logo-maybe-vn
Mở app
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Cùng nhập môn triết học một cách nhẹ nhàng bằng Lược Sử Triết Học của Nigel Warburton

Nhắc đến “triết học” chắc nhiều bạn sẽ nghĩ về nó như một môn học cao siêu mà người bình thường chẳng tài nào ngấm nổi. Vì cái dễ bật ra trong đầu chúng ta nhất chính là “Triết học Mác – Lê-nin” – cơn ác mộng của không ít sinh viên. Mình cũng từng nằm trong cái số “không ít” đó, những ngày vật vã với “chủ nghĩa duy vật biện chứng”, “quy luật phủ định của phủ định”,... Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Nhưng chúng ta đều biết rằng đó chỉ là một phần rất nhỏ của “triết học”, nếu tìm được đúng cách tiếp cận thì biết đâu nó sẽ thú vị hơn. Và mình đã tìm thấy sự thú vị đó trong Lược Sử Triết Học của Nigel Warburton.

Lược Sử Triết Học (A Little History Of Philosophy) theo đúng như tên gọi của nó, là một cuốn sách sơ lược về quá trình được khai mở và phát triển của triết học. Bố cục được sắp xếp theo tuần tự thời gian với 40 chương là 40 quan điểm triết học khác nhau từ quá khứ đến hiện đại. Từ Socrates – Plato – Aristotle: bộ ba thầy trò đặt nền tảng cho triết học phương Tây, đến các triết gia thời trung đại như Machiavelli, Voltaire, đến Sigmund Freud, Albert Camus, và sau đó là Alan Turing, Peter Singer của thế kỉ 20. Cách tác giả đặt tựa mỗi chương cũng làm mình khá ấn tượng, vì vừa gợi ý về triết gia được nhắc đến vừa gợi sự tò mò cho độc giả như: Ông Chủ Của Những Con Rối Là Ai?, Hoàng Tử Và Người Thợ Sửa Giày, Người Thợ Đồng Hồ Tưởng Tượng, Vậy Thì Sao?,...

Văn phong của Nigel Warburton không dùng quá nhiều từ ngữ chuyên ngành nên rất dễ hiểu. Ông trình bày quan điểm của các triết gia đi kèm với những câu chuyện thú vị về chính các triết gia đó. Nó làm độc giả không thấy nhàm chán và khô khan khi đọc về chủ đề “hack não” này. Mình đã bật cười trước chuyện bị ghét vì hỏi quá nhiều của Socrates, thái độ hoài nghi đến quá mức của Pyrrho, hay mục đích chính khi sáng tác Quân Vương của Niccolo Machiavelli là lấy lại vị thế trong chính trường nhưng cuối cùng lại đưa ông trở thành một nhà văn.

Mình nghĩ sự khác biệt lớn nhất giữa người bình thường và các triết gia là họ ít khi nào để bộ não của mình rảnh rang, nó luôn trong tình trạng tự đặt câu hỏi và tự suy ngẫm. Họ tìm cách lý giải bất cứ thứ gì họ thấy nghi ngờ, luôn suy tư và tách biệt nhận thức của mình khỏi đám đông. Như Plato cho rằng người bình thường hiểu biết ít ỏi vì quá dễ hài lòng với cái họ nhìn thấy, còn các triết gia luôn đào sâu đi tìm bản chất của sự vật nên họ có thể nhìn thấy nhiều hơn (luận điểm được chứng minh bằng dụ ngôn hang động* của Plato).

Các triết gia cổ đại đi sâu vào suy ngẫm về tiềm thức con người, bản chất của cuộc sống,... họ lý giải theo cách nghĩ của riêng mình và truyền đạt lại cho các môn đồ. Các thế hệ kế thừa tiếp theo sẽ học tập hoặc phản biện những quan điểm cũ bằng các biện chứng mới. Không giống như khoa học có thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn bằng thực nghiệm, các quan điểm triết học thường chỉ đúng cho đến khi có quan điểm thuyết phục hơn xuất hiện. Cũng vì thế mà dòng tư duy trong triết học luôn được thúc đẩy và phát triển không ngừng. 

“Bạn có thể tưởng rằng bạn biết tất cả mọi thứ. Ví như bạn biết rằng bạn đang đọc những dòng này. Nhưng những nhà triết học hoài nghi chắc sẽ không đồng tình với điều đó. Thử nghĩ xem tại sao bạn có thể tin rằng bạn đang thực sự đọc những dòng này chứ không phải chỉ đang tưởng tượng là mình đọc. Liệu bạn có chắc là mình đúng hay không? Bạn có vẻ là đang đọc - có lẽ ta nên nói vậy. Tuy nhiên cũng có thể đây chỉ là ảo giác hay giấc mơ của bạn mà thôi.”

Sau khi đọc xong cả cuốn thì triết học vẫn là một môn “khó nhằn” với mình, nhưng không còn quá nhàm chán như mình từng nghĩ nữa. Có thể vẫn chưa đủ sức để đọc các tài liệu nghiên cứu sâu xa hơn, nhưng để đọc các cuốn nhẹ nhàng như thế này thì ổn. Mình chưa từng tìm hiểu kĩ về triết học nên cũng không đánh giá được xem lượng kiến thức trong sách có gì sai lệch không. Nhưng vì Nigel Warburton là một nhà nghiên cứu triết học đương đại khá có tiếng nên mình nghĩ thông tin trong sách cũng đáng tin cậy. Tổng kết lại thì mình thấy đây là một cuốn sách khá hấp dẫn, rất phù hợp với những ai muốn thử thay đổi cái nhìn về triết học như mình.

Đánh giá cá nhận: 4/5

Hoàng Linh 

*Dụ ngôn hang động của Plato: Trong một hang động tưởng tượng có một đám tù nhân đang bị xiềng và quay mặt vào vách hang. Trước mắt họ chỉ là hình bóng lờ mờ in trên vách mà họ tưởng rằng chúng là thật. Nhưng không. Chúng chỉ là hình bóng của những vật mà ánh sáng của đống lửa đằng sau lưng họ chiếu lên mà thôi. Đám tù nhân này suốt đời nghĩ rằng những bóng hình chiếu lên vách hạng chính là thế giới thực tại. Rồi một ngày nọ, một tù nhân phá được xích và quay lại nhìn thấy đống lửa. Mắt anh ta thoạt tiên bị lóa vì ảnh lửa, nhưng dần dần, anh ta bắt đầu nhận ra được mình đang ở đâu. Rồi anh ta chệnh choạng ra khỏi hang và cuối cùng được ngắm nhìn mọi thứ dưới ánh mặt trời. Anh ta bèn quay lại hang nhưng không một tù nhân nào tin lời anh ta nói về thế giới bên ngoài. Anh chàng thoát được khỏi xiềng xích kia chính là một triết gia. Anh ta nhìn được cái đằng sau vẻ bề ngoài của sự vật.

  • 3260
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
560
hoanglinh.r
hoanglinh.r2 năm trước
Reading

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)