Xứ Phẳng: Cuộc Du Hành Vào Cõi Đa Chiều và cái nhìn của Edwin A. Abbott về xã hội Anh thế kỉ 19
“Tôi GỌI thế giới của chúng tôi là Xứ Phẳng, không phải vì chúng tôi vốn gọi nó vậy, mà để làm rõ bản chất của nó cho các bạn, quý độc giả sung sướng, những người được vinh dự sống ở Không Gian.”
Đây có lẽ là quyển sách gây ấn tượng nhất với mình về mặt bối cảnh, vì cái thế giới trong Xứ Phẳng nó quá đỗi... lạ lùng. Khi ta đã quen với các câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi thì việc cái cây, con cáo hay thậm chí là hòn đá được nhân hóa là chuyện quá bình thường. Thế nhưng nếu vật được nhân hóa là một Hình Vuông thì sao? Một Hình Vuông được vẽ trên giấy đúng nghĩa đen, không phải là một mảnh giấy hình vuông hay cái gì tương tự. Rồi còn có cả hình Tam Giác, Đa Giác, Đường Thẳng sống trong một cộng đồng hoàn chỉnh với đầy đủ các chức năng như xây dựng gia đình, giáo dục, kinh doanh, thậm chí có cả pháp luật.
Mình đã mất kha khá thời gian để có thể hình dung ra cái xứ sở trên mặt giấy kì lạ của Edwin Abbott, và thực sự nể phục trí tưởng tượng của ông khi mở ra được cái thế giới có lẽ không ai ngờ đến này. Ông không chỉ khơi ra mà còn vẽ nó thành một bức tranh hoàn chỉnh với đủ các chi tiết lặt vặt như: nhà cửa ở Xứ Phẳng như thế nào, thời tiết ra làm sao, hay cách để phân biệt các hình với nhau khi tầm nhìn không thể vượt ra khỏi mặt giấy. Dù đôi lúc mình vẫn thấy nó khá là phi lý, nhưng nhìn chung thì mình vẫn bị thuyết phục để tin vào cái thế giới gợi nhớ về môn Toán Hình hồi tiểu học này.
“Thử tưởng tượng một tấm giấy trải rộng thênh thang, trên đó có Đoạn Thẳng, Tam Giác, Hình Vuông, Ngũ Giác, Lục Giác, và những hình thù khác, thay vì cố định một chỗ thì các hình lại tự do di chuyển, ở trên hay ở trong bề mặt ấy, nhưng không có khả năng nhô lên hay thụt xuống, rất giống những cái bóng - chỉ là chúng cũng và có phần cạnh phát sáng - thì bạn sẽ hình dung khá chuẩn xác về đất nước và đồng bào của tôi.”
Cuốn sách được viết dưới dạng bút ký của Hình Vuông – một cư dân thuộc tầng lớp tri thức của Xứ Phẳng. Nhờ cơ may đặc biệt mà ông được đến tham quan cả Xứ Đường Thẳng và Xứ Không Gian, từ đó mở mang tri thức về khoảng không rộng lớn ngoài thế giới hai chiều. Trong chuyến tham quan được thuật lại đó, tác giả đã viết lời “dự báo” về những không gian nhiều hơn ba chiều. Và điều được viết trong cuốn sách xuất bản năm 1884 này đã được chứng thực vào năm 1918, khi Thuyết tương đối tổng quát của Einstein xác định sự tồn tại của không gian bốn chiều.
Điều hiển nhiên là Edwin Abbott không viết cuốn tiểu thuyết này chỉ với mục đích nghiên cứu toán học hay hình học không gian. Qua giọng tường thuật hóm hỉnh đôi khi xen chút mỉa mai, không khó để nhận ra rằng Xứ Phẳng là một cuốn tiểu thuyết châm biếm xã hội. Những vấn đề như đấu tranh vì nữ quyền, cuộc nổi loạn đa sắc, hội cầm quyền hèn nhát và ích kỉ được khéo léo lồng vào Xứ Phẳng làm độc giả liên tưởng ngay đến tình hình nước Anh thế kỷ 19. Thái độ của tác giả cũng được thể hiện rõ ràng thông qua nhân vật Hình Vuông: giễu cợt sự nông cạn của số đông và bất lực trước chính sự nông cạn đó.
Edwin cho mình thấy cái nhìn nghiêm túc của ông về một nước Anh đang bị gò bó quá nhiều bởi các luật lệ, giáo điều và sự cổ hủ của tầng lớp phía trên. Ông muốn đám đông nhận thức sớm về sự phát triển của thế giới bên ngoài, chứ không phải như những cư dân Xứ Phẳng - an phận trong mặt giấy và chối bỏ mọi điều khác biệt. Nhưng rồi chính ông cũng ý thức được rằng thật khó lòng mà thay đổi cả một xã hội đang bị phủ dưới lớp sương mờ. Nhân vật Hình Vuông muốn khai sáng cư dân Xứ Phẳng, nhưng ông ta chỉ có một mình và kiến thức của ông ta khác biệt hẳn với những gì họ biết. Vậy là ông ta bước lên con đường quen thuộc của Galileo năm ấy.
Một cuốn sách mỏng chưa tới 200 trang gồm văn học, toán học, phân tích tâm lý xã hội, tôn giáo, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong một câu chuyện hư cấu đến kì lạ. Cảm giác cũng giống lúc mình đọc Utopia của Thomas More vậy, nhưng phần kiến thức toán và hình học không gian làm mình thấy rối não hơn nhiều. Nếu bạn tò mò về thể loại được gọi là tiểu thuyết viễn tưởng toán học (mathematical fiction) thì xin chào mừng đến với thế giới của Xứ Phẳng: Du Hành Vào Cõi Đa Chiều.
Đánh giá cá nhân: 4.5/5
Hoàng Linh
- 2393
- 0Bình luận