logo-maybe-vn
Mở app

Về Bản Tính Người - Con người không thể vượt ra ngoài bản chất sinh vật

Edward Osborne Wilson (1929 – 2021) là nhà sinh vật học và nhà tự nhiên học người Mỹ. Ông được công nhận là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học tế bào và nghiên cứu kiến. Wilson đã nhận được hơn 150 giải thưởng và huy chương danh giá, đồng thời là thành viên danh dự của hơn 30 tổ chức và học viện danh tiếng và uy tín trên khắp thế giới.

Tác phẩm Về Bản Tính Người xuất bản năm 1978, là một trong hai cuốn sách giúp Wilson thắng giải Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu nói chung. Trong Về Bản Tính Người, Wilson dùng kiến thức sinh học xã hội để giải thích những tập tính tồn tại trong xã hội và bản thân con người. Toàn bộ cuốn sách chủ yếu là lập luận của tác giả về việc hành vi của con người là do gen hay do môi trường xã hội quyết định.

Tác giả cho rằng sự phát triển về văn hóa và những luân lý cao siêu của con người không thể tách bạch khỏi sự tiến hóa về mặt di truyền. Văn hóa vốn luôn bị gen ràng buộc. Mọi hành vi của con người, cho dù là những xúc cảm thâm sâu nhất, cũng chỉ để phục vụ cho mục đích duy trì gen mà thôi.

Việc nghiên cứu bản tính con người đặt ra hai nan đề lớn. Nan đề thứ nhất là không có loài nào, ngay cả loài người, sở hữu một mục đích vượt ra khỏi phạm vi của những bắt buộc mà lịch sử di truyền của loài tạo ra. Loài người đã tiến bộ về tinh thần và vật chất nhưng lại thiếu một mục đích nằm ngoài bản chất sinh vật của họ. Có thể loài người sẽ đạt được những thành tựu tối ưu giúp cho bộ gen được duy trì hoàn toàn, ví dụ như hệ sinh thái bền vững và dân số được nuôi dưỡng tốt, nhưng sau đó loài người còn mục đích gì để tiến tới? 

Nan đề thứ hai là: Trong não chúng ta, những vùng nào điều khiển khả năng kiểm duyệt và kích thích động cơ mà chúng ta nên tuân theo,  cũng như những vùng nào chúng ta nên chế ngự? Vào một lúc nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ phải quyết định xem mình mong muốn tiếp tục tồn tại với bao nhiêu phần là con người, nghĩa là ta phải lựa chọn trong số những vùng điều khiển xúc cảm mà ta được kế thừa về mặt di truyền.

Bản tính người là một chủ đề quá phức tạp và chúng ta cần đến sự kết hợp giữa khoa học nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên để giải đáp nó. Wilson đã cố gắng đáp ứng điều kiện ấy và tạo nên bộ môn sinh học xã hội, là sự mở rộng từ sinh học quần thể và lý thuyết tiến hóa sang lĩnh vực tổ chức xã hội của con người. Sinh học xã hội đặt ra những câu hỏi: Các bản năng của con người là gì? Chúng kết hợp với nhau thế nào để tạo nên bản tính người?

Cuốn sách gồm chín chương, đưa mình đến với những cách mà chọn lọc tự nhiên dìu dắt hành vi con người, để rồi làm nên văn hóa nhân loại hiện đại. Wilson cho rằng quá trình tiến hóa đã để lại dấu vết trên các đặc điểm của con người như tính hiếu chiến, lòng vị tha, sự tôn thờ,... Tác giả đưa ra những giải thích thú vị cho những câu hỏi mà mình tưởng chừng rất nghiễm nhiên: Vì sao con người mới sinh ra đã biết cười? Vì sao có người thuận tay trái, có người thuận tay phải? Vì sao đàn ông lại chiếm nhiều ưu thế hơn trong xã hội? Vì sao con người lại sinh sản hữu tính? Vân vân và vân vân.

Wilson luôn khiến mình ngạc nhiên vì mình chưa bao giờ nghĩ tới những câu trả lời giống như câu trả lời của ông. Ví dụ, Wilson đặt ra vấn đề "Vì sao con người bài trừ loạn luân?". Hầu hết mọi nơi trên thế giới này đều cấm kỵ loạn luân bằng những biện pháp trừng phạt mang tính văn hóa. Theo một số thuyết nhân học, mục đích của việc bài trừ loạn luân là để tránh nhầm lẫn về vai vế trong gia đình hoặc để tạo điều kiện dễ dàng cho sự trao đổi phụ nữ giữa các nhóm xã hội để gia tăng quyền lực. Đối với Wilson, những mục đích ấy chỉ là phụ, còn mục đích chính là để tránh hậu quả sinh lý nặng nề do giao phối cận huyết gây ra. Loạn luân dẫn đến sự tổn thất tính thích nghi di truyền, bởi vì những đứa trẻ ra đời do loạn luân dễ bị bệnh và ít để lại hậu duệ hơn. Phải ngăn chặn loạn luân thì mới có thể đóng góp nhiều gen hơn cho thế hệ tiếp theo. Bởi lý do này mà con người, bằng trực giác, đã tránh sự loạn luân bằng nguyên tắc đơn giản nhất, mang tính bản năng nhất ấy là ngăn chặn quan hệ cận huyết. Nói cách khác, gen đã dẫn dắt con người trong việc bài trừ loạn luân.

Wilson đã đoán trước rằng những luận điểm trong cuốn sách  của ông sẽ gây tranh cãi, và sự thật đúng là như thế. Ngay từ lời nói đầu, Wilson đã nói rằng đừng nên xem Về Bản Tính Người là sách giáo khoa, vì một số lập luận của ông trong sách này mang tính phỏng đoán và cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để chứng minh. Mình hiểu rằng tác giả không trình bày những ý tưởng của ông như một người có thẩm quyền, mà chỉ đang cố gắng gieo mầm cho các nghiên cứu và thảo luận sâu hơn mà thôi. Chính vì những lý do trên mà mình rất khâm phục trước sự dũng cảm của Wilson khi ông dám đón nhận những lời chỉ trích để thúc đẩy sự phát triển của bộ môn sinh học xã hội.

Đây là một cuốn sách vô cùng khó đọc và không dành cho những ai thiếu kiên nhẫn. Cuốn sách là sự pha trộn giữa triết học, sinh học, xã hội học, nhân học với vô vàn thuật ngữ khó hiểu khiến mình "hoa mắt" mặc dù đã có phần chú thích thuật ngữ khá đầy đủ. Cách viết của Wilson rất khó để theo dõi. Ông thường hay đi từ ví dụ sinh học sang một câu chuyện ngụ ngôn rồi lại trích ra một đoạn thơ nào đó mà không đi ngay vào lập luận cho những luận điểm ban đầu ông đưa ra. Mình phải đọc kỹ các bình luận ngắn của ông để xem ông đang muốn nói về điều gì. Có những chương mình thấy hấp dẫn nhưng cũng có những chương rối rắm và khó tiếp thu.

Mặc dù khá lan man, giọng văn của Wilson không thiếu đi sự sâu sắc và cuốn hút. Tiếc rằng bản dịch tiếng Việt có đôi chỗ bị cứng nhắc, thiếu gần gũi với văn phong tiếng Việt, phần nào làm giảm đi sự cuốn hút của cuốn sách.

Về Bản Tính Người khiến mình phải nhìn nhận lại câu nói "Trẻ em như trang giấy trắng." Từ lúc mới được sinh ra đời, chúng ta vốn không bao giờ là một trang giấy trắng nguyên vẹn đang chờ môi trường viết lên. Chúng ta là khối phức hợp được tạo nên từ gen và môi trường, không thể nào thoát khỏi sợi dây xích mang tên "di truyền".

Chấm điểm: 8/10.

  • 2434
  • 0Bình luận
Bình luận
BÀI TƯƠNG TỰ
990

Đăng nhập một phát, tha hồ bình luận (^3^)