logo-maybe-vn
Mở app

Giọt Rừng - Khúc ca bốn mùa của thiên nhiên nước Nga

Mikhail Prishvin (1873 - 1954) là một trong những nhà văn Nga viết về thiên nhiên nổi tiếng nhất. Tác phẩm Giọt Rừng của ông thuộc thể loại tùy bút, xuất bản lần đầu tại Nga năm 1943.

Giọt Rừng bao gồm gần 100 đoản văn, chứa đựng thiên nhiên nước Nga qua đôi mắt và tâm hồn của Mikhail Prishvin. Vì các đoản văn không hoàn toàn liên quan đến nhau nên mình có thể chọn ngẫu nhiên một đoản văn để đọc.

Trong những trang văn của Giọt Rừng, thiên nhiên là nhân vật chính, là nguồn cảm hứng và là nàng thơ với vô vàn khuôn mặt qua bốn mùa. Bốn mùa của nước Nga ẩn chứa nét trữ tình, pha lẫn với một chút triết lý của Prishvin khi ông không chỉ ngắm nhìn mà còn gửi gắm suy tư.

Vừa đọc Giọt Rừng, mình vừa tưởng tượng ra cảnh tác giả chầm chậm bước đi giữa núi rừng, thỉnh thoảng dừng lại trước một dòng sông hay một gốc cây to, hít vào một ngụm đầy không khí trong lành, đưa mắt nhìn xung quanh rồi lấy ra quyển sổ ghi chép. Không hoa mỹ, không phức tạp, Prishvin chỉ viết lại những gì mắt thấy tai nghe bằng ngôn ngữ đơn sơ. Ngôn ngữ của ông hình thành từ sự giao tiếp giữa con người lao động với thiên nhiên, là thứ ngôn ngữ mà ai cũng dễ dàng hiểu được.

Prishvin không cố gắng tô vẽ hay “đào bới” một cái gì từ nàng thơ của ông. Chính bởi vì thế mà mình cảm nhận được sự chân thực của cảnh sắc thiên nhiên từng câu từ vẽ ra. Phong phú, đầy màu sắc, sống động là tất cả những gì mình có thể nói về Giọt Rừng.

Nguồn ảnh: Bình Bán Book
Nguồn ảnh: Bình Bán Book

Từ rừng bạch dương non, luống hoa mọc lên từ những luồng nước xuân, cho tới bông cúc dại trên bãi cỏ trong rừng, dường như tất cả những gì rừng có đều được thu hết vào ngòi bút của Prishvin. Chắc hẳn phải có một tình yêu thiên nhiên to lớn mới có thể quan sát khu rừng kĩ càng đến vậy. Prishvin từng là một nhà nông học nên chuyện quan sát hay ghi chép về thực vật không có gì quá khó đối với ông, và mình không lấy làm lạ khi thấy Prishvin biết rất nhiều tên của cây và hoa. Có nhiều cái tên thực vật nghe rất hay và khiến mình tò mò, ví dụ như hoa tử la, hoa anh thảo, thanh lương trà,...

Nàng thơ có vô vàn khuôn mặt của Prishvin tỏ ra thật kiêu kì và bí ẩn bằng việc thay hình đổi dạng trước khi con người kịp nhận ra. Có lúc nàng rực rỡ, đầy sức sống, có lúc nàng lại u sầu, mơ màng. Đầu mùa xuân, ánh mặt trời trở nên tươi sáng mặc dù tuyết vẫn còn phủ kín trên lá cây và cái rét mướt chưa biến mất.  Khi hạ tới, tán cây rậm rạp đến mức ánh nắng không thể xuyên qua, chim tiêu liêu cất tiếng hót vang, gió mát thổi khắp rừng. Vào mùa thu, ánh nắng ấm áp, đường làng vương mùi rơm mới, nấm mọc ngày càng nhiều. Đến mùa đông, những con vật sửa soạn cho kì ngủ đông, lớp băng ngày càng siết chặt mặt hồ, trời chuyển rét. 

Không chỉ dừng lại ở những đối tượng cố định, có sẵn, Prishvin còn nắm bắt được những khoảnh khắc hiếm thấy, như thể ông dành toàn bộ thời gian chỉ để ngắm nhìn thế giới tự nhiên và ghi chép lại, dù trước mặt ông là con bướm đang vỗ cánh hay đóa hoa đang dần hé nở.

“Tôi ngỡ rằng có ngọn gió tình cờ lay động chiếc lá già, song đó lại là con bướm đầu tiên vỗ cánh. Tôi nghĩ mình chợt hoa mắt ngẫu nhiên, mà hóa ra bông hoa đầu mùa đã nở.”

Đối với nhiều người, có lẽ Giọt Rừng chẳng có gì thú vị khi nó không có nhiều tính tự sự như một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện rõ ràng, lại càng thiếu tính hoa mỹ trong việc miêu tả cảnh. Prishvin viết Giọt Rừng khi tuổi đã cao, và có lẽ ông không còn khao khát gì cho việc biểu đạt bản thân qua văn chương nữa. Sự lột tả gãy gọn trong tác phẩm đã cho mình thấy thái độ không muốn phô diễn của ông. Tuy vậy, ông vẫn có để lại, mặc dù là rất ít, những suy tư sâu sắc của cá nhân ông trong Giọt Rừng. Đó một thứ gia vị mà không có nó thì cuốn sách này mất đi bao nhiêu cái hay.

Suy nghĩ của Prishvin về tình mẫu tử của động vật khiến mình rất thích thú. Ông dường như xem động vật là con người, và mỉa mai cách mà người ta mắng nhau là thú vật như thể thú vật là những loài không có cảm xúc.

“Người ta thường mắng nhau là thú vật, thật chẳng còn gì thậm tệ hơn khi nói: “Đúng là dã thú!”. Mà trong lúc đó ở những con thú này vẫn giữ được một kho dự trữ vô hạn của sự hiền dịu. Biết bao nhiêu là tình yêu đã được cấy đặt trong tự nhiên - ta có thể chứng kiến điều đó khi lũ thú con bị tách lìa mẹ ruột của chúng và thay vào đó là một “mẹ” khác.

Một chú cáo con chưa mở mắt bị bắt ra khỏi tổ và đem cho con mèo có sữa nuôi, và mèo mẹ đã yêu nó một cách mù quáng, cáo con cũng quấn quýt với mẹ mèo nuôi nó như với mẹ ruột của mình.”

Lời nhắc nhở về việc gìn giữ “đứa trẻ bên trong” của Prishvin cũng rất giá trị. Từ hình ảnh cây vân sam mọc ra lá non, Prishvin nhắc nhở rằng chúng ta đừng bao giờ đánh mất sự hồn nhiên, ngay thẳng của tâm hồn trẻ thơ, mà phải nuôi dưỡng “đứa trẻ” ấy ngay cả khi áp lực của sự trưởng thành đè nặng trên vai.

“Tôi nói điều này không phải để chúng ta, những kẻ đã trưởng thành và phức tạp, quay trở về với thời niên thiếu, mà là để trong bản thân mỗi người vẫn giữ được con người thơ trẻ của mình, không bao giờ quên nó và xây dựng cuộc sống của mình như một cái cây: vòm lá non tơ đầu tiên kia của cây luôn luôn ở trên cao, trong ánh sáng, còn thân cây là sức mạnh của nó, là chúng ta - những người đã trưởng thành.”

Giọt Rừng của nhà văn Mikhail Prishvin đã giúp mình nhận ra rằng tình yêu thiên nhiên không phải lúc nào cũng thể hiện qua lời tụng ca, mà đôi khi chỉ là trái tim biết đón nhận và trân trọng tất cả những gì mà thiên nhiên mang lại. Trong sự giao tiếp với thế giới tự nhiên, con người có thêm nhiều cơ hội để ngẫm nghĩ về cuộc sống và nhận được sự chữa lành cho tâm hồn. 

Chấm điểm: 8/10.

  • 2847
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
215

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)