sẽ đọc lại câu chuyện này vào dịp Giáng Sinh bởi sự ấm áp mà nó mang lại. Với cách kể chuyện nhẹ nhàng và không kém phần hóm hỉnh, Natalie Savage Carlson dẫn dắt người đọc đi qua hoàn cảnh của những mảnh đời cơ nhỡ nơi Paris hoa lệ. Tuy có những lúc trái tim họ khép lại vì cuộc sống khốn khó, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ cũng có tình yêu và những ước mơ bình dị. Cuốn sách để lại bài học quý giá: Hạnh phúc bắt nguồn từ lòng nhân ái.

Chấm điểm: 8/10.

3. Chuyện Despereaux

Chuyện Despereaux là tác phẩm đoạt giải Newbery Medal năm 2004 của nữ nhà văn thiếu nhi Kate DiCamillo.

Chú chuột nhắt Despereaux từ lúc ra đời đã còi cọc một cách kì lạ. Cân nặng của chú chỉ bằng một nửa cân nặng trung bình của loài chuột nhắt. Càng lớn, Despereaux càng có nhiều nét khác biệt với anh chị em. Thay vì đam mê vụn bánh, chú lại đam mê âm nhạc và văn chương. Despereaux đem lòng yêu nàng công chúa Hạt Đậu và đã lấy hết dũng cảm để bắt chuyện với nàng. Hội Đồng Chuột ngay lập tức phạt Despereaux vì tội nói chuyện với con người.

Despereaux bị ném xuống hầm ngục tối, nơi tội nhân than khóc ngày đêm và cũng là nơi lũ chuột cống thực hiện những âm mưu thâm độc của chúng. Ở đó, con chuột cống Roscuro lên kế hoạch bắt giữ công chúa Hạt Đậu. Despereaux phải cố hết sức để vừa giữ được mạng khỏi móng vuốt của lũ chuột cống vừa giải cứu nàng công chúa.

Chuyện Despereaux có lối kể chuyện theo kiểu cổ tích với những chi tiết dí dỏm nhưng cũng có phần u ám. Hai phe thiện - ác được tác giả xây dựng một cách sống động, có động cơ, có mục đích rõ ràng. Cách tác giả làm bật lên sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chính và tà cũng rất hay. Tuy cách giải quyết sự xung đột trong truyện quá đơn giản và có phần gây hụt hẫng, nhưng vì đây là văn học thiếu nhi nên mình không quá khắt khe về khía cạnh này.

Chuyện Despereaux nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng vị tha: chỉ có tha thứ mới đem lại hòa bình thực sự, còn thù hận chỉ làm cho trái tim chúng ta thêm tổn thương mà thôi.

Chấm điểm: 8/10.

4. Bởi vì Winn-Dixie

Vẫn là nữ nhà văn Kate DiCamillo nhưng lần này là tác phẩm giúp bà đoạt Newbery Honor năm 2001 - Bởi Vì Winn-Dixie.

Opal, một cô bé lên mười tình cờ gặp chú chó hoang trong khi đang mua đồ ở cửa hàng tạp hóa. Đó là một con chó bự, gầy giơ xương, trụi lông và bốc mùi, nhưng khóe miệng của nó luôn nhoẻn lên như biết cười. Opal quyết định nhận nuôi chú chó và đặt tên nó là Winn-Dixie, trùng tên với cửa hàng tạp hóa nơi cả hai gặp nhau.

Gia đình Opal vừa mới chuyển tới Florida không lâu. Mẹ của Opal đã bỏ đi năm cô bé lên ba. Cha cô bé là một mục sư, và ông lúc nào cũng giống như “một con rùa ẩn nấp trong mai, suy nghĩ về mọi thứ và chẳng bao giờ thèm ló đầu ra với thế giới”. Opal không có nhiều bạn bè. Trái tim của Opal luôn cô đơn và trống trải, cho tới ngày em gặp được Winn-Dixie.

Từ khi có Winn-Dixie, cuộc sống của Opal thay đổi. Nguồn năng lượng tích cực mà Winn-Dixie mang lại đã sưởi ấm tâm hồn lương thiện của Opal, giúp cho em có thêm can đảm để trò chuyện với những người xung quanh. Cha mở lòng hơn với em. Em có thêm nhiều người bạn thú vị trong thị trấn. Em cũng đã dần quen với sự thật là mẹ sẽ không trở lại. Đối với Opal, mùa hè trở nên kỳ diệu là bởi vì Winn-Dixie, nhưng cô bé không biết rằng cũng bởi vì mình mà Winn-Dixie và nhiều người khác đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Tuy motif không mới lạ và cách kể chuyện về sau hơi lan man, nhưng nhìn chung đây một cuốn sách đáng đọc. Với giọng văn gần gũi, nhẹ nhàng, Bởi Vì Winn-Dixie truyền tải thông điệp ý nghĩa “cho đi là nhận lại”.

Chấm điểm: 7/10.

5. Kira-kira

Kira-kira là tiểu thuyết đoạt Newbery Medal năm 2005 của nhà văn Cynthia Kadohata.

Kira-kira là lời tự sự theo kiểu nhật ký của Katie Takeshima - một cô bé người Mỹ gốc Nhật. Cha mẹ của Katie là người Nhật đang làm ăn sinh sống tại Mỹ. Họ đã sinh ra Katie ở bang Iowa, nơi có bầu trời xanh biếc và những ruộng bắp bạt ngàn. Katie cùng người chị gái là Lynn đã trải qua những ngày tháng tuổi thơ êm đềm. Đối với Katie, Lynn gần như là người quan trọng nhất trong cuộc đời. Thế nhưng, đói nghèo và bệnh tật đã cắt đứt chuỗi ngày êm đềm ấy. Cha mẹ của Katie phải làm việc tối mặt và gần như không có thời gian để chăm các con. Họ luôn về nhà trong tình trạng mệt mỏi hoặc cáu kỉnh. Tệ hơn nữa là sức khỏe của Lynn ngày càng yếu dần, đến mức Lynn không thể đi nổi nữa. Katie đã phải đứng ra chăm sóc Lynn và đứa em trai út tên Sam. Cô bé liên tục chứng kiến những câu chuyện buồn thảm xảy đến với gia đình mình: cha mẹ làm việc đến cạn kiệt sức lực, Sam giẫm phải bẫy và bị thương nặng ở cổ chân, chiếc xe đạp bị người ta lấy cắp, và cuối cùng là Lynn qua đời.

Bối cảnh của câu chuyện là nước Mỹ những năm 1950, khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ và nạn kỳ thị chủng tộc là một vấn đề nhức nhối. Người công nhân phải làm việc quần quật như một cái máy, và nếu người công nhân ấy là người gốc Á thì mọi chuyện còn tệ hơn nữa. Để bớt đi sự nặng nề thì tác giả chỉ để những vấn đề này xuất hiện ở mức độ vừa phải, còn lại là tình cảm gia đình, những ký ức tươi đẹp, những trò vui đùa kiểu trẻ con của Katie.

Vì được viết theo kiểu nhật ký nên Kira-kira chứa rất nhiều chi tiết nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của Katie. Đáng tiếc là phong cách kể chuyện không có gì đặc biệt nên việc chứa nhiều chi tiết như thế gây nhàm chán cho mình. Tình tiết câu chuyện như một đường thẳng đi theo chiều hướng xấu dần, không có những nút thắt - mở. Tuy mọi thứ được thuật lại qua giọng kể hồn nhiên và cái nhìn lạc quan của Katie, nhưng mình vẫn cảm thấy vô cùng bức bối và khó chịu bởi không khí ảm đạm trong truyện. Thông điệp “hướng tới sự lạc quan” cũng không được khắc họa quá rõ ràng. Nhìn chung, mình thấy Kira-kira không phải một tác phẩm hay.

Chấm điểm: 5/10.

  • 2888
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
1404

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)