logo-maybe-vn
Mở app
K
K3 năm trước
Reading

[Phía sau đời cầm bút] Tuổi thơ của các nhà văn Việt Nam qua từng trang sách

Hẳn trong ký ức tuổi thơ mỗi chúng ta, ai ai cũng từng đọc hoặc từng nghe không ít những câu chuyện thiếu nhi kinh điển chưa ngán bao giờ như: Dế Mèn Phiêu Lưu Kí của nhà văn Tô Hoài, hay truyện Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng. Nhưng, bạn đã từng bao giờ thử tìm hiểu về câu chuyện phía sau của những nhà văn đã làm nên tuổi thơ tuyệt vời của chúng ta chưa? Liệu rằng, trong mắt Tô Hoài hay Nguyên Hồng, những tác phẩm họ sáng tạo nên và câu chuyện đằng sau những trang viết của họ có khác nhau không? Nhân dịp ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1/6, mình xin giới thiệu cho các bạn tìm đọc các tác phẩm hồi ký, tự truyện về tuổi thơ của một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam nổi tiếng mà tuổi thơ chúng ta đều biết đến nhé!

  1.Tự Truyện - Tô Hoài

Tác giả Tô Hoài (1920 – 2014) vốn đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam từ lâu với Dế Mèn Phiêu Lưu Ký. Ngoài ra, ông cũng xuất sắc với các tác phẩm lấy cảm hứng lịch sử, truyền thuyết như: Truyện Nỏ Thần, Nhà Chử, Đảo Hoang,…

Những mẩu chuyện về tuổi thơ của Tô Hoài được ông ghi chép rải rác một số cuốn tự truyện, hồi ký đã được xuất bản trước khi mất: Cỏ Dại; Mùa Hạ Đến, Mùa Xuân Đi; Nói Về Cái Đầu Tôi, Chuyện Cũ Hà Nội, Những Kí Ức Không Chịu Ngủ Quên,… trong đó, Tự Truyện có thể coi là cuốn hồi ký hoàn chỉnh và đầy đủ nhất về tuổi thơ của Tô Hoài.

Đọc Tự Truyện, bạn sẽ được lội ngược dòng về hoàn cảnh sáng tác của Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, cũng như những khó khăn khi tìm kiếm cơ hội xuất bản sách của nhà văn đương thời. Cuốn sách còn kể về thời thanh niên vất vả của ông, khi mà ông còn chập chững trên hành trình trở thành nhà văn chuyên nghiệp sau sự thành công của Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, cũng như tái hiện nhiều những gương mặt văn nghệ sĩ cùng thời với ông.  

 

  2. Những Ngày Thơ Ấu - Nguyên Hồng

Điều gì làm nên một hồn văn Nguyên Hồng đậm chất sương gió giang hồ trong Bỉ Vỏ hay Qua Những Màn Tối? Bạn sẽ được biết khi đọc Những Ngày Thơ Ấu, cuốn tự truyện nổi tiếng của ông.

Qua những trang viết thấm đẫm nỗi buồn từ Những Ngày Thơ Ấu, một tuổi thơ đầy cay đắng hiện ra: Một đôi vợ chồng bị ép cưới vì bị gia đình cưỡng chế. Một cuộc hôn nhân vốn không được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Và cậu bé Hồng cũng chỉ là bị ép phải ra đời, để rồi phải trưởng thành trong bóng tối, trong khổ đau một đời đằng đẵng. Từ rất sớm, cậu bé đã nếm trải mùi đời, từ người cha sa ngã vì nghiện rượu, đến thói bài xích cay nghiệt của những người họ hàng, và sự kì thị nghiệt ngã của xã hội. Nhưng bóng tối chưa hẳn đã trùm lên toàn bộ tâm hồn cậu, mà vẫn còn đó một tia hy vọng le lói, đó là tình yêu mẹ chân thành mà da diết. Thật vậy, mẹ nhà văn hiện lên như bến bờ ủi an duy nhất giữa tuổi thơ u ám, để nhà văn không thôi ngừng tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng, vào những ngày sáng sủa sẽ luôn thường trực khi ta đủ nghị lực để vươn tới.  

  3. Chân Trời Cũ - Hồ Dzếnh

Hồ Dzếnh (1916–1991), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh, là một nhà thơ gốc Hoa nổi tiếng của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ Quê Ngoại với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa.

Chân Trời Cũ của Hồ Dzếnh ra mắt bạn đọc năm 1942, khi nhà văn mới chỉ 20 tuổi. Một tuổi thơ không mấy êm vui, và có phần đặc biệt, do tác giả là người con của hai dòng máu Hoa – Việt. Các truyện ngắn trong Chân Trời Cũ đều được kể bằng chất giọng hồn nhiên, vô tư mà cũng đượm buồn. Vì tuổi thơ của Hồ Dzếnh còn chất chứa nỗi buồn trong những đêm nghiện rượu say khướt của người cha, chứa cả nỗi nhớ về hình bóng người mẹ tần tảo sớm khuya, một người mẹ phải gánh trên vai cả gia đình đông đúc. Tương tự Quê Ngoại, người mẹ cũng là hình ảnh mang sức nặng nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.

“Ngày nhỏ tôi yêu mẹ một cách bịn rịn. Người chiều tôi, có lẽ vì Người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui. Tôi đòi gì là Người cho. Tôi muốn gì Người chiều ý”.

(Chân Trời Cũ)

  4. Tuổi Thơ Im Lặng - Duy Khán

“Có những tác phẩm viết xong rồi thì người viết có thể xoa tay tựa như làm xong nghĩa vụ với đời. Tuổi thơ im lặng của Duy Khán là thuộc cái dạng tâm huyết như thế.”

(Trích giới thiệu sách của NXB Kim Đồng)

Duy Khán (1934-1993) là một văn thi sĩ người Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012 vì những đóng góp của ông đối với nền văn học Việt Nam.

Tuổi Thơ Im Lặng là cuốn hồi ký xuất bản năm 1986, đồng thời là tác phẩm nổi tiếng nhất của Duy Khán. Trong lời tựa, tác giả nói rằng ông viết cuốn sách này như là quà tặng ba người con của mình.

Tập hợp gồm nhiều câu chuyện nhỏ rải rác theo ký ức của tác giả từ thủa nhỏ đến khi nhập ngũ năm 15 tuổi, tác phẩm là bức họa ký ức đầy màu sắc về một làng quê Kinh Bắc yên bình, dân dã mà đong đầy nỗi nhớ về cảnh sắc thôn quê, gia đình, bè bạn và những tập quán sinh hoạt rất đỗi gần gũi trong mỗi người con Bắc Bộ. Ngoài ra, tác phẩm cũng xâu chuỗi nhiều mảnh đời đan xen có vui có buồn ở làng quê ông trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, bộc lộ nhiều tâm tư tình cảm sâu đậm của tác giả với con người quê hương mình, cũng như cách nhìn đời sâu sắc của ông.

Tác phẩm nhận được phản hồi tích cực từ lúc tác giả sinh thời và là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp cầm bút của Duy Khán. Đoạn trích Lao Xao Ngày Hè trong cuốn hồi ký kể về trận chiến giữa chèo bẻo và chim cắt đã được đưa vào chương trình Ngữ Văn lớp 6.   

  5. Miền Thơ Ấu - Vũ Thư Hiên

Vũ Thư Hiên (1933) là nhà văn Việt Nam, còn có bút danh là Kim Ân, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền Thơ Ấu.

Xoay quanh những kỉ niệm ngày thơ ấu trong ngôi làng Bắc Bộ nghèo rớt mồng tơi, Vũ Kim Thư đã kể lại về một khoảng trời độc nhất vô nhị của riêng ông nơi có một ngôi nhà ba gian bằng gỗ cũ kỹ và hằng in dấu vết của các thế hệ từ đời cụ kỵ, nơi có bà cô là con chiên ngoan đạo, cũng là một người đàn bà gia trưởng, cay mồm độc miệng và luôn thường trực một nét mặt khó chịu với mọi điều không nhất nhất tuân theo lệnh bà. Đó còn là những ngày ông cùng các anh em hàng xóm, những cu Lớn, cậu Nhỏ cùng nhau chạy đuổi trên những cánh đồng, câu cá, và hù dọa nhau với những truyện ma được bố mẹ kể lại mỗi đêm.

“Quê hương của một người, nếu nói về nó bằng tình yêu chân thật, từ trái tim mình, thì cũng mang dáng dấp quê hương của bất kỳ ai khác, trong sự đồng điệu của tâm hồn.”

(Trích giới thiệu sách của Phanbook)   

  6. Lan Hữu - Nhượng Tống

Được biết đến chủ yếu với vai trò một dịch giả lỗi lạc cùng các dịch phẩm kinh điển như Tây Sương Ký, Ly Tao, Sử Ký Tư Mã Thiên, Nam Hoa Kinh,… song sự nghiệp của Nhượng Tống hoàn toàn không thiếu vắng những trang văn trữ tình thấm đẫm chất thơ hệt như một nhà văn thực thụ.

Lan Hữu là tiểu thuyết tự truyện của ông, cũng là cuốn tiểu thuyết tình ái duy nhất trong cả bài viết này. Sách kể về mối tình tay ba giữa một Nhượng Tống trẻ tuổi với hai nàng Lan và Hữu. Xuyên suốt tiểu thuyết, nhân vật chính luôn giữ mối tình si lặng thầm với cả hai, vừa da diết nhưng cũng đầy băn khoăn day dứt. Nhượng Tống, 16 tuổi, mới tập yêu lần đầu, đã gặp phải cảnh đứng giữa ngã ba đường đầy trắc trở và éo le. Xuyên suốt tiểu thuyết, cuộc đấu tranh nội tâm của cậu càng lúc càng dữ dội, càng lúc càng khốc liệt, giữa một bên là bản ngã nhút nhát e dè với một bên là bản ngã mạnh mẽ, luôn khao khát thét lên tiếng yêu đầu đời tự do và dứt khoát nhất.

Ra đời năm 1940, Lan Hữu là một áng văn giàu chất thơ và chất hiện đại. Mang trong mình những góc nhìn cấp tiến về tình yêu, về tư tưởng cởi mở, Lan Hữu là tiếng lòng của tác giả về nỗi khát khao yêu đương cháy bỏng, thoát khỏi ràng buộc của lề thói. Tác phẩm cũng đại diện cho hồn văn riêng biệt của Nhượng Tống, một hồn văn lãng mạn yêu đời đã bộc lộ tiềm năng xáng lạn bên lề sự nghiệp dịch giả của ông.   

  • 2104
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
614
K
K3 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)