Mây Dưới Bóng Trăng - Sự cởi bỏ thực tại của họa sĩ Hà Hùng
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng cảm thấy chán ngán trước cuộc sống thường ngày, để rồi phải tìm đến nghệ thuật để thi vị hóa cuộc sống. Quá trình chuyển biến từ "chán ngán" sang "thi vị" đã được họa sĩ Hà Hùng thể hiện bằng hội họa trong triển lãm Mây Dưới Bóng Trăng.
Họa sĩ Hà Hùng sinh năm 1970 tại Long An, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 2001. Hiện ông là tu sĩ, có pháp danh là Thích Hoằng Toàn. Đối với Hà Hùng, vẽ tranh giống như tập thể dục vậy. Cơ thể tập thể dục để khỏe khoắn, còn tinh thần tập thể dục bằng hội họa để trở nên nhẹ nhàng. Vẽ tranh là để sống cho vui vẻ hơn.
Sáng tạo là một phương cách để giải quyết bi kịch, và vì thế mà đôi lúc nghệ thuật khởi đầu từ bi kịch. Trong một thế giới luôn có hai mặt đối lập, nhờ có bi kịch mà con người mới thấu hiểu được hạnh phúc, và cũng nhờ có bi kịch mà chúng ta mới nhìn ra cái đẹp, cái bình an trong cuộc sống. Đối với Hà Hùng, vẽ là cách giúp cho nội tâm được thở. Vẽ lên những câu chuyện mà mình thấy có ý nghĩa là cách để tự chữa lành vết thương lòng và làm cho bản thân sớm trưởng thành hơn.
Làm nghệ thuật không phải là để chạy trốn chính mình, mà là để chạy trốn thế giới hiện thực, để biểu hiện ra những gì có trong con người mình. Là tu sĩ Phật giáo nhưng Hà Hùng vẽ rất nhiều hình ảnh có liên quan đến Thiên Chúa giáo như nhà thờ, mục tử, thiên thần,... Điều này cho thấy tinh thần vô tư và vô ngại của Hà Hùng.
Điều mình cảm nhận được trong tranh của Hà Hùng là sự chiêm nghiệm của ông trước thực tại nhàm chán. Nhà cửa, đường xá, cây cối, con người,... là những hình ảnh không có gì mới lạ, nhưng Hà Hùng đã cố gắng thể hiện chúng sao cho đặc biệt nhất có thể. Chúng mang sự ưu tư nhưng không kém phần giản đơn, nói đúng hơn là gột bỏ hết mọi chi tiết phức tạp để trở nên "dễ thở". Đôi khi chúng ta cần nhìn thực tại một cách giản đơn như thế để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Mình thích sự hồn nhiên, giản dị trong những bức tranh của Hà Hùng. Trên tấm toan là những đường viền rất dày và những mảng sơn dầu có màu sắc đậm đặc giống hệt như cách tô màu của trẻ con. Sự tối giản về màu sắc và đường nét trong tranh của Hà Hùng mang lại cho mình cảm giác gần gũi, dễ cảm thụ. Mặc dù những bức tranh có chút gì đó buồn rầu, chúng lại mang tâm trạng buông bỏ những vấn vương trần tục để hướng tới sự bình an trong tâm hồn. Chỉ khi biết lắng nghe tiếng lòng của chính mình, chúng ta mới có đủ quyết tâm để rũ mình khỏi nỗi sầu nặng trĩu, hướng đến tinh thần lạc quan, yêu đời.
Cùng mình ngắm qua một số bức tranh nhé!
Ngôi nhà trên đồi
Giữa thiên nhiên hoang dại muôn sắc màu, trên ngọn đồi xanh thẳm là một căn nhà nhỏ nhắn. Đây là hình ảnh mà mình bắt gặp rất nhiều trong truyện cổ tích. Bức tranh đưa mình về với ký ức tuổi thơ, khiến mình nhớ lại những ngày mình được mẹ kể cho những câu chuyện bắt đầu bằng: "Ngày xửa ngày xưa, có một ngôi nhà nhỏ trên đồi…"
Trăng và dê
Người chăn dê ngồi bó gối lại, đầu gục xuống như một đứa trẻ đang âu sầu. Trong khi ấy, đàn dê với bộ lông trắng như mây trên trời đang tung tăng vui đùa. Có thể người chăn dê chỉ ước được vô tư như đàn dê kia, không phải gánh vác nỗi buồn của loài người. Người chăn dê chỉ có thể chọn ánh trăng như một người bạn để gửi gắm tâm tình, quên đi tảng đá đang đè nặng trong tim.
Chăn trâu thổi sáo
Chăn trâu thổi sáo là một hoạt động gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người. Dù đang sống trong cảnh giàu sang phú quý, nhiều người lại vương vấn cái thời chăn trâu, khoảng thời gian tuy khó khăn nhưng cuộc sống lại giản đơn và chẳng có gì để lo nghĩ.
Ngủ
Người trong tranh ngước mặt lên trời, bên cạnh có ly rượu giải sầu, giống như đang thức chứ không phải đang ngủ. Có lẽ nào người ấy "thức" trong lúc ngủ? Mình từng nghe nói rằng giấc mơ có thể phản ánh khát vọng của con người. Trái tim thổn thức đưa người ấy đến với giấc mơ về những cánh chim, tượng trưng cho chân trời tự do mà người ấy hằng khao khát.
Bên hồ
Mặt hồ không hề phản chiếu giống với những gì trên mặt đất. Phía dưới bề mặt xanh thẳm ấy là một thế giới khác. Nơi ấy cũng có cây lá, bầu trời và những nóc nhà thờ, và đặc biệt là có niềm hạnh phúc mà thế giới trên mặt đất không thể mang lại.
Chim bay trên trời
Những ngôi nhà dưới mặt đất như thể đang dùng "đôi mắt" cửa sổ để ngắm nhìn đàn chim bay, trong lòng đầy ghen tị tự hỏi sao mình chỉ có thể đứng yên một chỗ.
Nhà thờ Domaine De Marie Đà Lạt
Một bức tranh mang lại cảm giác tươi mát nhờ sự phối hợp hài hòa giữa màu xanh lá và màu trắng. Nhà thờ trong tranh của Hà Hùng không còn gồng mình trong vẻ uy nghiêm, mà thay vào đó là sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên.
Đêm trăng
Canh ba, khi nhà nhà đã yên nghỉ, chỉ có người thức trắng mới thấy được ánh vàng hoàn hảo của trăng. Có một số người thức khuya vì họ thích sự an bình vào ban đêm. Ánh trăng và sự tĩnh mịch xoa dịu họ sau khi họ phải trải qua sự xô bồ của một ngày dài.
Linh hồn
Có lẽ thuở ấu thơ ai cũng đã từng ước được bay lên trời. Khi lớn lên rồi, người ta vẫn mong "bay lên trời", nhưng chỉ sau khi đã hoàn tất mọi trách nhiệm trong cuộc đời.
Thiên thần
Có lẽ bức tranh này đang diễn tả khao khát của một con người về chốn thiên đường, nơi có những con người tốt bụng và thánh thiện như thiên thần, cùng anh bay lượn và hát ca.
Bay lên 2
Bức tranh vẽ lại sự biến chuyển từ con người thành con chim, thể hiện khát vọng rời khỏi cõi người để hóa thân thành loài chim tự do bay lượn trên trời.
Phố trong rừng
Những tòa nhà bê tông cứng nhắc bị che lấp bởi hàng cây uyển chuyển mềm mại. Trái tim của con người đôi khi cũng cứng nhắc giống như tòa nhà bê tông kia, nhưng nếu được "tắm mát" kịp thời thì vẫn còn cơ hội để dịu dàng với đời.
Cây giữa phố
Giữa tông màu xám xịt của phố phường lại có màu xanh tươi mát của lá cây, như thể một niềm tin yêu và hy vọng đang chớm nở trong tâm hồn tưởng chừng khô cằn.
- 2847
- 0Bình luận